Vì sao Gia Khánh xử tội Hòa Thân chỉ trong nửa tháng?

Thứ bảy, ngày 20/10/2018 06:33 AM (GMT+7)
Càn Long băng hà, Hòa Thân mất chỗ dựa vững chắc, tên đại gian tham nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc tự biết điều gì đang chờ mình.
Bình luận 0

img

Gia Khánh nguyên niên năm 1796, Càn Long tổ chức đại lễ truyền ngôi hoàng vị cho hoàng thập ngũ tử Gia Thân Vương Ngung Diễm, còn mình thì làm thái thượng hoàng. Tuy không làm hoàng thượng nhưng Càn Long vẫn chưa trao hoàn toàn quyền lực cho hoàng thượng. Những việc quốc gia đại sự như liên quan đến quân đội, hay dùng người trong triều đều phải bẩm tấu lên thái thượng hoàng, cũng chính vì thế mà Hòa Thân vẫn còn đầy quyền thế trong triều. Nhưng lúc này tình thế cũng đã khác xưa, Hòa Thân cũng đã bắt đầu lo lắng bởi hắn ta hiểu rằng trước sau Gia Khánh cũng trị tội mình nên bèn tìm mọi kế sách đối phó. Ảnh minh họa. 

img

Trước tiên, hắn tìm mọi cách hạn chế người của Gia Khánh và tìm cách dùng người của mình. Sau khi Gia Khánh đăng cơ, Chu Khuê - thầy của Gia Khánh đang là tuần phủ Quảng Đông có gửi thư chúc mừng. Đây vốn dĩ là chuyện hết sức bình thường nhưng Hòa Thân vội vàng làm một bản cáo trạng kể tội và chỉ trích Chu Khuê trước mặt Càn Long. Càn Long cũng không để ý, nhưng không lâu sau, khi thấy Càn Long chuẩn bị cho triệu Chu Khuê hồi cung phong cho chức Đại học sĩ, Hòa Thân cảm thấy đây chính là mối nguy hiểm cho mình sau này, nên nhân lúc Gia Khánh viết thơ để chúc mừng ân sư của mình, Hòa Thân vội vàng cầm bài thơ viết dở dâng lên Càn Long để vu tội cho Gia Khánh. Càn Long nổi giận hỏi bèn hỏi quân cơ đại thần Đổng Cáo bên cạnh nhưng Đổng Cáo đã quỳ đáp: “Thánh chủ vô quá ngôn” Càn Long mới bỏ qua. Ảnh: Tạo hình Càn Long và Hòa Thân trong phim.

img

Khi thánh chỉ về việc thăng chức cho Chu Khuê chưa kịp ban ra, Hòa Thân lập tức tìm cớ xúi bẩy Càn Long điều Chu Khuê đang giữ chức tổng đốc Lưỡng Quảng sang làm tuần phủ An Huy. Sau này, Chu Khuê được thăng chức Binh bộ thượng thư và Sử bộ thượng thư, đáng nhẽ phải về cung nhưng cả hai lần Hoà Thân đều tìm cách để ông tiếp tục phải ở lại làm tuần phủ An Huy. Ngoài ra Hòa Thân còn tìm cách phái thầy giáo khác là Ngô Tỉnh Lan trên danh nghĩa là để giúp Gia Khánh chỉnh lí thơ cảo nhưng thực tế để làm tai mắt của mình, nhằm giám sát, nghe ngóng mọi động thái của hoàng đế.

img

Hoàng đế Gia Khánh hiểu rất rõ chỉ cần thái thượng hoàng Càn Long còn sống thì không thể động được đến Hòa Thân, hơn nữa Hòa Thân còn có thể có mọi ý chỉ của Càn Long để lộng hành, cho nên nếu làm không tốt sẽ bất lợi cho mình, vì thế mọi chuyện hoàng thượng đều nghe theo sự sắp xếp của thái thượng hoàng mà không có bất kỳ ý kiến gì. Triều chính không có bất kỳ sự thay đổi nào, thậm chí trên thực tế, Càn Long vẫn dung túng cho Hòa Thân tiếp tục thao túng quyền hành trong triều. Gia Khánh trong tình huống ấy chỉ còn biết âm thầm theo dõi nhất cử nhất động của đại gian thần, chứ không hề có bất kì động thái nào. Ảnh: Chân dung hoàng đế Gia Khánh.

img

Khi có người nói xấu Hòa Thân, Càn Long thậm chí còn gắt gỏng: “Ta đang dựa vào Hòa Thân để trị quốc tại sao các khanh lại phản đối ông ta?”. Thậm chí có nhiều việc Gia Khánh còn nhờ Hòa Thân thay mình bẩm tấu và xin ý chỉ của thái thượng hoàng nhằm biểu thị sự tín nhiệm đối với hắn. Qua một thời gian thăm dò lẫn nhau, cuối cùng Gia Khánh đã khiến cho Hòa Thân tin tưởng, lơ là không đề phòng. Ảnh: Tạo hình Càn Long trên phim ảnh.

img

Vào năm thứ 2 Gia Khánh (1797), lĩnh ban quân cơ đại thần A Quế bị bệnh chết, Hòa Thân nghiễm nhiên thành lĩnh ban quân cơ đại thần một cách chính đáng do lúc này đại học sĩ Vương Kiệt do không ưa Hòa Thân đã cáo ốm để chối từ, Đổng Cáo cũng về quê, một mình Hòa Thân có thể hô mưa gọi gió ở quân cơ xứ, lại thêm lúc này Càn Long đã già, trí nhớ càng kém. Hòa Thân càng hung hăng hốc hách, muốn gì làm nấy.

img

Nhưng thịnh mãi cũng phải đến lúc suy, vận may rồi cũng hết. Gia đình Hòa Thân liên tiếp gặp tai ương bất hạnh. Tháng 7 nguyên niên Gia Khánh, con trai thứ vốn được Hòa Thân quý như vàng như ngọc mới được 2 tuổi thì qua đời, 1 tháng sau người em trai thân thiết Hòa Lâm chết vì bệnh dịch ở quân doanh Quế Châu, đây là cú đánh mạnh vào Hòa Thân vì hắn đã mất đi một cánh tay đắc lực. Năm tiếp theo, Hòa Thân lại đau đớn mất đi đứa cháu đích tôn duy nhất. Đến tháng 2 năm thứ 2 Gia Khánh, người vợ tào khang Phùng thị cũng bỏ đi. Tuy thê thiếp và người đẹp của Hòa Thân nhiều như mây khói, nhưng đối với Phùng thị nghĩa trọng tình thâm, vô cùng quan trọng với hắn. Có thể nói trong vòng 3 năm liên tiếp Hòa Thân đã mất đi 4 người thân yêu và báo hiệu cái chết của mình có lẽ sẽ không còn xa.

img

Mùng 3 tháng Giêng năm Gia Khánh thứ 4 tức ngày 7.2.1799, thái thượng hoàng Càn Long do tuổi cao sức yếu đã băng hà thọ 89 tuổi, thế là chỗ dựa vững chắc của Hòa Thân đã sụp đổ, lúc này Gia Khánh cũng chẳng cần kiêng nể. Nhưng Gia Khánh không lập tức ra tay với Hòa Thân, mà vẫn cùng Hòa Thân, hoàng thân cốt thích và văn võ bá quan, lo sắp xếp tang nghĩa đại sự. Tuy đang trong lúc bận rộn và đau thương Gia Khánh vẫn không quên hạ chỉ triệu ân sư Chu Khuê hồi kinh. Ngày mùng 4, Gia Khánh phát chỉ dụ trấn áp khởi nghĩa của Bạch Liên giáo, bắt đầu chĩa mũi nhọn về phía Hòa Thân. Cùng ngày Gia Khánh bất ngờ bãi miễn chức quân cơ đại thần của Phúc Trường An và Hòa Thân, lệnh cho ngày đêm phải túc trực linh cữu thái thượng hoàng trong đại nội không được phép ra ngoài, tạm thời giảm lỏng trong cung, cách li không cho liên lạc với bên ngoài.

