Vì sao FPT là doanh nghiệp thành lập đầu tiên, ông Trương Gia Bình vẫn chưa thành tỷ phú?
Để Việt Nam có nhiều tỷ phú: Bao giờ Việt Nam có tỷ phú công nghệ? (Bài 4)
Phong Bình - Nguyễn Thịnh
Thứ ba, ngày 14/05/2024 13:36 PM (GMT+7)
Tập đoàn FPT, một trong những doanh nghiệp đầu tiên được thành lập khi Luật Công ty và Luật doanh nghiệp tư nhân ra đời vào năm 1990, kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ nhưng người sáng lập ra nó là ông Trương Gia Bình, Bùi Quang Ngọc vẫn là chưa thể lọt vào danh sách tỷ phú USD thế giới.
Tỷ phú công nghệ trên thế giới rất nhiều, Việt Nam chưa xướng tên
Danh sách tỷ phú thế giới năm 2024 do Forbes công bố ghi nhận 2.781 tỷ phú, trong đó ngành công nghệ đứng thứ 2 trong danh sách những ngành kiến tạo ra nhiều tỷ phú nhất trên thế giới, chỉ xếp sau ngành Tài chính đầu tư.
Những tên tuổi đánh dấu những kỷ nguyên mới với các đột phá về công nghệ đều có mặt trong bảng xếp hạng tỷ phú đình đám. Theo đó, 342 tỷ phú tưởng đương tỷ lệ 12% đến từ ngành công nghệ. Đặc biệt, trong top 10 người giàu nhất thế giới thì đã có đến 6 tỷ phú xuất thân từ ngành nghề đầy triển vọng này.
Tỷ phú công nghệ giàu nhất là Jeff Bezos - nhà sáng lập chuỗi Amazon với tài sản 194 tỷ USD, giàu thứ 3 thế giới. Tiếp theo là ông chủ Facebook Mark Zuckerberg, Chủ tịch Oracle Lary Ellison, tỷ phú Bill Gates và cựu CEO Microsoft Steve Ballmer cùng người đồng sáng lập công cụ tìm kiếm Google Lary Page.
Còn tại Việt Nam, cho đến nay chưa ghi nhận tỷ phú USD nào trong ngành công nghệ được ghi nhận trên bảng xếp hạng thế giới.
Theo xếp hạng của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) gần nhất năm 2023, có 13 doanh nghiệp được ghi nhận là "Doanh nghiệp công nghệ số nghìn tỷ Việt Nam", gồm: CMC Global, CTCP Viễn thông – Tin học Bưu điện, FPT, FPT IS, FPT Software, FPT Telecom, Trung tâm dịch vụ số MobiFone - Chi nhánh Tổng công ty MobiFone, NashTech Vietnam, One Mount Group, Rạng Đông, Công ty Giải pháp phần mềm Tường Minh, Viettel Solutions và VNPT.
Trong những doanh nghiệp này, ngoại trừ Rạng Đông vào danh sách nhờ triển khai công nghệ số thì các doanh nghiệp khác đều hoạt động chính trong lĩnh vực công nghệ. Phần lớn là những cái tên từ các tập đoàn lớn vốn nhà nước như Viettel, VNPT, Mobifone và các doanh nghiệp không niêm yết. Hiện chỉ có FPT và FPT Telecom (FOX) đang niêm yết trên sàn chứng khoán, nhờ đó, một phần tài sản của những cổ đông được định giá theo thị trường.
Nhờ những thông tin hoạt động hợp tác tích cực trong quý 1 vừa qua, cổ phiếu FPT liên tục tạo đỉnh mới, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT FPT đã chính thức bước vào top 10 những người giàu nhất trên sàn chứng khoán tính đến thời điểm hiện tại. Với việc sở hữu hơn 77 triệu cổ phiếu FPT và hơn 2,7 triệu cổ phiếu TPB, giá trị khoản cổ phiếu này tăng từ hơn 7.000 tỷ hồi đầu năm đến nay đã vượt mốc 10.000 tỷ. Ông Trương Gia Bình cũng là doanh nhân duy nhất trong Top 10 hoạt động trong lĩnh vực công nghệ.
