Vì sao các nước Đông Nam Á chưa có huy chương Thế vận hội Olympic Paris 2024?
Vì sao các nước Đông Nam Á chưa có huy chương Thế vận hội Olympic Paris 2024?
Lê Minh
Thứ bảy, ngày 03/08/2024 18:10 PM (GMT+7)
Sau gần một tuần tranh tài, Olympic Paris 2024 đã đi qua hơn nửa chặng đường nhưng các nước Đông Nam Á vẫn chưa thể giành huy chương Thế vận hội. Vì đâu đến nỗi (?!).
Các nước Đông Nam Á chưa có huy chương Olympic Paris 2024: Trịnh Thu Vinh không thể "mở hàng"
Trong ngày thi đấu 3/8, niềm hy vọng giành huy chương Olympic Paris 2024 của Thể thao Việt Nam (TTVN) là xạ thủ Trịnh Thu Vinh đã không thể gây bất ngờ trên trường bắn chung kết 25m súng ngắn thể thao nữ.
Trước các đối thủ là những nhà vô địch châu Á, thế giới, Trịnh Thu Vinh chỉ có thể kết thúc bài bắn ở vị trí thứ 7/8.
Như vậy, các nước Đông Nam Á vẫn chưa có huy chương Thế vận hội Olympic Paris 2024. Thoạt nhìn, đây là điều khá bất ngờ khi cách đây 3 năm, ngay trong ngày thi đấu chính thức đầu tiên Olympic Tokyo 2020, Đông Nam Á đã có huy chương khi VĐV Windy Aisah (Indonesia) đã đoạt HCĐ hạng -49kg cử tạ nữ.
Các môn thế mạnh đã mang về huy chương cho thể thao Đông Nam Á tại Olympic Tokyo 2020 là cầu lông (Indonesia giành HCV lịch sử nội dung đôi nữ của Greysia Polii-Apriyani Rahayu; HCĐ đơn nam của Anthony Sinisuka Ginting; Malaysia giành HCĐ đôi nam của Aaron Chia-Soh Wooi Yik); cử tạ (Philippines giành HCV lịch sử hạng -55kg nữ của Hidilyn Diaz; Indonesia giành HCB hạng -61kg nam của Eko Yuli Irawan, HCĐ của Rahmat Erwin Abdullah hạng -73kg nam, HCĐ hạng -49kg cử tạ nữ của Windy Aisah), boxing (Philippines giành 2 HCB của Carlo Paalam và Nesthy Petecio, HCĐ của Eumir Marcial; Thái Lan giành HCĐ của Sudaporn Seesonde); takewondo (Thái Lan giành HCV hạng -49kg nữ của Panipak Wongpattanakit); xe đạp (Malaysia giành HCB đua xe đạp lòng chảo của bộ đôi Azizulhasni Awang và Muhammad Shah Firdaus)...
Thực tế, điều này không có gì khó hiểu khi các môn thế mạnh kể trên của các nước Đông Nam Á chưa đi tới những trận tranh huy chương hoặc chưa thi đấu.
Lúc này, Đông Nam Á đã chắc chắc có một huy chương ở môn cầu lông đơn nam khi Vitidsarn Kunlavut (Thái Lan) và Lee Zii Jia (Malaysia) sẽ gặp nhau ở trận bán kết lúc 13 giờ 30 chiều 4/8. Bất kể kết quả thế nào cũng sẽ có 1 VĐV vào chung kết, VĐV thua bán kết sẽ thi đấu tranh HCĐ. Nội dung đôi nam, Soh Wooi Yik và Aaron Chia đã có mặt ở trận tranh HCĐ với Astrup Kim - Anders Skaarup (Đan Mạch). Nội dung đơn nữ, Gregoria Mariska Tunjung đã vào bán kết gặp tay vợt số 1 thế giới An Se Young (Hàn Quốc). Đôi nữ của Malaysia cũng đã có mặt ở trận tranh HCĐ với đôi Nhật Bản.
Môn boxing, những niềm hy vọng của Philippines (Carlo Paalam hạng -57kg nam, Aira hạng -50kg nữ, Nesthy Petecio hạng -57kg nữ), Thái Lan (Chuthamat Raksat hạng -50kg nữ; Janjaem Suwannapheng hạng -66kg nữ) đều đã có mặt ở tứ kết.
Những môn thế mạnh khác của thể thao Đông Nam Á bắt đầu muộn. Môn taekwondo phải đến ngày 7/8 mới thi đấu. Thái Lan có ĐKVĐ Olympic Panipak Wongpattanakit được dự đoán có thể bảo vệ HCV hạng 49kg nữ.
Ở môn cử tạ, ngày 7/8 sẽ khởi tranh. Hạng 61kg nam, Trịnh Văn Vinh (Việt Nam) và Eko Yuli Irawan (Indonesia) là những ứng viên cạnh tranh huy chương. Một VĐV khác là Hidilyn Diaz của Philippines được đặt niềm tin giành huy chương hạng cân 55kg cử tạ nữ.
Ở nội dung đơn nữ trong môn golf, Thái Lan rất mạnh. Đội tuyển golf Thái Lan sở hữu golfer từng giành các danh hiệu major (tương đương với tính chất các danh hiệu Grand Slam trong môn quần vợt) là Patty Tavatanakit. Nội dung đơn nữ trong môn golf bắt đầu thi đấu ngày 7/8, kéo dài đến ngày 10/8, tức chỉ một ngày trước khi Olympic năm nay bế mạc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.