img

Ngày mùng 8, cùng với việc thông báo di chiếu của thái thượng hoàng, Gia Khánh tuyên bố miễn chức của Hòa Thân và Phúc Trường An, giao cho hình bộ tống giam, đồng thời giao cho thành thân vương Vĩnh, nghi thân vương Vĩnh Tuyền, ngạch phụ lạc vượng Đa Nhĩ Tế, định thân vương Miên Ân, Đại học sĩ Lưu Dong, Đổng Cáo, binh bộ thượng thư Khánh Quế phụ trách điều tra gia sản và thẩm vấn. Ngày 11, sau khi thẩm vấn và kê biên tịch thu tài sản, Gia Khánh công bố 20 tội lớn của Hòa Thân, đồng thời thông báo việc này đến tất cả tổng đốc và tuần phủ các tỉnh để cùng bàn luận và định tội Hòa Thân. Trong chỉ dụ đều ghi rõ Hòa Thân phạm tội với tiên hoàng Càn Long cho nên trong thời gian đại tang có xử lý sủng thần của tiên hoàng cũng hoàn toàn danh chính ngôn thuận.

img

Ngày 18 tháng Giêng (tức ngày 22.2.1799), trong buổi họp văn võ đại thần ở kinh thành, các đại thần tấu thỉnh hoàng thượng xử tội Hòa Thân và Phúc Trường An theo luật pháp nhưng Gia Khánh nói, tội của Hòa Thân đương nhiên phải trừng trị, dù dùng cách nào cũng không thích đáng, nhưng nghĩ đến bản thân hắn đã từng giữ thủ phụ đại thần, vì thể diện quốc gia mà gia ân ban cho tự vẫn. Phúc Khánh An tống giam vào đại lao đợi điều tra rồi xử, nhưng phải bắt hắn ta quỳ trong đại lao và tận mắt nhìn Hòa Thân tự vẫn.

img

Như vậy chỉ trong vòng nửa tháng hoàng đế Gia Khánh đã xử được tên đại gian thần nổi tiếng nhất trong lịch sử - Hòa Thân. Tuy gian thần đã trị, nhưng Gia Khánh vẫn tiếp tục điều tra, ngoài đám thân tín của Hòa Thân như Y Giang Á, Ngô Tỉnh Khâm, Gia Khánh còn hạ lệnh tiến hành truy cứu liên đới với những kẻ đã từng mua quan bán chức và những kẻ đã từng được Hòa Thân tiến cử nâng đỡ nhằm đảm bảo sự ổn định của triều chính.

img

Sau khi giải quyết xong vụ Hòa Thân, thì tấu chương của các tuần phủ mới lần lượt đến Kinh thành. Chỉ có Lưỡng Quảng tổng đốc Cát Khánh, tuần phủ Vân Nam Giang Lan là có lời giả mạo nhằm bưng bít ra thì còn lại đều kể các đại tội của Hòa Thân. Trong khi ngự phê tấu chương, Gia Khánh đã đặc biệt ngự phê vào tấu chương của tuần phủ Giang Tây Trương Thành Cơ rằng: “Trẫm mà không trừ Hòa Thân thì người trong thiên hạ chỉ biết đến Hòa Thân chứ không biết đến trẫm”. Gia Khánh cảm thấy Hòa Thân uy hiếp đến sự quân quyền của thần thánh nên đã diệt trừ hắn ta không chút lưu tình.

img

Đại quan tham Hòa Thân có thể thao túng triều chính trong suốt một thời gian dài, quyền hành thế lực trong ngoài, trăm phương nghìn kế để vơ vét tài sản, giàu có đệ nhất thiên hạ, tất cả có được đều nhờ vào sự ân sủng vô cùng đặc biệt của Càn Long. Nhưng bỗng chốc mất đi chỗ dựa vững chắc, Hòa Thân chẳng khác gì con diều no gió đứt dây. Khi chịu tội ngồi trong đại lao, ngắm nhìn ánh trăng vằng vặc trong đêm Nguyên tiêu ngoài cửa sổ, hắn đã từng tức cảnh làm thơ “Đối cảnh thương tiền sự. Hoài tài ngộ thử thân”. Hòa Thân vốn là có tài thơ văn, nghe nói lại rất hài hước, bình thường hắn hay bông đùa pha trò, nhưng không ngờ rằng cuối cùng chính đại gian thần lại tạo ra trò đùa lớn nhất cho số phận mình. 

Tuyết Mai (Kiến Thức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem