Vì sao nhiều nước từ chối ký tuyên bố chung sau Hội nghị hòa bình Ukraine khiến Kiev 'bẽ mặt'?

Minh Nhật (theo Sputnik) Thứ tư, ngày 19/06/2024 19:08 PM (GMT+7)
Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine tại Thụy Sĩ mới đây đã không đáp ứng mong đợi của Kiev cũng như các đồng minh phương Tây của họ khi nhiều nước từ chối dự hoặc ký vào tuyên bố chung sau các chương trình nghị sự.
Bình luận 0
Vì sao nhiều nước từ chối ký tuyên bố chung sau Hội nghị hòa bình Ukraine khiến Kiev 'bẽ mặt'?- Ảnh 1.

Việc nhiều nước từ chối ký tuyên bố chung sau Hội nghị hòa bình Ukraine ở Thụy Sĩ được cho là đã khiến Kiev "bẽ mặt" do không thể đạt được mục tiêu đề ra. Ảnh IT

Theo Sputnik Globe, các chuyên gia quốc tế nhận định rằng, việc nhiều nước lớn ở Nam bán cầu không ký vào tuyên bố chung sau Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine ở Thụy Sĩ được cho là đã "dội gáo nước lạnh" cho cả NATO và Kiev.

Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine diễn ra từ ngày 15 đến 16/6 tại Burgenstock, Thụy Sĩ vốn được quảng bá rộng rãi nhiều tháng. Ukraine và Thụy Sĩ cho biết, họ đã gửi lời mời tới hơn 160 quốc gia nhưng chỉ có 91 quốc gia nhận lời tham dự sự kiện này. Trung Quốc và Brazil đã thẳng thừng tuyên bố lý do từ chối lời mời vì chỉ có một bên trong cuộc xung đột có mặt tại Hội nghị. Nga - một bên tham chiến - đã không được mời tới dự hội nghị.

Trong số 91 quốc gia tham gia Hội nghị, chỉ có 80 nước đồng ý ký tuyên bố chung cuối cùng. Các nước Ấn Độ, Ả Rập Saudi, Nam Phi, Brazil, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Indonesia, Armenia, Thái Lan và Mexico đã từ chối ký tuyên bố này.

Thủ tướng Áo Karl Nehammer cho rằng cách diễn đạt là nguyên nhân chính dẫn tới sự thiếu đồng thuận về tuyên bố chung. Việc không thể ra tuyên bố chung sau hội nghị rõ ràng chứng tỏ Ukraine đã không đạt được mục tiêu của họ là giành được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết xung đột theo các điều kiện của Kiev.

Bình luận về việc này, Tiến sĩ Anuradha Chenoy từng làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Nga và Trung Á của Đại học Jawaharlal Nehru ở Ấn Độ chia sẻ với Sputnik rằng: “Quyết định của Ấn Độ để không ký tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh hòa bình Thụy Sĩ không có gì đáng ngạc nhiên”.

“Ấn Độ đã chứng minh một cách chính xác rằng, một hội nghị thượng đỉnh hòa bình sẽ không có ý nghĩa gì nếu các bên tham chiến không có mặt đầy đủ', Tiến sĩ Anuradha Chenoy nhấn mạnh.

Tiến sĩ Vinicius Vieira, nghiên cứu về quan hệ quốc tế tại Đại học Sao Paulo cũng cho rằng, thiếu sự tham dự của Nga, hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine ở Thụy Sĩ đã không còn ý nghĩa.

“Vì Nga không được mời, Brazil tham gia cuộc họp đó cũng chẳng ích gì. Đó là lý do tại sao Brazil không ký tuyên bố chung”, Tiến sĩ Vinicius Vieira nhấn mạnh. Tổng thống Brazil Lula da Silva đã không tham dự hội nghị thượng đỉnh Ukraine ở Thụy Sĩ mà chỉ cử đại diện tham gia với tư cách quan sát viên.

Nam Phi từ chối ký tuyên bố chung vì lý do tương tự, theo Giáo sư Fulufhelo Netswera, trưởng khoa Khoa học Quản lý tại Đại học Công nghệ Durban ở Nam Phi.

"Nếu Nga tham gia vào tiến trình hòa bình này, Nam Phi sẽ ký tuyên bố cuối cùng", ông Netswera nói với Sputnik.

Ahmed Al Ibrahim, chuyên gia nghiên cứu quan hệ Saudi-Mỹ có trụ sở tại Riyadh và là nhà phân tích chính trị giải thích, quyết định của Ả Rập Saudi để không ký tuyên bố chung này xuất phát từ ba yếu tố chính.

Thứ nhất, Ả Rập Saudi thường đặt mục tiêu duy trì lập trường trung lập để giữ gìn mối quan hệ ngoại giao. Thứ 2, Mối quan hệ kinh tế quan trọng của Ả Rập Saudi với Nga, đặc biệt là thông qua OPEC+, có thể đã ảnh hưởng đến quyết định của nước này tránh gây nguy hiểm cho các mối quan hệ này.

Cuối cùng, Ả Rập Saudi vốn đặt mục tiêu tập trung vào sự ổn định khu vực và lợi ích chiến lược của mình thay vì vướng vào một cuộc xung đột ở châu Âu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem