Ông Trump tuyên bố Mỹ cắt đứt quan hệ với WHO hôm 29.5 (ảnh: NY Times)
Phát biểu hôm 29.5, ông Trump lặp lại cáo buộc WHO đã không cảnh báo kịp thời cho thế giới về mối nguy dịch bệnh do những áp lực từ Trung Quốc.
“Trung Quốc có toàn quyền kiểm soát WHO. Vì lý do đó, Mỹ sẽ chấm dứt quan hệ với Tổ chức Y tế Thế giới”, ông Trump tuyên bố.
Theo Thomas Bollyky, chuyên gia cao cấp từ Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Mỹ), với tư cách là tổng thống, ông Trump có quyền tuyên bố Mỹ rút khỏi bất kỳ hiệp ước nào mà ông muốn.
Tuy nhiên, không có điều khoản nào trong quy tắc hoạt động của WHO hướng dẫn việc một thành viên muốn rời khỏi tổ chức. Theo nghị quyết của Quốc hội Mỹ, tổng thống phải thông báo trước 12 tháng khi muốn rời khỏi tổ chức quốc tế và Mỹ có nghĩa vụ thanh toán hết số tiền cần đóng góp trong năm tài chính.
Một quan chức cấp cao từ Nhà Trắng cũng bày tỏ nghi ngờ về quá trình rút khỏi WHO của Mỹ. Tuy nhiên, ông Trump vẫn có thể “đóng băng” vô thời hạn tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới, vị này cho hay.
Động thái của Tổng thống Mỹ được đưa ra trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang lây lan toàn cầu (ảnh: Reuters)
Hôm 18.5, ông Trump đã gửi thư cho WHO và bày tỏ những bất bình của Mỹ về cách phản ứng với đại dịch của Tổ chức Y tế Thế giới. Tuy nhiên, mới chỉ 11 ngày trôi qua, ông Trump đã không cho WHO có thêm thời gian để “cải cách đáng kể”.
“Chúng tôi đã nêu chi tiết về những cải cách mà WHO phải thực hiện nhưng họ đã từ chối hành động. Giờ đây, Mỹ sẽ chuyển tiền quỹ cho WHO sang các nhu cầu y tế cộng đồng khẩn cấp khác trên thế giới”, ông Trump tuyên bố lý do.
Nhà Trắng chưa đưa ra bình luận về việc vì sao ông Trump tuyên bố cắt đứt quan hệ với WHO trước thời hạn 30 ngày nêu trong “tối hậu thư”.
Theo một số chuyên gia, việc ông Trump nhanh chóng tuyên bố chấm dứt quan hệ với WHO thực chất chỉ là động thái “dằn mặt” Trung Quốc.
Trong bài phát biểu hôm 29.5, cùng với tuyên bố về WHO, ông Trump cũng đưa ra nhiều biện pháp khác nhằm vào Trung Quốc như tước bỏ quy chế đặc biệt cho Hồng Kông cùng một số hạn chế về thị thực, tài chính. Có thể nói, mục tiêu chính Tổng thống Mỹ hướng tới là Trung Quốc chứ không phải WHO.
Đáng chú ý, kể từ sau “tối hậu thư” của ông Trump, WHO không đưa ra bất kỳ bình luận chính thức nào về vụ việc. Điều này có thể khiến Tổng thống Mỹ không hài lòng và cho rằng WHO “đã từ chối hành động”. Trump cũng muốn Trung Quốc phải nặng gánh thêm khi ông tuyên bố rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới.
Nhưng động thái của ông Trump cũng đồng nghĩa với việc Mỹ rút khỏi vai trò toàn cầu trong phản ứng với dịch bệnh, theo các chuyên gia.
“Nếu như WHO có vấn đề, Mỹ nên chỉ rõ và khắc khục, thay vì từ bỏ ghế của mình ở Tổ chức Y tế Thế giới”, Amanda Glassman, Phó chủ tịch của Trung tâm Phát triển Toàn cầu, nhận xét.
Theo ông Lawrence O. Gostin chuyên gia tại Đại học Georgetown (Mỹ), hành động của ông Trump chỉ mang tính tự phát và thiếu sáng suốt.
“Đây thực chất là một ý nghĩ bất chợt của một người đàn ông mà không có sự tham khảo ý kiến của Quốc hội”, ông Gostin nhận xét.
Tuyên bố của ông Trump đồng nghĩa với việc Mỹ rút lui khỏi vị trí lãnh đạo phản ứng y tế toàn cầu, theo các chuyên gia (ảnh: NY Times)
Ami Bera - nghị sĩ đảng Dân chủ Mỹ - đã gọi tuyên bố của ông Trump là “đáng xấu hổ và vô trách nhiệm”.
“WHO không phải là tổ chức hoàn hảo. Nhưng việc rút khỏi WHO sẽ khiến Mỹ và thế giới trở nên kém an toàn. Tổng thống Trump đã làm Mỹ mất vị thế lãnh đạo toàn cầu vào trao cơ hội vàng cho Trung Quốc”, nghị sĩ Ami Bera bày tỏ quan điểm.
Tại cuộc họp thành viên cao cấp của WHO, ông Tập Cận Bình đã đại diện Trung Quốc tham dự và tuyên bố chi 2 tỷ USD hỗ trợ thế giới chống Covid-19.
Dù sao thì quyết định của Tổng thống Trump cũng là đòn giáng mạnh vào WHO. Mỹ rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới đồng nghĩa với việc cơ quan này sẽ mất gần 900 triệu USD cho ngân sách 2 năm.
Mỹ cũng là thành viên đóng vai trò quan trọng trong việc sáng lập WHO năm 1948 và đóng góp cho ngân sách của Tổ chức Y tế Thế giới nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào.
“Hành động của ông Trump dường như biến WHO trở thành một sân khấu chính trị hơn là tổ chức dẫn đầu phản ứng y tế toàn cầu. Mỹ đã thoái lui khỏi vị trí lãnh đạo về chăm sóc sức khỏe thế giới và đây có thể không phải là chính sách đối ngoại thông minh trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát. Không ai giữ chúng ta nếu chúng ta không muốn ở lại tổ chức nữa”, ông Thomas Bollyky nhận định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.