Nhau thai người được bán tại chợ đen ở Trung Quốc. Ảnh: The Paper
Nhau thai người vẫn tiếp tục được bán bí mật ở các chợ đen của Trung Quốc bất chấp lệnh cấm đã có từ nhiều năm, truyền thông Trung Quốc dẫn lời những người trong cuộc cho biết.
Một số người thu mua nhau thai từ các bệnh viện, nhà tang lễ và nhà máy xử lý chất thải y tế với giá khoảng 80 nhân dân tệ (hơn 280.000 đồng)/chiếc và bán lại cho các cửa hàng nhau thai bất hợp pháp ở chợ đen với giá hàng trăm nhân dân tệ sau khi đã xử lý, tờ The Paper hôm 15/3 đưa tin.
Cùng ngày, Thời báo Hoàn cầu cũng phát hiện nhau thai người được rao bán trên nhiều trang web, bao gồm cả Xianyu - một nền tảng buôn bán đồ cũ của Alibaba. Hầu hết người bán sử dụng những cái tên khác để gọi nhau thai, nhằm qua mắt lực lượng chức năng.
Một người buôn bán nhau thai trên trang web Xianyu rao với giá 360 nhân dân tệ (1,2 triệu đồng)/chiếc. "Nếu bạn muốn mua, tôi có thể giảm giá cho bạn chỉ còn 260 nhân dân tệ. Chúng tôi mua nhau thai sống với giá 2.000 nhân dân tệ (7 triệu đồng)/kg", người bán nhau thai chia sẻ với Hoàn cầu. Anh này từ chối nói chi tiết vì sợ rằng Xianyu sẽ phát hiện ra anh ta đang phá vỡ các quy tắc của mua bán trực tuyến.
Hiện tại, các bệnh viện ở Trung Quốc thường sẽ trả lại nhau thai cho các bà mẹ. Trong trường hợp các bà mẹ không muốn nhận lại, nhau thai sẽ được xử lý như chất thải y tế, theo Huang Chengsheng, bác sĩ có 6 năm làm việc tại khoa sản, Bệnh viện nhân dân số 6 ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc.
Cũng theo bác sĩ Huang, nhiều bà mẹ mới sinh chọn nhận lại nhau thai để ăn.
Nhiều phụ nữ chia sẻ với Hoàn cầu hôm 15/3 rằng, không ít người Trung Quốc, nhất là người lớn tuổi, quan niệm rằng ăn nhau thai là tốt vì chúng giàu chất dinh dưỡng.
Một phụ nữ họ Chen có con 22 tháng tuổi ở tỉnh Thiểm Tây, tây bắc Trung Quốc, nói rằng, trước khi cô "vượt cạn", cả mẹ đẻ và mẹ chồng đều dặn cô giữ lại nhau thai. Cả 2 bà muốn ăn nhau thai để bồi bổ cơ thể.
Sau khi sinh, Chen vẫn quyết định vứt bỏ nhau thai. "Tôi không muốn các mẹ của tôi ăn nhau thai. Điều đó thật ghê rợn".
Một bà mẹ khác ở thành phố Thượng Hải, cho biết, sau khi sinh con, cô đem nhau thai tới một cửa hàng gần bệnh viện. Tại đây, nhau thai được sơ chế thành dạng bột và đóng thành viên nang.
"Cái này là để cho bố chồng tôi, người đang có sức khỏe kém", người phụ nữ chia sẻ với Hoàn cầu và nói thêm rằng quá trình sơ chế rất nhanh và chỉ tốn chưa đến 500 nhân dân tệ (1,7 triệu đồng).
Sơ chế nhau thai thành dạng viên nang trở thành một ngành kinh doanh ở Trung Quốc vì một số người không thể ăn trực tiếp nhau thai. Một phụ nữ làm nghề sơ chế nhau thai ở tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc cho biết, sẵn sàng phục vụ tận nơi với các gia đình vừa sinh con mà có nhu cầu sơ chế nhau thai.
Theo người phụ nữ này, những năm gần đây, có ít khách hàng hơn vì cô không được phép quảng cáo trên các nền tảng trực tuyến hợp pháp. "Nhưng nhu cầu thực tế vẫn rất lớn", người phụ nữ nói.
Các chuyên gia y học cổ truyền (TCM) và dược sĩ hàng đầu của Trung Quốc khuyến khích mọi người không nên ăn nhau thai vì chúng không những không có lợi mà còn gây nguy hiểm cho người dùng.
"Theo TCM thời xưa, nhau thai người chủ yếu được sử dụng để tăng cường khả năng miễn dịch hoặc chữa hen suyễn, viêm phế quản", một TCM họ Yao, làm việc tại bệnh viện công ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, chia sẻ. Chuyên gia y học cổ truyền này còn lưu ý, nhau thai không phải là thần dược chữa mọi bệnh như nhiều người lầm tưởng.
Tệ hơn nữa, một số nhau thai có thể chứa các virus truyền nhiễm như HIV, viêm gan B, giang mai..., theo ông Huang. "Người ăn nhau thai có thể bị lây các bệnh truyền nhiễm", Hoàn cầu dẫn lời ông Huang.
Tại Trung Quốc, việc buôn bán bất hợp pháp nhau thai người có thể bị trừng phạt theo quy định về quản lý chất thải y tế, theo chuyên gia pháp lý Zhang Bo. Người vi phạm thường bị phạt hành chính với số tiền không quá 5 lần số tiền thu lợi bất hợp pháp.
Ông Zhang đề nghị các nhà chức trách nên tăng cường trấn áp hoạt động buôn bán bất hợp pháp nhau thai với hình phạt nghiêm khắc hơn. "Nếu mức phạt tăng lên, ví dụ như gấp 50 lần số tiền thu lợi bất chính, những kẻ phạm tội sẽ phải cân nhắc về cái giá phải trả cho hành vi của mình", ông Zhang nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.