Vì sao doanh nghiệp khó đầu vào, nông dân, nhà cung ứng khó đầu ra?
Vì sao doanh nghiệp khó đầu vào, nông dân và nhà cung ứng khó đầu ra?
Thanh Phong
Thứ tư, ngày 06/10/2021 19:00 PM (GMT+7)
Dù đã được mở cửa trở lại song hoạt động của nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn do phải “gánh” nhiều chi phí, thiếu lao động trong khi đó, người nông dân và nhà cung ứng nguyên vật liệu lại ách tắc đầu ra.
Doanh nghiệp "gánh" chi phí đầu vào, thiếu hụt lao động
Trao đổi với PV Dân Việt, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vinapharma Group, đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị Nutrimart cho biết, dù đã được mở cửa hoạt động, song hiện tại doanh nghiệp của bà rất khó khăn trong việc nhập nguyên liệu đầu vào. Trong khi đó nông dân và nhà cung ứng lại không tìm được đầu ra cho sản phẩm.
Bà Hằng lý giải, nguyên nhân của tình trạng "cung không gặp cầu" trên là do ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn tới chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Cụ thể, tại nhiều vùng nguyên liệu, sản phẩm nông sản đã đến thời gian thu hoạch. Tuy nhiên, việc đi lại giữa các tỉnh thành phố khó khăn khiến cho nông sản nông dân làm ra chất đống trong khi doanh nghiệp không thể nhập nguyên liệu vào để sản xuất.
Cũng theo bà Hằng, dù có thể đi lại nhưng tình trạng vận chuyển liên tỉnh bị kéo dài thời gian khiến hàng hóa hư hỏng phải đổ bỏ cũng gây ra thiệt hại cho doanh nghiệp.
Theo đó, từ tháng 7 đến tháng 9, doanh nghiệp này đã mở 300 điểm bán nhưng chỉ hoạt động 170 điểm, do số điểm còn lại nằm trong "vùng đỏ". Bà Hằng cho biết, dù chưa thống kê chi tiết nhưng vài tháng qua, doanh nghiệp đang thiệt hại hơn 500 triệu đồng/ngày.
Đồng cảnh ngộ trên, chị Yến, Giám đốc một doanh nghiệp in ấn tại Hoài Đức (Hà Nội) cho biết, sau khi được hoạt động trở lại, doanh nghiệp này đang gặp khó khăn do giá các nguyên liệu tăng cao.
"Lúc Hà Nội thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16, doanh nghiệp phải đóng cửa do không thuộc nhóm "hàng hóa thiết yếu". Hiện tại, dù chúng tôi đã được hoạt động nhưng tất cả các nguyên vật liệu đầu vào như giấy, mực, kẽm,… đều tăng giá, phần nhiều là do chi phí vận chuyển tăng. Tuy nhiên, chúng tôi không thể tăng giá sản phẩm do hợp đồng đã ký từ trước dịch", chị Yến chia sẻ.
"Hiện tại, TP.Hà Nội đã không thực hiện giãn cách xã hội nhưng tôi không hiểu sao các chốt kiểm dịch ra vào thành phố vẫn yêu cầu thực hiện theo chỉ thị 16. Nhiều công nhân sau khi về quê đã không thể quay lại Hà Nội do thiếu "giấy đi đường".
Tôi không hiểu, thành phố không thực hiện chỉ thị 16 thì cơ quan nào sẽ cấp "giấy đi đường"? Tình trạng thiếu hụt nhân công khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong khi đơn hàng về cuối năm dồn lại nhiều. Nếu không đảm bảo thời gian trả hàng rất có thể chúng tôi còn bị phạt hợp đồng", chị Yến cho hay.
Doanh nghiệp có thể mất bạn hàng do thay đổi cơ cấu chuỗi cung ứng
Đánh giá về tình trạng trên, đại diện Bộ Công Thương nhận định, việc chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ có thể dẫn tới nhiều hệ quả.
Trong đó, tình trạng doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng có thể sẽ đánh mất bạn hàng, đối tác. Qua đó, cơ cấu chuỗi cung ứng cũng sẽ bị thay đổi khiến doanh nghiệp phải tìm cách thích ứng.
"Các doanh nghiệp hoạt động theo phương án "3 tại chỗ" lâu ngày ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm sinh lý người lao động nên mô hình này không còn phù hợp. Bên cạnh đó, quy định, kiểm soát lưu thông hàng hoá chưa phù hợp và thiếu sự đồng bộ giữa các địa phương, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh", Bộ Công Thương thông tin.
Trao đổi với Dân Việt, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên giám đốc Sở Thương mại Hà Nội nhận định, trước tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp chưa biết khi nào dừng lại nền kinh tế nói chung đều sẽ bị tổn thất.
Trong đó, các doanh nghiệp đã phải chịu một số tổn thương như doanh số tụt giảm, lao động mất hoặc giãn việc làm, các cửa hàng đóng cửa, sang nhượng, giải thể. Nguyên nhân là do chuỗi cung ứng từ sản xuất tới kinh doanh bị đứt gãy, việc điều tiết "luồng xanh" chưa đảm bảo khiến chi phí tăng cao.
"Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo của một số thành phố, vùng cũng không được thống nhất. Qua đó, việc điều tiết hàng hóa để phục vụ "vùng xanh, vùng đỏ" một số thời điểm chưa được đảm bảo. Cơ cấu tiêu dùng của người dân trong mùa dịch cũng có nhiều thay đổi.
Người dân sẽ giảm lượng tiêu dùng, tập trung vào các mặt hàng như y tế, phòng dịch, hàng thiết yếu. Do đó, doanh số các mặt hàng khác như nội thất, may mặc, mỹ phẩm sẽ giảm đi", ông Phú phân tích.
Cũng theo chuyên gia này, giải pháp trước mắt cần làm là thống nhất chung quy định về việc di chuyển, lưu trú liên tỉnh, thành phố. Việc mỗi địa phương quy định một kiểu, có nơi chỉ cần tiêm 2 mũi nhưng có nơi lại yêu cầu test Covid-19 cũng khiến doanh nghiệp "đau đầu", chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Trao đổi với PV Dân Việt, đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết thêm, hiện tại, các ngành chức năng đang tham mưu để Chính phủ nhanh chóng ban hành hướng dẫn chung.
Qua đó, các địa phương có căn cứ triển khai đồng bộ lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới với các nguyên tắc: Quy trình và giải pháp đồng bộ, phù hợp, đảm bảo không gây ách tắc chuỗi cung ứng, không tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.