2 thành viên còn lại trong Hội đồng sáng lập FPT là ông Bùi Quang Ngọc và ông Đỗ Cao Bảo cũng có giá trị cổ phiếu tăng mạnh. Ông Bùi Quang Ngọc sở hữu hơn 20 triệu cổ phiếu FPT, giá trị hiện tại đạt hơn 2.700 tỷ đồng. Còn ông Đỗ Cao Bảo với hơn 12 triệu cổ phiếu nắm giữ cũng đang có tài sản trên 1.500 tỷ. Nắm giữ cổ phiếu FPT và FOX cũng giúp bà Trương Thị Thanh Thanh - chị gái ông Trương Gia Bình - có tài sản hơn 2.200 tỷ trên sàn chứng khoán.
Cũng là một tập đoàn công nghệ lớn nổi tiếng song phần lớn cổ phần của Tập đoàn Công nghệ CMC lại nằm trong tay các nhà đầu tư tổ chức, do đó không có cá nhân nào lọt danh sách tài sản nghìn tỷ từ việc sở hữu cổ phần công ty này.
Bên cạnh những doanh nghiệp lớn lâu năm, Việt Nam cũng có "kỳ lân" công nghệ nhưng tỷ phú USD trong lĩnh vực này vẫn chưa lộ diện. Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam hiện mới chỉ có 4 "kỳ lân" công nghệ được định giá hơn 1 tỷ USD là MoMo, Sky Mavis, VNG, VNLIFE.
Trong đó, VNG - "kỳ lân" đầu tiên của Việt Nam từng đặt mục tiêu niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ và ký thỏa thuận sơ bộ với sàn Nasdaq tiến hành IPO vào năm 2017. Tuy nhiên sau nhiều năm trì hoãn, VNG đã rút hồ sơ IPO tại Mỹ hồi đầu năm nay.
Còn Sky Mavis - công ty sở hữu game blockchain đình đám Axie Infinity một thời cũng từng được định giá 3 tỷ USD. Nhiều người từng cho rằng ông Nguyễn Thành Trung - đồng sáng lập và CEO Sky Mavis - là tỷ phú USD công nghệ đầu tiên của Việt Nam khi game Axie Infinity thu hút hàng triệu người chơi đưa giá trị của công ty tăng mạnh.
Tuy nhiên ông Nguyễn Thành Trung đã phủ nhận thông tin này và cho biết con số vốn hóa trên 3 tỷ USD là tổng của các nhà đầu tư chứ không phải của riêng Sky Mavis.
Năm 2022, sau khi tuyên bố đóng cửa phiên bản kiếm tiền, nhiều người chơi đã rời bỏ game đồng thời sự cố bị hack của Sky Mavis cũng khiến công ty bị ảnh hưởng. Tháng 7/2023, định giá của Sky Mavis cũng đã giảm từ 3 tỷ USD xuống còn 1,95 tỷ USD.
Việt Nam khó xuất hiện tỷ phú công nghệ
Câu hỏi đặt ra là tại sao một doanh nghiệp lớn như FPT được thành lập vào những năm đầu tiên khi bắt đầu có luật doanh nghiệp, đến nay cũng là một doanh nghiệp lớn trong nước nhưng lại không có cái tên nào được vào danh sách tỷ phú USD thế giới?
Trả lời câu hỏi này của Dân Việt, chuyên gia kinh tế, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho hay công nghệ là một lĩnh vực phát triển nhanh, tạo ra lợi nhuận lớn. "Apple là doanh nghiệp mới nhưng có tốc độ phát triển nhanh, lợi nhuận lớn. Thực tế, ở Việt Nam chưa có doanh nghiệp công nghệ như Apple để tạo ra lợi nhuận đủ giúp các ông chủ trở thành tỷ phú USD", vị chuyên gia này chia sẻ.
Trở lại ví dụ FPT với tầm là doanh nghiệp lớn có "thế và lực" nhưng ông Thịnh cho rằng Trương Gia Bình, Bùi Quang Ngọc có thể nắm khối tài sản lớn nhưng chưa đủ "sức bật" để trở thành tỷ phú USD. Hiện Việt Nam có nhiều doanh nghiệp lớn, nhưng để ông chủ của các doanh nghiệp này trở thành tỷ phú USD sẽ cần mất thêm thời gian và cần có những bước đổi mới. Theo đó, để trở thành tỷ phú USD, doanh nghiệp này phải tự sản xuất được chip bán dẫn, linh kiện điện tử với quy mô lớn.
Một lý do nữa, đó là doanh nghiệp công nghệ chỉ hưởng phần nhỏ trong chuỗi giá trị bởi các công ty của Việt Nam chủ yếu làm gia công hoặc lắp ráp khi nhập linh/phụ kiện đến 70-80% từ nước ngoài.
Theo đó, FPT tuy là một doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước nhưng doanh thu chủ yếu đến từ gia công phần mềm cho thị trường nước ngoài. Theo báo cáo tài chính quý I/2024, FPT đạt doanh thu 1 tỷ USD dịch vụ CNTT từ thị trường nước ngoài à Nhật Bản, châu Mỹ và Châu Á Thái Bình Dương.
"Phần giá trị gia tăng ở trong nước không đáng kể nên đó là lý do ông chủ không có phần lợi nhuận đủ lớn để trở thành tỷ phú. Do đó, chúng ta phải có doanh nghiệp làm chủ được công nghệ, sáng chế được phần cứng, phần mềm để tạo ra giá trị lớn. Để Việt Nam có tỷ phú USD trên bảng xếp hạng các doanh nghiệp công nghệ phải có sự đột phá, thu nhập người lao động cao, tạo ra giá trị lớn thì ông chủ mới có tài sản lớn để từ đó mới có hy vọng ", ông Thịnh cho biết.
Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng, đặc điểm của lĩnh vực công nghệ (công nghệ thông tin) là lợi nhuận không ổn định do đổi mới nhanh và tính cạnh tranh cao, chu kỳ kinh doanh cũng vẫn được coi là mới so với nhiều lĩnh vực khác.
"Rõ ràng quy mô kinh doanh của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam hầu hết chưa đủ lớn, điều này khó mang đến cho những ông chủ của họ có khối tài sản lớn. Mặt khác, cơ hội kinh doanh của ngành này cũng không thể lợi dụng như bất động sản, khả năng khai thác thị trường còn hạn chế, ngay cả thị trường trong nước", ông Vũ Hoàng Liên nói.
Khi được hỏi về việc tại sao các doanh nghiệp công nghệ chỉ hưởng phần nhỏ trong chuỗi giá trị, ông Liên cho rằng đó là do đa phần họ lựa chọn lắp ráp thay vì sản xuất. "Đổi mới công nghệ và cả ứng dụng công nghệ là một trong những yếu tô quan trọng để giới tỷ phú công nghệ Việt dễ dàng lộ diện hơn", ông Liên nhấn mạnh.
Tiến sĩ Huỳnh Thế Du hy vọng trong vòng một thập niên tới sẽ xuất hiện các "kì lân" của Việt Nam và các tỷ phú của thế hệ tiếp theo sẽ là trong lĩnh vực công nghệ" khi ông đề cập tới làn sóng trở về Việt Nam của các tài năng và lao động có kĩ năng chất lượng cao người Việt. Trong vòng 6 năm (2014-2020), Việt Nam có thêm một "kì lân công nghệ". Vậy thì trong vòng một thập niên tới là 10 năm, cũng có thể xuất hiện thêm một số kì lân công nghệ khác nữa.
Tuy nhiên, một điều dễ thấy rằng, nếu các kì lân công nghệ Việt Nam với giá trị doanh nghiệp chỉ dao động từ 1-2 tỉ USD thì sẽ rất khó xuất hiện các tỷ phú công nghệ thế hệ mới tại Việt Nam. Bởi tỷ lệ cổ phiếu mà các cá nhân thành viên sáng lập nắm giữ thường không thể quá lớn – hơn 30%, chứ chưa nói là chiếm tới hơn 50%.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.