Bộc bạch về việc chia tay ĐT Việt Nam, HLV Park Hang-seo khẳng định: “Trong tim tôi, Việt Nam là quê hương thứ hai. Tôi thất nghiệp rồi, không có lương rồi. Giờ nghĩ làm thế nào để kiếm được việc thôi, vì còn có gia đình, có con trai. Sau tôi sẽ có nhiều HLV tài giỏi, nhiệt huyết hơn để cống hiến cho bóng đá Việt Nam…”.
Khi trả lời phỏng vấn đài truyền hình Hàn Quốc SBS, HLV Park Hang-seo nói về lý do phải chia tay ĐT Việt Nam: “Tôi phải chia tay để cùng họ thay đổi. Nếu tôi tiếp tục ở lại, tôi cho rằng cả bản thân tôi và các cầu thủ đều rơi vào cảnh trì trệ, không thể tiến bộ. Họ cần có động lực mới để bước tiếp và phát triển”.
Có thể thấy HLV Park Hang-seo rất nặng tình với bóng đá Việt Nam khi nhiều lần khẳng định Việt Nam là quê hương thứ hai của ông. Về tình cảnh của bản thân, ông Park có thể cầm quân thêm 2-3 năm, thậm chí là 5 năm nhưng chấp nhận cảnh thất nghiệp. Điểm mấu chốt cho cuộc chia tay ĐT Việt Nam là ông Park rời đi với mong muốn thấy các học trò tiến bộ và phát triển.
Trong bóng đá, nhiều nhà cầm quân đến đội tuổi của ông Park (65 tuổi) thường lựa chọn an toàn, không ít người sẵn sàng đánh đổi danh tiếng để kiếm thêm tiền ở những nền bóng đá ít danh tiếng. HLV vô địch thế giới - Marcello Lippi dẫn dắt ĐT Trung Quốc, HLV Eriksson dẫn tuyển Philippines, HLV lừng danh Guus Hiddink (thầy HLV Park Hang-seo) dẫn đội U22 Trung Quốc… Đó là những minh chứng để thấy ông Park chọn chia tay ĐT Việt Nam mang đến ý nghĩa lớn, một cuộc rời đi theo đúng nghĩa vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam.
Ở thượng tầng bóng đá Việt Nam, bầu Đức từng nộp đơn xin nghỉ VFF sau khi U22 Việt Nam thua ở SEA Games năm 2017. Bầu Đức không bao giờ quay trở lại VFF trong 6 năm qua, dù ông luôn cố hiến hết mình cho bóng đá Việt Nam. Chuyện xin nghỉ VFF nhưng bầu Đức vẫn ba lần sang Hàn Quốc mời ông Park đến Việt Nam, đó là thông điệp ý nghĩa.
Dù vậy, văn hóa chia tay còn quá ít ở bóng đá Việt Nam. Chúng ta có thể thấy có nhà cầm quân dẫn U19 Việt Nam giành vé dự U20 World Cup 2017, sau đó 3 năm liên tục rớt từ vòng bảng sân chơi Đông Nam Á, thua Campuchia. Cuộc chia tay chỉ đến khi có sự phản biện từ dư luận. Trưởng ban trọng tài VFF bị các CLB, người hâm mộ phản ứng cũng chờ Ban chấp hành VFF bầu lại. Chủ tịch Hội đồng HĐQT vững như kiềng ba chân dù thời điểm các ĐTQG liên tục thua…
Nhìn rộng hơn ở một vấn đề quan trọng khác, bóng đá Việt Nam tiêu tốn rất nhiều tiền trong một năm. Không tính số tiền hơn nghìn tỷ của các đội chuyên nghiệp, các doanh nghiệp tài trợ hàng trăm tỷ cho VPF và VFF, kèm theo những khoản thu tiền tỷ khác. Điển hình VFF từng công bố kiếm hơn 1 nghìn tỷ trong 4 năm khi các ĐTQG thành công. Vấn đề ai chịu trách nhiệm nếu bóng đá Việt Nam không thành công?
Tiền tỷ trả lương cho HLV đội tuyển Việt Nam, tiền cho các ĐTQG, hay hàng trăm thứ khác phải tốn tiền như lương, thưởng, phụ cấp… Tất cả đến từ các doanh nghiệp, doanh nhân yêu bóng đá, thương hiệu ĐTQG, CLB, người hâm mộ...
Mới nhất, mục tiêu của bóng đá Việt Nam là dự World Cup 2026. Đừng nghĩ rằng chỉ là lời nói không thành thì bình thường thôi, bởi tham vọng lớn thì đồng nghĩa chi ra rất nhiều tiền. Lấy ví dụ HLV Park Hang-seo ký 2 năm đầu được bầu Đức trả lương vào mức 20 nghìn USD/tháng, còn lương của HLV Philippe Troussier cao nhất lịch sử bóng đá Việt Nam, ước đoán cao hơn gấp ba lần so với lương khởi điểm của ông Park. Các khoản tiền đầu tư cho ĐTQG chắc chắn nhiều hơn so với quá khứ.
Nếu không có ai chịu trách nhiệm về thất bại (hoặc chỉ thay HLV), liệu có đúng? Bởi các doanh nghiệp khó khăn vẫn tài trợ cho bóng đá rất đáng để trân trọng nên cần tạo ra thành công, sự hiệu quả. Trường hợp ai làm không tốt cần có văn hóa chia tay, giống như sự dũng cảm của HLV Park Hang-seo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.