Vì sao cần tách riêng nhà ở cho công nhân với nhà ở xã hội?

Thùy Anh Thứ hai, ngày 13/06/2022 19:00 PM (GMT+7)
Nhà ở cho công nhân mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu. Theo đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, nhà ở cho công nhân không thể đánh đồng cùng với các chính sách nhà ở xã hội, cần phải tách riêng.
Bình luận 0

Nhà ở công nhân mới đáp ứng 40% nhu cầu

Vấn đề nhà ở cho công nhân là vấn đề nóng được nhiều công nhân, lao động cũng như Tổng Liên đoàn lao động đưa ra, đặt câu hỏi trong buổi Thủ tướng đối thoại với công nhân, lao động vừa qua.

Đại diện cho hàng triệu công nhân, công đoàn viên cả nước, anh Nguyễn Đình Biên, công nhân Công ty TNHH Woosin Vina (KCN VSIP Nghệ An) chia sẻ những khó khăn vì không có nhà ở cho công nhân mà phải đi thuê trọ. Anh Biên cho hay thu nhập thấp, nhưng phải thuê nhà, kinh tế gặp nhiều khó khăn chưa kể vào mùa hè nắng nóng nhưng cả gia đình 4-5 người phải trú ngụ trong những phòng trọ chật chội, nóng bức.

Anh Biên đặt câu hỏi và đề nghị Thủ tướng quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác quy hoạch, triển khai xây dựng nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội nhà trẻ, trường học, nơi sinh hoạt văn hóa cho công nhân lao động, nhất là tại khu công nghiệp, khu chế xuất?

nhà ở cho công nhân

Nhà ở công nhân mới đáp ứng được 40% nhu cầu của lao động. Ảnh: Thanh Hải

Trước câu hỏi, cũng là kiến nghị của anh Biên, ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, chỉ đạo việc thúc đẩy các hoạt động đầu tư, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Trong giai đoạn 2016-2021, cả nước đã đầu tư được 73 triệu mét vuông nhà ở xã hội, trong đó nhà ở công nhân đã thực hiện được 122 dự án với quy mô 2,7 triệu mét vuông. Với số lượng đó, mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu nhà ở cho công nhân trong cả nước.

Doanh nghiệp than khó khi triển khai nhà ở công nhân

Chia sẻ thêm về câu chuyện xây dựng nhà ở cho công nhân, ông Dương Văn Thái - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang cho biết địa phương có 250.000 công nhân, trong đó có 1/3 từ địa phương khác nên nhu cầu nhà ở cho công nhân rất lớn. Tỉnh hiện có 19 dự án nhà ở xã hội, trong đó 14 dự án đang triển khai, dự kiến giải quyết nhà ở cho khoảng 110.000 công nhân.

"Vướng mắc nhất là quy định về hợp đồng cho thuê nhà ở giữa doanh nghiệp xây dựng và công nhân. Theo đó, người cho thuê phải trực tiếp ký hợp đồng với công nhân. Nếu một doanh nghiệp giải quyết nhà ở cho khoảng 20.000 công nhân, phải ký tới 20.000 hợp đồng, rất vất vả".

Công nhân Việt Nam chiếm 15% dân số, 27% lực lượng lao động, nhưng đóng góp 70% ngân sách và 65% GDP. Đóng góp nhiều, nhưng công nhân chưa được hưởng thành quả tương xứng khi đời sống còn bấp bênh, nhiều vấn đề cấp bách về tiền lương, nhà ở, nuôi con... chưa được giải quyết thỏa đáng.

Ngoài ra, việc công nhân ở không ổn định, thay đổi công việc, di chuyển chỗ khác cũng gây khó khăn cho cơ quan chức năng hỗ trợ chỗ ở. Việc xác định giá thuê nhà cũng chưa cụ thể, việc miễn giảm tiền thuê đất gặp vướng ở Luật Nhà ở, Luật đất đai, Luật đầu tư công. Ông Thái kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội sửa đổi quy định không còn phù hợp.

