Nhiều lĩnh vực sụt giảm
Trong năm 2014, VCPMC phía nam thu được tổng số tiền là 39,6 tỉ đồng, tăng 13% so với năm 2013. Đây là kết quả khả quan, nhưng nếu xét kỹ từng lĩnh vực thì có những dấu hiệu sụt giảm đáng kể.
Theo VCPMC chi nhánh phía nam, trong năm qua, số lượng các chương trình biểu diễn ca nhạc của nước ngoài được tổ chức nhiều hơn năm trước, do đó tác quyền ở lĩnh vực trên đạt được hơn 1,7 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ hơn 50% so với tổng thu từ các chương trình biểu diễn.
Trong khi đó, số tiền tác quyền từ các live show trong nước lại tiếp tục giảm so với các năm trước (cụ thể, năm 2014 giảm tiếp 9% so với năm 2013). Lĩnh vực băng đĩa thất thu 51% so với năm 2013, do các ca sĩ chuyển sang phát hành trực tuyến không đăng ký quyền tác giả và bán bản quyền cho các đơn vị kinh doanh nhạc chuông, nhạc chờ. Sở dĩ doanh thu của TT tăng là do thu nhiều hơn từ lĩnh vụ karaoke, khách sạn, nhà hàng.
Trong lĩnh vực phát thanh - truyền hình, một số đài như Đài PTTH tỉnh Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ngãi vẫn chưa trả tác quyền. Riêng hệ thống truyền hình cáp SCTV và một số đơn vị truyền hình cáp khác vẫn tiếp tục vi phạm tác quyền nhiều năm nay.
Cho đến nay, nhiều sở VHTTDL các tỉnh, thành chưa thực sự tìm được phương án hiệu quả liên quan đến việc thực thi quyền tác giả trong quá trình cấp phép biểu diễn, nguyên nhân vẫn do một số quy định bất cập tại Nghị định 79 liên quan đến quyền tác giả. Do đó, trên thực tế, còn rất nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật tại các tỉnh thành vi phạm tác quyền.
Riêng tại TPHCM, từ cuối năm 2013, Sở VHTTDL tiến hành thực hiện thủ tục hành chính mô hình một cửa. Bộ phận một cửa của sở khi tiếp nhận hồ sơ cấp phép biểu diễn, phát hành băng-đĩa do căn cứ vào thủ tục cấp phép của Nghị định 79, nên đã không yêu cầu các đơn vị thực hiện nghĩa vụ về quyền tác giả trước khi sử dụng tác phẩm âm nhạc. Do vậy, nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn, công ty sản xuất, phát hành băng đĩa né tránh chuyện này.
Ca sĩ giàu to, nhạc sĩ không có một đồng
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Giám đốc VCPMC phía nam - nhấn mạnh: “Thực tế trong năm 2014 cho thấy, các hành vi xâm phạm quyền tác giả vẫn đang diễn ra hết sức công nhiên, thách thức và gây tổn hại không nhỏ đến quyền lợi chính đáng của các tác giả. Nhiều chương trình âm nhạc, các live show được đầu tư bài bản, công phu, giá vé bán hàng triệu hoặc hàng chục triệu đồng, cátsê ca sĩ được trả hàng trăm triệu, chưa kể nguồn thu tương đối lớn từ các đơn vị tài trợ và quảng cáo, thì nhạc sĩ nhiều khi không có lấy một đồng, hoặc nếu có cũng chỉ hết sức tượng trưng cho qua. Các bầu sô lợi dụng kẽ hở từ Nghị định 79 mà mặc sức sử dụng tác phẩm.
Ngoài ra, không thể không nhắc đến những thất thoát, thiệt hại trong việc thu tác quyền lĩnh vực biểu diễn đối với các live show có yếu tố hải ngoại, vì các bầu sô có kinh nghiệm “lách” và trốn trả tiền tác quyền”.
Câu hỏi đặt ra là, số lượng view lên đến hàng chục triệu mỗi bài trên YouTube hay các trang âm nhạc trực tuyến, số lượng lớn các live show định kỳ hằng tháng, các chương trình âm nhạc định kỳ hằng tuần trên sân khấu lớn, trên truyền hình, các giải thưởng âm nhạc lớn nhỏ được tổ chức và cả nhiều tỉ đồng đổ vào các live show khủng…, nhưng tại sao người sáng tác ca khúc lại không được nhận gì, hoặc chỉ nhận “tượng trưng”?
Cho đến nay, đứng đầu danh sách các nhạc sĩ có thu nhập tác quyền cao nhất không phải là những cái tên với nhiều bài hit, mà là cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Năm ngoái, ông cũng ở vị trí này với tổng tác quyền trả về cho gia đình nhạc sĩ hơn 700 triệu đồng.
Đứng thứ hai trong danh sách là nhạc sĩ Khánh Đơn. Người đứng thứ ba là nhạc sĩ Hoài An với trên 200 triệu đồng. Ngoài ra còn những tên khác như Nguyễn Văn Chung, Nguyễn Hồng Thuận, Lê Quang, Nguyễn Ngọc Thiện, Võ Thiện Thanh, Quốc Bảo…
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng tổng thể 10 năm qua, VCPMC phía nam đã ký hợp đồng với 1.963 tác giả trên tổng số 3.066 thành viên của cả nước, thu được trên 180 tỉ đồng tiền tác quyền, một con số khá hiệu quả mà ban đầu, chưa ai nghĩ là có thể đạt được.
(Theo Lao động)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.