Người ta ước tính dải Ngân hà - nơi trái đất của chúng ta thuộc về - có khoảng 100 tỷ hành tinh, và chính dải Ngân Hà cũng là một trong hàng trăm tỷ thiên hà trong vũ trụ. Như vậy, theo logic thì trong vũ trụ này phải có đến hàng triệu hành tinh giống Trái đất cư ngụ trên các thiên hà khác - những hành tinh có tồn tại sự sống. Câu hỏi đặt ra là, những người ngoài hành tinh đang ở đâu?
Nếu có những người khác ở ngoài vũ trụ bao la, thì sao chúng ta chưa chạm mặt? Ảnh: Albert Ziganshin / Shutterstock.
Đây là một vấn đề mà từ lâu đã làm đau đầu các nhà thiên văn học và đến giờ vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng. Vào năm 1950, nhà thiên văn học người Ý Enrico Fermi đã đặt ra câu hỏi một câu hỏi kinh điển, sau này được biết đến dưới cái tên “Nghịch lý Fermi”, đó là : “Nếu sự sống có tồn tại ngoài trái đất thì tại sao chúng ta chưa bao giờ biết đến?”.
Để giải đáp Nghịch lý Fermi, nhiều nhà khoa học đã đưa ra một số giả thuyết cụ thể về nguyên nhân vì sao chúng ta chưa chạm mặt người ngoài hành tinh. Cùng tìm hiểu một vài giả thuyết dưới đây:
Vì không gian quá rộng lớn
Giả thuyết đầu tiên và có lẽ là phổ biến nhất, đơn giản là do không gian của vũ trụ quá rộng lớn. Giả dụ như có một hành tinh tồn tại sự sống trong dải ngân hà, nó có thể cách chúng ta hàng ngàn năm ánh sáng. Nó khiến cho việc thông tin liên lạc trong vũ trụ gần như là không thể.
Đối với những thiên hà nằm ngoài dài ngân hà - cách trái đất hàng triệu năm ánh sáng - khả năng về thông tin liên lạc lại càng khó khăn hơn. Các nhà thiên văn học cho rằng, khoảng cách đơn giản là quá lớn cho những giao tiếp giữa con người trái đất với những hành tinh xa xôi (nếu có sự sống).
Do chúng ta tìm hiểu chưa đủ kĩ càng?
Cho đến nay, hầu hết các cuộc tìm kiếm nền văn minh ngoài trái đất (SETI) của chúng ta đều dựa vào một số lượng nhỏ kính thiên văn trên toàn thế giới. Viện SETI (nghiên cứu tìm kiếm các nền văn minh ngoài trái đất) cũng đã thực hiện rất nhiều cuộc “săn lùng” nhưng vẫn chưa tìm thấy gì.
Đầu năm nay, một dự án trị giá 100 triệu đô mang tên Breakthrough Listen đã được công bố. Được tài trợ bởi tỷ phú người Nga Yuri Milner, đây sẽ là dự án tìm kiếm có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Sử dụng hai kính thiên văn vô tuyến hiện đại nhất trên thế giới, Đài Thiên văn Green Bank ở West Virginia và Đài Parkes tại Úc, dự án sẽ thu thập thông tin từ việc quét hàng triệu ngôi sao và 100 thiên hà gần nhất, để nhận biết bất kỳ tín hiệu nào, dù là vô tình hay cố ý gửi đến trái đất. Đó là cơ hội tốt nhất mà chúng ta có trong việc tìm kiếm bất cứ thứ gì liên quan đến sự sống ngoài trái đất.
Quá trình chọn lọc vĩ đại (The Great Filter)
Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là, nếu sau 10 năm khởi động dự án Breakthrough Listen, không có gì được tìm thấy thì sao?
Điều này dẫn đến một giả thuyết khác về Nghịch lý Fermi, cho rằng, có một quá trình chọn lọc vĩ đại trong vũ trụ, khiến những nền văn minh biến mất, do tự hủy diệt hoặc vì lý do nào đó. Những người ủng hộ giả thuyết này cho rằng, có thể, con người là giống loài đầu tiên vượt qua quá trình chọn lọc này, hoặc cũng có thể chúng ta chưa chạm tới mốc đó, trong khi các nền văn minh khác trước chúng ta đều đã bị diệt vong.
Vì chúng ta quá “nguyên thủy”
Theo một số người, có thể có những cách khác để giao tiếp với người ngoài hành tinh mà chúng ta chưa hề biết đến; có lẽ nền văn minh ngoài hành tinh phải chờ đợi chúng ta đạt đến một mức độ tiến bộ công nghệ nhất định trước khi họ tiếp xúc với chúng ta.
Chúng ta chỉ có một mình
Giả thuyết cuối cùng để trả lời cho Nghịch lý Fermi, cũng là điều đáng sợ nhất: Con người hoàn toàn đơn độc trong vũ trụ này.
Chúng ta có thực sự cô đơn trong vũ trụ? Ảnh: NASA / JPL-Caltech.
Thực tế, chúng ta vẫn không biết chắc chắn làm thế nào mà cuộc sống trên hành tinh này bắt đầu, làm thế nào những sinh vật đơn bào có thể tiến hóa lên những sinh vật phức tạp. Và có rất nhiều thứ khác về sự tiến hóa của loài người mà chúng ta cũng không chắc chắn.
Trái đất của chúng ta có quỹ đạo và khoảng cách hoàn hảo với mặt trời. Điều này mang lại nhiệt độ thích hợp cho sự sống. Tuy vậy nhưng chúng ta cũng đã phải chờ đợi cho đến khi loài khủng long bị xóa sổ mới có được chỗ đứng trên hành tinh này. Và ngay cả đến bây giờ, nền văn minh nhân loại cũng chỉ là một vài ngàn năm tuổi, một phần nhỏ, rất nhỏ trong tuổi đời dằng dặc 13,8 tỷ năm của vũ trụ. Điều đó cho thấy rằng, có vẻ như trái đất là nơi may mắn duy nhất trong vũ trụ cho phép nền văn minh tồn tại và phát triển.
Nhiều chuyên gia không tin vào giả thuyết sau cùng này. Thay vào đó, họ nghĩ rằng chúng ta sẽ tìm thấy một số vi sinh vật ngay tại hệ mặt trời trong vài thập kỷ tới, hoặc có thể phát hiện một tín hiệu nào đó từ người ngoài hành tinh.
Tuy nhiên, cho đến khi chúng ta tìm thấy được những bằng chúng xác thực, con người vẫn đang là minh chứng duy nhất về sinh vật sống có tri giác trong vũ trụ. Điều đó khiến nhân loại và trái đất trở nên vô cùng đặc biệt, và chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để bảo vệ cuộc sống và hành tinh này.
Nguyệt Phong (Khám phá/IFLS)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.