Đại diện cho doanh nghiệp, ông Phạm Văn Lực - Phụ trách xây dựng khu nhà ở công nhân Vân Trung (tỉnh Bắc Giang) cho biết, đơn vị đang khá nhiều gặp nhiều vướng mắc, khó khăn về cơ chế khi thực hiện dự án. Ví dụ như: vướng mắc trong xác định đối tượng thuê, giá bán, giá cho thuê hay bất cập trong xác định mức miễn, giảm tiền thuê đất giữa Sở Tài nguyên và Môi trường và đơn vị thuế.

"Chúng tôi phối hợp với tỉnh Bắc Giang rất chặt chẽ, nhưng về luật mong Thủ tướng chỉ đạo bộ, ban, ngành sửa đổi thủ tục hành chính tốt hơn, không gây ảnh hưởng, hoặc dẫn đến việc vi phạm pháp luật sau này", ông Lực trình bày.

nhà ở công nhân

Ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ xây dựng chia sẻ về các nhóm chính sách phát triển nhà ở công nhân. Ảnh: T.H

Chia sẻ khó khăn của công nhân và doanh nghiệp, Thứ trưởng Xây dựng cho biết sẽ hoàn thiện thể chế để thúc đẩy đầu tư nhà ở công nhân. Các dự án nhà ở thương mại đều phải dành 2% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Khu công nghiệp cũng phải dành 2% quỹ đất xây nhà ở cho công nhân.

Chính phủ chỉ đạo quyết liệt xây dựng nhà ở cho công nhân

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh khẳng định, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc thúc đẩy các dự án nhà ở xã hội.

Các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tập trung vào 3 nhóm vấn đề về hoàn thiện thể chế và các cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; các chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội và cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục đầu tư và thủ tục mua nhà cho công nhân lao động.

nhà ở công nhân

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm tặng quà công nhân có hoàn cành khó khăn ở trọ tại Bắc Giang. Ảnh: T.H

Thời gian qua, Chính phủ phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện các dự án về thiết chế công đoàn, tham gia vào các hoạt động đầu tư nhà ở công nhân, đặc biệt là đầu tư các công trình trường học, nhà trẻ, công viên, siêu thị phục vụ cho công nhân.

Bên cạnh các chính sách, Chính phủ cũng ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị để đôn đốc, triển khai thực hiện.

Theo ông Nguyễn Văn Sinh, ngày 30/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chương trình này có quy mô hỗ trợ là 350 nghìn tỉ đồng. Đối với nhóm đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cũng đã nằm trong chương trình này.

Theo đó, có 2 nhóm chính sách được bổ sung để hỗ trợ, thứ nhất là hỗ trợ chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vay vốn với lãi suất 2%, quy mô 40.000 tỷ đồng; thứ hai hỗ trợ người lao động vay vốn với thời hạn 25 năm, lãi suất là 1,8%, quy mô của gói này là 15.000 tỷ đồng.

Trả lời làm rõ thêm về nhóm vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh nhà ở công nhân là vấn đề rất quan trọng, "Có an cư mới lập nghiệp". Vấn đề này được Đảng và Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm, cụ thể hóa nhiều chính sách như dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật, cho vay ưu đãi...

Thủ tướng cho rằng đúng là còn nhiều những vướng mắc trong việc quy hoạch, sử dụng quỹ đất xây dựng nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, bởi vướng phải các quy định của Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật đầu tư... Thủ tướng đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ ngành liên quan rà soát những vướng mắc, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở công nhân.

Trước đó, trong buổi họp báo ông Ngọ Duy Hiểu - Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, đơn vị đang kiến nghị phải tách riêng vấn đề nhà ở cho công nhân lao động ra, không đứng chung với chính sách nhà ở xã hội.

"Người nghèo có thể thu nhập chỉ hơn 1 triệu là nghèo, nhưng công nhân lương tháng 3 triệu đồng vẫn không khác gì người nghèo... vì thế cần có chính sách đặc thù trong xây dựng nhà ở cho công nhân không thể đánh đồng cùng với các chính sách nhà ở xã hội nói chung được", ông Hiểu nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem