Vì sao công nghiệp ô tô Việt Nam chỉ loay hoay làm săm, lốp?

Thanh Phong Thứ bảy, ngày 02/11/2019 16:35 PM (GMT+7)
Hiện nay, trên cả nước có khoảng 3 triệu xe ô tô tương đương khoảng 20 xe/1 nghìn người dân, tỉ lệ rất nhỏ. Đối với thị trường 90 triệu dân vẫn còn nhiều cơ hội cho ngành ô tô phát triển. Tuy nhiên, sau nhiều năm, tỉ lệ nội địa hóa của ngành ô tô Việt Nam vẫn quá thấp, doanh nghiệp chỉ loay hoay làm săm, lốp.
Bình luận 0

Tỉ lệ nội địa hóa thấp, giá thành cao, “giấc mơ ô tô” còn xa vời

Mới đây, trong báo cáo Quốc hội về công tác thực hiện quy hoạch phát triển ngành ô tô, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, trong nước có khoảng hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, với tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 680.000 xe/năm. 

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam chỉ tham gia vào phân khúc thấp trong chuỗi giá trị ngành ô tô. Toàn ngành vẫn phụ thuộc vào sự phân công sản xuất của các Tập đoàn ô tô toàn cầu, chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động.

“Ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự. Chưa tạo được sự hợp tác - liên kết và chuyên môn hoá giữa các doanh nghiệp trong sản xuất - lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện. Chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn.” Bộ Công Thương cho hay. 

img

Tỉ lệ nội địa hóa của xe ô tô sản xuất trong nước vẫn ở mức rất thấp.

Do chỉ tham gia vào khâu tạo giá trị thấp, do đó, giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Chất lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn chưa bằng chất lượng xe nhập khẩu. 

“Về tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi: Mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7 - 10%, trong đó Thaco đạt 15 - 18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova, thấp hơn mục tiêu đề ra. 

Các sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ rất thấp như: săm, lốp ô tô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa... Có tới 80 - 90% nguyên liệu chính cho sản xuất linh kiện như thép hợp kim, hợp kim nhôm, hạt nhựa, cao su kỹ thuật cao hiện phải nhập khẩu. Vật liệu làm khuôn mẫu chủ yếu cũng phải nhập khẩu. Hàng năm, các doanh nghiệp phải nhập khẩu khoảng 2 - 3,5 tỉ USD các linh kiện, phụ  tùng phục vụ cho sản xuất lắp ráp và sửa chữa xe.” Bộ Công Thương thông tin thêm.

Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Hải Bình, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính phân tích thêm, trên thực tế, ngành sản xuất phụ tùng ôtô của Việt Nam mới chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, săm lốp, sản phẩm nhựa… Điều này khiến tỷ lệ nội địa hoá của Việt Nam thấp hơn nhiều mức trung bình 65-70% của các nước trong khu vực và mức 80% của Thái Lan. 

Cần tăng cường hệ thống nhà cung ứng cấp 1

Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Tiểu ban chính sách, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) đánh giá, hiện nay, với thị trường dân số đông, nhu cầu ngày càng cao, chưa có "ôtô hoá" nên Việt Nam có tiềm năng rất lớn để cho ngành ôtô trong tận dụng phát triển.

Đại điện của Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho hay, tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam có khoảng 400 doanh nghiệp hoạt động liên quan đến sản xuất, cung ứng nguyên, linh kiện cho ôtô.

Trong đó, chỉ có khoảng 100 doanh nghiệp cung ứng cấp 1 (cung ứng trực tiếp), 150 doanh nghiệp cung ứng cấp 2 và 3, còn lại hầu hết là trung gian. Điều này khác hoàn toàn với Thái Lan, khi hệ thống nhà cung ứng cấp 1 của họ lên đến 700 nhà cung ứng.

img

Công nghiệp ô tô ở Việt Nam mới chỉ tham gia vào khâu có giá trị gia tăng thấp.

"Thị trường và nhu cầu của hơn 90 triệu dân Việt Nam thời gian sắp tới sẽ rất lớn, trong khi đó thực tế tỷ lệ sở hữu ô tô/người của Việt Nam dưới bình quân chung của khu vực, điều này vừa là cơ hội, nhưng vừa là thách thức cho ngành xe hơi Việt Nam", đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Bà Trương Thị Chí Bình, Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết thêm, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nếu muốn phát triển cần có các doanh nghiệp lớp, hệ thống cấp 1, nếu không sẽ chỉ dừng lại ở mức độ “tồn tại”. 

 "Nghe các đánh giá thị trường xe hơi và cơ hội xe hơi Việt cạnh tranh với các nước chẳng thấy có cơ hội nào cho phát triển ngành xe hơi trong 10 năm tới vì chúng ta toàn doanh nghiệp nhỏ. Trong khi đó, doanh nghiệp phụ tùng của Việt Nam hiện mới chỉ vật lộn với câu chuyện tồn tại, sống tốt, chứ chưa thể nói là làm giàu lên được nhờ ngành ôtô trong nước", bà Bình nói.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 (tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16 tháng 7 năm 2014) và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (tại Quyết định số 1211/QĐ-TTg ngày 24 tháng 7 năm 2014).

Theo đó, mục tiêu trọng tâm là định hướng tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp lớn nước ngoài trong việc sản xuất linh kiện và phụ tùng. Trong đó, tập trung vào các bộ phận quan trọng, hàm lượng công lượng công nghệ cao tạo ra giá trị gia tăng lớn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem