Vì sao ông Tập Cận Bình phải đi đường vòng khi đến Mỹ?

Đăng Thúy (thực hiện) Thứ tư, ngày 23/09/2015 09:37 AM (GMT+7)
“Lựa chọn quỹ đạo hoàn hảo là một cách để định hướng truyền thông theo ý mình, đó là tính toán vô cùng khôn ngoan của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Mỹ” - PGS -TS Lê Văn Cương , (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an) nhận định khi trả lời phỏng vấn NTNN ngày 21.9.
Bình luận 0

Ngày 22.9, Chủ tịch Trung  Quốc Tập Cận Bình  bắt đầu chuyến công du Mỹ, nhưng không ít hoài nghi về triển vọng sẽ đạt được đột phá trong chuyến thăm này. Vậy, bản chất quan hệ Mỹ- Trung là gì, thưa ông?

-Chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình không chỉ được dư luận trong nước chú ý mà cả thế giới đều đang rất quan tâm theo dõi. Phải nói rằng, trên thực tế mỗi lần họp song phương Mỹ-Trung, hai bên đều đưa ra được những tuyên bố chung. Trung-Mỹ đã có hơn 40 năm ký Tuyên bố chung, ngoài ra có các cuộc gặp song phương, cấp cao xây dựng quan hệ hướng đến tương lai. Nhưng thực chất của quan hệ Trung- Mỹ là mối quan hệ của một siêu cường thực tại là Mỹ và siêu cường mới nổi là Trung Quốc.

img

Vấn đề an ninh mạng dự kiến sẽ được đề cập trong cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ B.Obama (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh:  AFP

Mỹ muốn tìm cách duy trì hiện trạng với Trung Quốc và duy trì sự chi phối của mình để khẳng định vị thế  số 1, trong khi Trung Quốc lại muốn khẳng định sự ảnh hưởng và sự mạnh của mình để soán ngôi siêu cường số 1. Vì lẽ này, mối quan hệ Trung-Mỹ tồn tại những mâu thuẫn tầng sâu tầng, tạo ra những kết cấu không thể dung hòa được. Dù không công khai, nhưng tại các cuộc gặp cấp cao ở Bắc Kinh hay Washington, hai bên luôn tìm mọi cách để đối phó với nhau. Đến nay, chưa có bên nào dễ dàng áp đảo đối phương, nên hai bên duy trì tình trạng hòa hoãn.

Chuyến thăm diễn ra đúng thời điểm hai nước đang phải đối mặt với không ít khó khăn và giữa hai bên còn tồn tại nhiều bất đồng, mâu thuẫn. Ông có thể phân tích rõ hơn?

-Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh an ninh khu vực và thế giới nóng lên, quan hệ Trung-Mỹ cũng nóng lên. Có thể nói, chưa bao giờ quan hệ Nga- Mỹ căng thẳng như bây giờ. Mối quan hệ này căng thẳng kéo theo tình hình toàn cầu cũng trở nên phức tạp hơn. Còn quan hệ Mỹ-Trung, trong suốt 2 thập kỷ qua, những vấn đề liên quan đến Biển Đông, biển Hoa Đông, Triều Tiên… cũng làm nổi sóng quan hệ.

Trước chuyến đi của ông Tập Cận Bình, quan hệ Trung- Mỹ nổi lên 3 vấn đề gay gắt: An ninh mạng; cạnh tranh kinh tế không lành mạnh; xây dựng phi pháp ồ ạt trên Biển Đông.

Thứ nhất, tin tặc luôn là vấn đề gây căng thẳng trong quan hệ giữa hai cường quốc khi cả Bắc Kinh và Washington nhiều lần cáo buộc lẫn nhau đứng đằng sau các vụ tấn công mạng. Tháng 6 vừa qua, Mỹ tuyên bố tin tặc đã đột nhập hệ thống dữ liệu của Cơ quan Quản lý nhân sự (OPM) thuộc chính phủ nước này và đánh cắp dữ liệu cá nhân của ít nhất 4 triệu nhân viên liên bang và rất nhiều doanh nghiệp, gây tổn thất nặng nề. Hồ sơ của 750.000 nhân viên dân sự thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã bị xâm nhập. Washington cáo buộc Trung Quốc đứng sau vụ đánh cắp thông tin cá nhân trên, song Bắc Kinh đã bác bỏ.

Về cạnh tranh kinh tế không lành mạnh, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho rằng những xáo trộn trên các thị trường tài chính sau khi Trung Quốc bất ngờ hạ giá đồng nội tệ giữa tháng 8 vừa qua “phản ánh những lo ngại về nguy cơ suy thoái từ tình hình nền kinh tế nước này”. Về Biển Đông, Mỹ nhiều lần lên tiếng cảnh báo Bắc Kinh về tốc độ ồ ạt xây dựng trái phép những đảo nhân tạo trên Biển Đông, trong khi Trung Quốc cho rằng họ “có quyền” làm điều đó và “Mỹ không nên can thiệp”.

Trong bối cảnh như vậy, ông Tập Cận Bình lựa chọn một lộ trình khác thường, không đi thẳng vào Washington mà đi đến Seattle. Có sự tính toán nào ở đây?

- Ông Tập Cận Bình không đi thẳng đến Washington mà đi đến Seattle- trung tâm công nghệ và là “quê hương” của những tập đoàn lớn như Microsoft, Amazon... Dự kiến tại đây, ông Tập Cận Bình sẽ gặp gỡ cộng đồng doanh nhân, tham dự hội nghị bàn tròn với các giám đốc điều hành, nói chuyện với các giáo viên và sinh viên tại Mỹ…

Những động thái nói trên nhằm mục đích xoa dịu sự bất bình của Mỹ về vấn đề an ninh mạng, các doanh nghiệp Mỹ được trấn an kịp thời trước những thông tin Trung Quốc cạnh tranh không lành mạnh. Mục đích của ông Tập Cận Bình trước khi gặp Tổng thống Obama, đã có 3 ngày truyền thông Mỹ sẽ đưa tin về chuyến đi mà chủ yếu là những thông tin tích cực, gặp gỡ, hợp tác... Lựa chọn quỹ đạo hoàn hảo là một cách để định hướng truyền thông theo ý mình, đó là tính toán vô cùng khôn ngoan của ông Tập Cận Bình.

Thưa ông, sau chuyến thăm này, liệu quan hệ Mỹ- Trung sẽ được cải thiện?

- Thực ra, trong chuyến đi này, ông Tập Cận Bình sẽ giải quyết những vấn đề quan trọng sau: Về an ninh mạng, Chủ tịch Trung Quốc sẽ nói rằng, nhà nước Trung Quốc không đứng sau những hoạt động xâm nhập máy tính, ăn cắp dữ liệu như Mỹ cáo buộc, mà là do những tin tặc hoạt động tự do gây ra. Thậm chí, ông Tập còn đề nghị Mỹ phối hợp với Trung Quốc về đảm bảo an ninh mạng.

Về hạ giá nhân dân tệ, ông Tập Cận Bình sẽ giải thích rằng đó là biện pháp đảm bảo sự phát triển ổn định của kinh tế Trung Quốc, không tác động nhiều đến nền kinh tế toàn cầu.

Về Biển Đông, ông Tập Cận Bình sẽ trấn an Mỹ rằng, Bắc Kinh cam kết duy trì hòa bình, ổn định, đảm bảo an toàn, hàng hải, hàng không ở vùng biển này. Thậm chí, Trung Quốc còn mời Mỹ cùng sử dụng những căn cứ Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông vào những mục đích cứu nạn cứu hộ trên biển. Nhiều khả năng, Trung Quốc còn mời Mỹ cùng tham gia tập trận trên Biển Đông…

Cuối cùng, Trung Quốc sẽ thuyết phục Mỹ rằng, Biển Đông không phải là vấn đề trong mối quan hệ Mỹ -Trung. Sau chuyến thăm, hai bên sẽ ra Tuyên bố chung dựa trên 3 trụ cột chính: Không đối đầu; không can thiệp công việc nội bộ của nhau; hợp tác cùng có lợi. Ít nhiều, chuyến đi này cũng sẽ giải tỏa được một số lo lắng của chính giới Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, những mâu thuẫn cố hữu sẽ rất khó dung hòa.

Xin cảm ơn ông!

Tác động của chuyến thăm này đến khu vực và Việt Nam sẽ thể hiện như thế nào?

 Chuyến đi Mỹ của ông Tập Cận Bình sẽ thúc đẩy hòa bình, ổn định khu vực châu Á- Thái Bình Dương và căng thẳng trong quan hệ Trung- Mỹ giảm đi. Riêng với Việt Nam, chúng ta có vị trí địa chính trị quan trọng, là cửa ngõ châu Á- Thái Bình Dương, nơi diễn ra đối đầu giữa Mỹ- Trung trong thế kỷ 21. Vì thế, chúng ta tận dụng vị trí địa chính trị để thiết lập mối quan hệ bình đẳng với các nước lớn, dựa trên lợi ích song trùng. Về vấn đề Biển Đông, Việt Nam cần cảnh giác trước mọi trường hợp và khả năng thỏa thuận ngầm sau lưng chúng ta”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem