Vì sao Quan Vũ không phải là "đệ nhất chiến thần" Trung Quốc?

Chủ nhật, ngày 08/09/2019 08:31 AM (GMT+7)
Điểm đáng nói nằm ở chỗ, vị tướng vượt mặt các tên tuổi nổi tiếng như Lữ Bố, Quan Vũ hay Nhạc Phi... lại không sở hữu võ lực xuất chúng như nhiều người tưởng tượng.
Bình luận 0

Nhắc đến những vị võ tướng được mệnh danh là "chiến thần" của lịch sử Trung Hoa, không ít người sẽ nhớ ngay tới các tên tuổi như Bạch Khởi, Lữ Bố, Quan Vũ, Nhạc Phi…

Tuy nhiên theo nhận định của một tờ báo có tiếng tại nước này là KKNews, thì người xứng danh "đệ nhất chiến thần" của lịch sử phong kiến Trung Quốc lại không phải ai trong số những tên tuổi nêu trên, mà là một võ tướng vào thời kỳ Nam Bắc triều được biết tới với danh hiệu "Bạch bào tướng quân" - Trần Khánh Chi.

Giai thoại về vị võ tướng bị ví như "thư sinh trói gà không chặt"

img

Trần Khánh Chi được biết tới là võ tướng có tên tuổi nổi bật hàng đầu trong thời kỳ Nam - Bắc triều của lịch sử Trung Hoa. (Tranh minh họa). 

Trần Khánh Chi (484 – 539), tự Tử Vân, người Quốc Sơn, Nghĩa Hưng, là tướng lĩnh nước Lương trong thời kỳ Nam Bắc triều.

Sinh thời, vị tướng này có tính tình cung kính cẩn thận, sinh hoạt tiết kiệm giản dị, chỉ mặc áo trắng nên mới được người đời gọi là "Bạch bào tướng quân".

Thuở nhỏ, ông từng là một tùy tùng bên cạnh Tiêu Diễn – người trở thành Lương Vũ Đế của nước Lương sau này.

Tương truyền rằng giai đoạn ấy là thời kỳ mà cờ vây vô cùng thịnh hành. Tiêu Diễn cũng vì say mê thú giải trí ấy mà chơi cờ thâu đêm suốt sáng.

Có nhiều đêm khi ông còn đang nghiền ngẫm từng nước cờ thì các tùy tùng bên cạnh đã đều đã ngủ, duy chỉ có Trần Khánh Chi vẫn luôn thức để chờ mệnh lệnh từ chủ nhân. Tiêu Diễn cũng bởi vậy mà dần cảm mến và trọng dụng người thuộc hạ họ Trần ấy.

Vào những năm cuối của triều đại Nam Tề, Đông Hôn Hầu Tiêu Bảo Quyền thi hành nhiều chính sách tàn bạo khiến bách tính phẫn uất, tướng lĩnh thi nhau nổi dậy khắp nơi.

Năm 500 sau công nguyên, Tiêu Diễn cũng khởi binh tạo phản. Kể từ đó, Trần Khánh Chi đã bắt đầu con đường xông pha trận mạc của mình.

Tới năm 502, Tiêu Diễn xưng đế, đặt quốc hiệu là Lương, sử cũ thường gọi là Lương Vũ Đế. Trần Khánh Chi được bổ nhiệm chức Chủ thư, tới năm 525 thì phong làm Tướng quân.

img

Những giai thoại về Trần Khánh Chi vẫn thường miêu tả ông là một người sở hữu ngoại hình nho nhã và không hẳn là có thiên phú trên phương diện võ thuật. (Ảnh minh họa). 

Tương truyền rằng vị tướng họ Trần ấy tuy là võ tướng cốt cán trong triều nhưng lại sở hữu ngoại hình không khác gì một thư sinh. Ông không giỏi bắn tên, không có khiếu cưỡi ngựa, thế nhưng lại được miêu tả là có tài đảm lược, khéo bày mưu, dụng binh như thần, lại rất được lòng người.

Đặc biệt, Trần Khánh Chi có thể coi là một bậc thầy về bày binh bố trận. Cũng bởi vậy mà những trận chiến do ông đích thân chỉ huy đa số đều lấy ít địch nhiều và tốc chiến tốc thắng.

Hơn nữa, vị tướng họ Trần còn rất khéo phủ dụ sĩ tốt, vì thế nên các bộ hạ dưới trướng ông đều tình nguyện bán mạng vì tướng quân, tận tâm tận lực tới lúc chết.

Đặc biệt, Trần Khánh Chi không chỉ có sự vũ dũng của nhà binh mà còn có tấm lòng nhân nghĩa không kém các bậc đại trí. Năm xưa khi trấn thủ phía đông nam, ông từng mở kho lương cứu đói cho dân chúng Dự Châu, nhờ vậy mà được người dân nơi đây lập bia ca tụng công đức.

Xét về võ lực, có thể Trần Khánh Chi không thể chiếm ưu thế trước những tên tuổi như Lữ Bố, Quan Vũ hay Nhạc Phi. Thế nhưng yếu tố đặc biệt khiến ông trở thành "đệ nhất chiến thần" Trung Hoa lại ở tài năng dụng binh như thần cùng nghệ thuật thu phục lòng người và đặc biệt là tinh thần nhân nghĩa.

Những trận đánh "tốc chiến tốc thắng" làm nên tên tuổi của chiến thần Trần Khánh Chi

Mặc dù bị miêu tả là vị tướng sở hữu ngoại hình như một "thư sinh trói gà không chặt", lại không xuất chúng về cung kiếm hay quyền cước, nhưng Trần Khánh Chi hoàn toàn xứng danh là một chiến thần trên sa trường.

Nói tới những thành tựu xuất sắc trong sự nghiệp chinh chiến của vị tướng này, không thể không kể tới những thắng lợi thần tốc trong chiến dịch Bắc phạt trợ giúp hoàng tộc Ngụy quốc.

Sử cũ ghi lại, năm 528, Bắc Ngụy phát sinh nội loạn, quyền thần Nhĩ Chu Vinh tàn sát hoàng thất, tự lập vua mới để thao túng quyền hành. Một hoàng tộc Ngụy quốc là Nguyên Hạo đã xuôi nam nhờ cậy nước Lương.

Bấy giờ, Lương Vũ Đế Tiêu Diễn đã phái Trần Khánh Chi mang theo 7000 binh sĩ hộ tống Nguyên Hạo về nước để lấy lại hoàng quyền. Số quân lính này vào lúc bấy giờ không được tính là nhiều, thế nhưng tài chỉ huy của chiến thần họ Trần đã khiến binh đoàn ấy trở thành nỗi khiếp sợ của bè lũ phản loạn ở Ngụy quốc.

Trong trận chiến tiêu biểu đầu tiên ở thành Tuy Dương, 7000 binh của Trần Khánh Chi đã đánh bại 70 ngàn quân địa phương, chỉ vẻn vẹn nửa ngày đã công chiếm thành trì, khiến tướng giặc buộc phải đầu hàng.

Chiến thắng này đã giúp Nguyên Hạo xưng đế và Trần Khánh Chi cũng được phong làm Đại đô đốc.

Cuộc chiến kinh điển tiếp theo diễn ra ở Khảo Thành với số lượng quân địch là 20 ngàn. Tòa thành này còn có vị trí "dễ thủ khó công" với 4 mặt là nước và phòng ngự kiên cố.

Bấy giờ, Trần Khánh Chi đã dùng kế "phù thủy trúc lũy", sai quân sĩ ở mặt nước đắp thành lũy, thành trì rất nhanh đã bị phát, 20 vạn quân địch bị đánh cho thảm bại, tướng giặc bị bắt sống.

Trong cuộc chiến mang tính quyết định ở thành Huỳnh Dương, vị tướng họ Trần phải đương đầu với với 70 ngàn quân địch trấn thủ và 30 vạn quân tiếp viện đang cấp tốc điều tới. Nào ngờ quân tiếp viện còn chưa tới nơi, thành trì kia đã bị Trần Khánh Chi đánh hạ trong chớp mắt.

Sau trận chiến nói trên, quân Ngụy tiếp tục phái tướng Nguyên Thiên Mục suất lĩnh 200 ngàn kỵ binh tinh nhuệ tiến đánh. Trần Khánh Chi chẳng những không e dè mà còn chủ động mang 3000 kỵ binh ra nghênh chiến.

Điều nằm ngoài dự liệu là số binh ít ỏi của ông thậm chí đã đánh tan đại quân đông hơn mình gấp 6,7 lần và khiến tướng địch phải hoảng hốt bỏ chạy.

Hàng loạt trận tiến công tốc chiến tốc thắng của Trần Khánh Chi đã khiến vua Bắc Ngụy bấy giờ đã sợ hãi tới mức hạ lệnh dời đô. Khi tới kinh đô cũ là Lạc Dương, các binh lính còn lại ở đây đều e sợ trước danh tiếng của vị tướng họ Trần mà chủ động đầu hàng.

Với đội quân chỉ vẻn vẹn 7000 người, chiến dịch Bắc phạt của Trần Khánh Chi trước sau giành chiến thắng tới 47 trận, công phá được 32 thành trì và vẫn thường được nhắc tới là một kỳ công trong lịch sử thời Nam – Bắc triều.

Một trong những chiến công hiển hách không kém của Trần Khánh Chi phải kể tới việc ông bình định 30 ngàn quân phản loạn khét tiếng chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng.

Bấy giờ, ở vùng Giang, Hoài có yêu tăng tự xưng đế và được thổ hào địa phương ủng hộ, quân phản loạn lên tới 3 vạn người.

Trước lúc để Trần Khánh Chi đem quân trấn thủ, chính Lương Vũ Đế cũng phải dặn dò một cách đầy dè chừng:

"Binh sĩ Giang, Hoài mạnh mẽ, không dễ chống lại, khanh cần có biện pháp chế ngự, không nên giao chiến".

Mặc dù triều đình Lương quốc hết sức e dè bè lũ phản loạn hiếu chiến và đông đảo này, nhưng Trần Khánh Chi chưa tới 12 ngày đã chém được 2 kẻ cầm đầu và đưa thủ cấp của chúng về kinh đô.

Chiến thắng thần tốc nói trên đã một lần nữa khẳng định tài năng dụng binh như thần của vị võ tướng họ Trần nức tiếng đương thời ấy.

Mặc dù có nhiều người cho rằng nếu luận về quyền cước, võ lực hay đơn giản là thể lực, Trần Khánh Chi khó có thể so bì với những tên tuổi nổi danh trong lịch sử như Lữ Bố, Quan Vũ, Bạch Khởi hay Nhạc Phi…

Thế nhưng sự thực là có không ít ý kiến vẫn cho rằng Trần Khánh Chi xứng danh là "đệ nhất chiến thần Trung Hoa", bởi tài năng của một vị võ tướng không chỉ giới hạn ở những yếu tố nói trên mà còn xét tới tài mưu lược cũng như nhân cách, phẩm chất.

Hơn nữa, Trần Khánh Chi xuất thân hàn môn, vào thời đại thiên hạ chia năm xẻ bảy như giai đoạn Nam – Bắc triều mà có thể làm nên những thành tựu uy chấn bốn phương như vậy vốn đã được xem là vô cùng hiếm có.

P.V (Kiến Thức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem