Mặc dù quan hệ Mỹ với Nga trở nên căng thẳng trong thời gian gần đây, hoạt động của con tàu Nga không có gì đáng ngạc nhiên.
Tàu do thám Nga Viktor Leonov SSV-175 đậu tại một cảng Havana năm 2014. (Ảnh: Reuters)
"Có nhiều vụ việc như vậy trong nhiều năm qua. Không có vụ việc nào quan trọng", James Jeffrey, Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ thời Tổng thống George W. Bush và hiện là một thành viên của Viện Washington, nói với Business Insider.
Hải quân Mỹ cũng khẳng định như vậy. Trung tá Valerie Henderson, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, nhấn mạnh: "Chúng tôi biết rõ sự hiện diện của con tàu. Nó không tiến vào lãnh hải Mỹ".
Mỹ thường xuyên có những con tàu do thám tương tự ở Biển Baltic và Biển Đen. Tuy nhiên, có một điều dễ nhận thấy rằng Mỹ có nhiều đồng minh ở hai khu vực này.
Tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Ohio USS Alabama trở về cảng sau một chuyến tuần tra thường kỳ. (Ảnh: Hải quân Mỹ)
Một cựu sĩ quan Hải quân Mỹ cho biết, về lý thuyết tàu Nga có thể nghe lén các hoạt động truyền giọng nói của Mỹ nhưng Moscow có rất nhiều cách để làm điều này.
Do vậy, tàu do thám của Nga nhiều khả năng tập trung vào việc chặn và phân tích các sóng radar cũng như sóng âm của Mỹ. Đây là điều phía Mỹ thường xuyên làm đối với Nga.
Cựu sĩ quan cho biết thêm, nhiều khả năng Nga đang thu thập dữ liệu về sự phát tỏa của Hải quân Mỹ để phân tích chúng, và lên kế hoạch về cách thức sử dụng các biện pháp phản công điện tử. Tuy nhiên, có lẽ Nga không thể thu thập được nhiều dữ liệu ngoại phạm vi 50km trên biển.
Theo James Jeffrey, Hải quân Mỹ đủ khả năng phá vỡ các thiết bị nghe lén của tàu Nga nhưng chắc chắn sẽ không làm gì ngoài việc "theo dõi".
Thanh Hảo (Vietnamnet)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.