Vì bầu cử Mỹ, ông Trump sẽ có động thái bất ngờ với Triều Tiên?

Nguyễn Thái - SCMP Thứ hai, ngày 03/08/2020 20:25 PM (GMT+7)
Một số nguồn tin không chính thức ở Washington cho thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc tạo một "bất ngờ" lớn trong các cuộc đàm phán với Triều Tiên để hướng đến thỏa thuận chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Và cú hích dẫn tới việc này có liên quan tới đợt tranh cử Tổng thống Mỹ cuối năm nay.
Bình luận 0

img

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) sẽ có động thái bất ngờ với Triều Tiên vào tháng 10 tới? Ảnh minh họa: CNN

Mối quan hệ tốt đẹp xây dựng với nhà lãnh đạo Kim Jong Un đưa ông Trump vào vị trí mà Tổng thống Mỹ ưa thích: chuyên gia đàm phán. Ngay cả khi cuộc gặp thượng đỉnh tại Hà Nội hồi tháng 2/2019 không dẫn đến một thỏa thuận hạt nhân, nhưng chính quyền Tổng thống Trump cho rằng cuộc gặp tại Việt Nam giúp làm giảm nguy cơ xung đột. 

Giờ đây, với việc ông Trump có vẻ đang thất thế trong các cuộc thăm dò liên quan tới bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020, tạp chí American Conservative hôm 16/7 đưa tin, chính quyền Tổng thống Trump đang xem xét đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán.

Ý tưởng này được gọi là "sự bất ngờ tháng 10", một chiến lược phổ biến cho bầu cử Tổng thống Mỹ, giúp ứng cử viên giành được sự ủng hộ của công chúng trước khi họ đi bầu cử. Tuy nhiên, bài báo dẫn hàng loạt nguồn tin giấu tên từ các trợ lý cấp cao trong Nhà Trắng cho biết có nhiều điều phức tạp với ý tưởng này, nhất là với Bắc Kinh.

Với tư cách đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, Trung Quốc có ảnh hưởng lớn tới quốc gia láng giềng, nhất là khi Bình Nhưỡng đang phải chịu các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc (UN) vì chương trình hạt nhân. Mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh hiện tại ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Trong bài phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện hôm 30/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mô tả Trung Quốc là "mối đe dọa chính" với người Mỹ.

Harry Kazianis, tác giả bài viết trên tạp chí American Conservative, nói trong một cuộc phỏng vấn: "Một số người trong chính quyền Tổng thống Trump cho rằng, Mỹ không thể ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc và chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Sự trỗi dậy của Trung Quốc được xem là vấn đề quan trọng hơn với Mỹ".

John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, viết trong hồi ký rằng chiến lược của ông Trump cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 có thể có một sự bất ngờ trong tháng 10 dưới hình thức một thỏa thuận phi hạt nhân hóa với Triều Tiên.

"Nếu ông Trump cảm thấy đang thất thế, một cuộc gặp với ông Kim Jong Un có thể được xem là phương án đảo ngược tình thế", ông Bolton nói trong cuộc họp báo hôm 2/7.

Trong một bài đăng trên Twitter hồi tháng 11/2019, ông Trump viết cho ông Kim Jong Un: "Ông nên hành động khẩn trương để hoàn tất thỏa thuận". Tổng thống Mỹ còn "gợi ý" về một cuộc gặp mới bằng lời kết: "Mong sớm gặp lại ông".

Sau đó, thế giới bị đại dịch Covid-19 hoành hành, với hơn 670.000 người thiệt mạng vì dịch bệnh và kinh tế thế giới bị thiệt hại nghiêm trọng. Tình hình đó cũng làm lu mờ thỏa thuận thương mại giai đoạn một được ký hồi tháng 1/2020 giữa Bắc Kinh và Washington.

Bà Choe Son-hui, Thứ trưởng ngoại giao Triều Tiên, hôm 4/7 tuyên bố dù ông Trump có toan tính như thế nào, Bình Nhưỡng cũng không muốn tham gia vào trò chơi chính trị của Washington.

"Chúng tôi chưa cảm thấy cần thiết phải ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ vì họ coi cuộc đối thoại Mỹ - Triều như một công cụ để xoa dịu khủng hoảng chính trị tại Mỹ", bà Choe tuyên bố.

Tuy nhiên, Cheng Xiaohe, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, cho biết dù Trung Quốc kỳ vọng Bình Nhưỡng sẽ ưu tiên mối quan hệ với Bắc Kinh hơn Washington nhưng điều này được dự đoán chỉ mang tính thời điểm.

"Triều Tiên không muốn làm 'phật ý' một nước láng giềng hùng mạnh như Trung Quốc nhưng nếu không cải thiện quan hệ với Mỹ, Bình Nhưỡng khó có hy vọng thoát khỏi các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc và Mỹ, vốn gây sức ép lớn tới nền kinh tế Triều Tiên", giáo sư Cheng nhận định.

Trung Quốc có đường biên giới dài 1.400 km với Triều Tiên và là quốc gia duy nhất có hiệp ước hợp tác và viện trợ ràng buộc về mặt pháp lý với Bình Nhưỡng. Quân đội 2 nước cùng chung một chiến tuyến trong quốc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Ma Sang-yoon, giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Công giáo Hàn Quốc, cho biết mối ràng buộc đó đã khiến Trung Quốc có nhiều lợi thế hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới khi làm việc với Triều Tiên.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem