Vì sao Taliban "không đội trời chung" với IS?

Nguyễn Thái - Tổng hợp Thứ hai, ngày 23/08/2021 00:25 AM (GMT+7)
Taliban từng thành lập riêng một lực lượng đặc nhiệm, gồm hơn 1.000 tay súng có kỹ năng, kinh nghiệm, chỉ với mục tiêu duy nhất là tiêu diệt các thành viên của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Bình luận 0

img

Tuy cùng là lực lượng Hồi giáo nhưng Taliban và IS không thể "đội trời chung". Ảnh minh họa

Tuyên chiến

Theo BBC, Taliban và IS chính thức tuyên chiến vào tháng 1/2015, sau khi IS tuyên bố thành lập cơ sở hoạt động ở "Khorasan" - tên cũ của khu vực rộng lớn, gồm Afghanistan và các phần thuộc Pakistan, Iran và Trung Á. 

Đây là lần đầu tiên IS, tổ chức vốn hoạt động chủ yếu ở Iraq và Syria, chính thức mở rộng phạm vi ra ngoài thế giới Ả rập. IS cũng là tổ chức đầu tiên trực tiếp thách thức quyền lực của Mullah Muhammad Omar, người sáng lập ra Taliban và Nhà nước Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan (không được Liên Hợp Quốc công nhận). 

Các thủ lĩnh của tổ chức khủng bố al-Qaeda, được cho là lẩn trốn ở Afghanistan, thừa nhận quyền lãnh đạo của Omar. Nhưng IS phản đối kịch liệt bằng các tuyên bố và video truyền bá đặt câu hỏi về tính hợp pháp của Taliban. Đồng thời, IS cáo buộc Taliban ủng hộ các lợi ích của cơ quan tình báo ISI (Pakistan). 

Taliban đáp trả bằng việc thành lập một lực lượng đặc nhiệm chống IS vào tháng 10/2015, với hơn 1.000 thành viên. Các thành viên của lực lượng này được lựa chọn kỹ càng về kỹ năng và kinh nghiệm chiến đấu. Họ hoạt động ở các khu vực có sự hiện diện của IS.

Lực lượng đặc nhiệm này được điều động tới bất cứ đâu nhưng chỉ tập trung vào nhiệm vụ là chống IS. Việc đối phó với binh sĩ Afghanistan và quân đội nước ngoài được giao cho các tay súng Taliban khác. 

img

Khi IS mở rộng địa bàn sang Afghanistan, Taliban đối đầu "bằng mọi giá". Ảnh: Youtube

Theo BBC, khi IS lên kế hoạch mở rộng địa bàn hoạt động sang Afghanistan, Taliban đã lệnh cho các chỉ huy của tổ chức này đối đầu với IS "bằng mọi giá". 

Từ tháng 4/2015, Taliban và IS nhiều lần tấn công lẫn nhau để tranh giành địa bàn hoạt động. Các nhóm quân của IS, chủ yếu do các cựu chỉ huy bất mãn với Taliban và một số phiến quân tới từ Pakistan và Uzbekistan lãnh đạo, trở thành mục tiêu tấn công của Taliban. 

Nhiều cuộc giao tranh đã nổ ra ở các tỉnh Nangarhar, Helmand, Farah và Zabul của Afghanistan, với hàng nghìn tay súng thương vong. 

Tháng 6/2015, Mawlawi Mir Ahmad Gul, một thủ lĩnh của Taliban tại tỉnh Nangarhar, bị ám sát ở Peshawar, tỉnh Nuritan, Afghanistan. Nhiều nguồn tin cho rằng, IS đứng đằng sau vụ việc. 

Theo BBC, cuối năm 2015, IS dường như đã bị Taliban đánh bật khỏi khu vực phía nam và phía tây Afghanistan. Tuy nhiên, các nhóm nhỏ lẻ của IS vẫn hoạt động ở phía đông Afghanistan, đặc biệt ở 2 tỉnh Nangarhar và Kunar. 

IS thời điểm đó cũng tập trung vào khu vực phía bắc Afghanistan, nơi tổ chức này muốn "bắt tay" với các nhóm nổi dậy Duy Ngô Nhĩ, Uzbek, Tajik hay Chechen. Đây cũng là khu vực mà IS dễ dàng vượt qua biên giới với các nước khác.

Taliban yêu cầu IS ngừng tạo ra "mặt trận thánh chiến song song". Trong một bức thư gửi thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi ngày 16/6/2015, Taliban tuyên bố "bảo vệ thành quả" tại Afghanistan trước sự nhòm ngó của IS. 

Một tuần sau, Abu Muhammad al-Adnani - phát ngôn viên của IS - cáo buộc Taliban có nhiều tội ác tôn giáo ở Khorasan, Libya và Syria. Các tay súng IS được lệnh "không nương tay hay thương xót" với các thành viên Taliban không đồng ý gia nhập tổ chức này hoặc không biết "ăn năn". 

Vì sao IS khiến Taliban lo lắng?

Theo BBC, sự thống trị của Taliban chưa bao giờ bị thách thức trực tiếp bởi các nhóm nổi dậy khác, cho tới khi IS xuất hiện ở Afghanistan. Cơn ác mộng với Taliban ở thời điểm năm 2015 - khi IS đã lớn mạnh - là việc một lượng lớn thành viên của tổ chức này "đào tẩu" và "đầu quân" cho IS. Để ngăn điều này, Taliban phải đối đầu với đối thủ mới trên 2 mặt trận - quân sự và ý thức hệ. Dù cùng là các lực lượng Hồi giáo nhưng Taliban và IS có sự khác biệt về ý thức hệ - điều sẽ được làm rõ ở phần tiếp theo.

Năm 2015, IS ở Afghanistan thực hiện chiến dịch tuyển mộ ráo riết và chủ yếu nhằm vào các chỉ huy đã bị trục xuất hoặc loại khỏi biên chế của Taliban. 

Tổ chức này cũng khai thác sự bất ổn trong nội bộ Taliban khi đó, với việc tranh giành quyền lực nội bộ sau cái chết của thủ lĩnh Mullah Omar hồi tháng 7/2015. Trước đó một tháng, một nhóm của Taliban tách ra hoạt động độc lập khiến nội bộ của Taliban thêm rối ren. Nguồn tài chính khổng lồ mà IS được hưởng cũng là một sự cám dỗ. 

Sự khác biệt khiến Taliban và IS "không đội trời chung"

img

Các tay súng IS. Ảnh: Time

Theo BBC, có một số khác biệt về ý thức hệ và văn hóa giữa IS và Taliban. IS là một tổ chức Hồi giáo cực đoan, có âm mưu gây chiến tranh tôn giáo toàn cầu nhằm mục đích thiết lập thực thể chính trị duy nhất gồm toàn bộ các nước và vùng lãnh thổ Hồi giáo. 

Taliban khẳng định, hoạt động của tổ chức này chỉ giới hạn ở Afghanistan. Mục đích của Taliban là đẩy toàn bộ các lực lượng nước ngoài mà họ cho là “đang chiếm đóng” Afghanistan ra khỏi lãnh thổ nước này. 

Bằng cách tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi giáo, thủ lĩnh IS, Abu Bakar Al-Baghdadi, khẳng định "sự trung thành" với tất cả người Hồi giáo. Một video do IS đăng tải hồi tháng 5/2015 nói rõ rằng, Taliban và IS không thể "đội trời chung", không thể có hai Nhà nước Hồi giáo cùng tồn tại trên thế giới. Nếu một nhà nước tồn tại, nhà nước còn lại phải bị loại bỏ. 

img

Các tay súng Taliban. Ảnh: Getty

Taliban và IS cũng có khác biệt về niềm tin tôn giáo. Taliban là những người trung thành với trường phái Hanafi của người Hồi giáo dòng Sunni. Nhìn chung, họ tin vào chủ nghĩa Sufi và có xu hướng tránh bạo lực với người Hồi giáo dòng Shia. 

Trong khi đó, IS tuân theo tư tưởng của trường phái Salafi của người Hồi giáo Sunni - khắc khổ hơn Hanafi, không tin vào chủ nghĩa Sufi và coi người Shia là những kẻ không có tín ngưỡng. 

Một bài phân tích trên BBC năm 2015 cho rằng, sự xuất hiện của IS ở Afghanistan đặt ra thách thức nghiêm trọng với uy thế của Taliban. Tuy nhiên, cách lãnh đạo của Taliban đã đối thoại với một số nước trong khu vực, đảm bảo với họ rằng, Taliban sẽ không cho phép IS có chỗ đứng ở Afghanistan và đe dọa sự ổn định của khu vực.

Các quốc gia như Iran, Trung Quốc và Nga cũng đã xem xét lại các chính sách cũ về việc không tương tác với Taliban.

Với việc Mỹ đang chuẩn bị hoàn tất rút quân khỏi Afghanistan trước thời hạn 31/8, Taliban đang dần giành lại quyền kiểm soát Afghanistan từ lực lượng quân đội nước này. 

Hồi tháng 7 năm nay, Zabiullah Mujahid - phát ngôn viên của Taliban - nhấn mạnh quyết tâm tiêu diệt IS. "Chúng tôi xin đảm bảo rằng Taliban sẽ không cho phép IS có đất để hoạt động ở Afghanistan và trong các khu vực mà chúng tôi kiểm soát", hãng Sputnik dẫn lời ông Zabiullah.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem