Hành tinh có tên là Kepler 452b này nằm cách Trái đất khoảng 1.400 năm ánh sáng, và nó có những điều kiện vô cùng thuận lợi để sự sống nảy nở và phát triển. Câu hỏi mà rất nhiều người trên thế giới đặt ra lúc này là: Liệu trên hành tinh Kepler 452b đang hoặc đã từng có sự sống hay không?
Kepler 452b có khoảng cách đến ngôi sao tương tự như Trái đất đến Mặt trời
Để trả lời được câu hỏi Kepler 452b có sự sống hay không, có lẽ nhân loại phải chờ đợi thế hệ kính thiên văn vũ trụ tiếp theo có khả năng nhìn được xa hơn và có khả năng phát hiện được nước trên hành tinh này. Mặc dù chưa có thiết bị đủ mạnh để có thể trả lời ngay lập tức câu hỏi trên, song các nhà khoa học NASA rất tin tưởng vào khả năng tồn tại sự sống ở Kepler 452b vì những lý do sau:
Kepler 452b quay quanh một ngôi sao tương tự như Mặt trời
Các ngôi sao là những thiên thể lớn rực sáng, phát ra năng lượng khổng lồ, và chúng có nhiệt độ và kích cỡ khác nhau. Có những ngôi sao khổng lồ lớn hơn Mặt trời hàng chục ngàn lần, nhưng chúng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và phát nổ khi chết đi. Những ngôi sao này không phải là nơi để chúng ta tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất.
Cũng có những ngôi sao rất nhỏ và nguội, già cỗi hơn Mặt trời hàng tỉ năm, và cũng không cung cấp đủ năng lượng cho một hành tinh quay quanh nó để duy trì sự sống.
Trong khi đó, ngôi sao của Kepler 452b thì lại cùng họ với Mặt trời chúng ta, mặc dù có tuổi đời nhiều hơn khoảng 1,5 tỉ năm. Biểu đồ sau đây cho thấy Kepler 452b nhận được nguồn nhiệt lượng từ ngôi sao của nó nhiều hơn khoảng 10% so với nhiệt lượng mà Trái đất nhận được từ Mặt trời:
Kepler 425b nhận được nhiệt lượng từ ngôi sao của mình nhiều hơn Trái đất khoảng 10%
Quỹ đạo của Kepler 452b
Hành tinh được coi là “anh em của Trái đất” này có khoảng cách rất hợp lý so với ngôi sao của nó – khoảng 149,6 triệu km, đủ để giúp nước trên bề mặt hành tinh này không bị bốc hơi hết.
Hiện NASA vẫn chưa xác định được trên hành tinh này có nước hay không, nhưng quanh mỗi ngôi sao có một “vùng sự sống”, nơi hành tinh nhận được vừa vặn ánh sáng nhất cho sự sống nảy sinh và phát triển, và Kepler 452b đang nằm đúng trong “vùng sự sống” của ngôi sao này.
Với việc nằm trong “vùng sự sống” của ngôi sao, khả năng có nước trên Kepler 452b là rất cao, và ở đâu có nước, nơi đó có tiềm năng cho sự sống trỗi dậy.
Sau đây là minh họa quỹ đạo của Kepler 452b so với Trái đất và các hành tinh khác. Biểu đồ này không thể hiện khoảng cách thực sự từ hành tinh đến ngôi sao, mà chỉ cho thấy nhiệt lượng mà các hành tinh nhận được từ ánh sáng do ngôi sao phát ra (Với những ngôi sao nhỏ, yếu ớt, vùng sự sống sẽ nằm gần hơn):
Kepler 452b nằm trong "vùng sự sống" (đốm xanh đậm) gần giống Trái đất
Ngoài nước, thời gian là yếu tố không thể thiếu cho sự sống
Các nhà khoa học cho biết dạng sống đầu tiên trên Trái đất mới chỉ xuất hiện từ 3,5 đến 3,8 triệu năm trước, có nghĩa là Trái đất là một hành tinh “chết” trong khoảng 200 đến 500 triệu năm đầu tiên. Con người cũng mới chỉ xuất hiện trên Trái đất từ cách đây 200.000 năm.
Các chuyên gia NASA ước tính rằng Kepler 452b đã tồn tại được khoảng 6 tỉ năm, dựa trên tuổi ngôi sao của nó, như vậy hành tinh này già hơn Trái đất khoảng 1,5 tỉ năm. Điều này khiến chuyên gia Jon Jenkins của NASA tin rằng Kepler 452b đã có “thời gian và cơ hội đáng kể để sự sống trỗi dậy, nếu nó có đủ các thành phần và điều kiện cần thiết”.
Hành tinh Kepler 452b có nhiều yếu tố thuận lợi để hình thành sự sống. Ảnh minh họa
Kích thước của hành tinh
Hầu hết những hành tinh khác mà con người phát hiện được cho đến nay đều không có bề mặt lởm chởm gồ ghề. Chúng phần lớn chỉ là những quả cầu khí quyển khổng lồ không có chỗ cho các sinh vật đặt chân lên, trong khi sự sống chỉ có thể tồn tại và phát triển trên những bề mặt rắn chắc. Và đó không phải là vấn đề đối với Kepler 452b.
NASA ước tính Kepler 452b có kích thước lớn hơn Trái đất khoảng 60%, nhưng vẫn rất nhỏ so với các quả cầu khí khổng lồ ngoài vũ trụ. Bởi vậy, nhiều khả năng đây là một hành tinh rắn chắc giống như Trái đất.
Hình vẽ sau đây mô tả kích thước tương đối của Kepler 452b so với 11 hành tinh mới được phát hiện khác:
Kepler 425b có kích thước lớn hơn Trái đất khoảng 60%
Ngoài ra, có một điều mà các nhà khoa học đã cảnh báo từ lâu, đó là các ngôi sao sẽ ngày càng trở nên nóng hơn. Một số nhà thiên văn ước tính rằng trong vòng 1 tỉ năm tới, Mặt trời của chúng ta sẽ trở nên nóng cực đại, gây ra hiệu ứng nhà kính mất kiểm soát trên Trái đất, khiến toàn bộ đại dương của chúng ta bốc hơi, đánh dấu sự chấm dứt của sự sống trên “Hành tinh xanh”.
Vì ngôi sao của Kepler 452b già hơn Mặt trời khoảng 1,5 tỉ năm, nên nếu ước tính trên của các nhà thiên văn là đúng, thì rất có thể sự sống nếu có trên hành tinh này cũng đã bị tuyệt diệt. Nhưng rất may là vì Kepler 452b lớn hơn Trái đất, nên nó sẽ được bảo vệ tốt hơn trước hiệu ứng nhà kính mất kiểm soát, và sự sống trên đó sẽ còn có cơ hội tồn tại thêm khoảng 500 triệu năm nữa.
Trí Dũng (Theo Business Insider)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.