Vì sao thất bại trước Lưu Bang, Hạng Vũ lại được ca ngợi?
Vì sao thất bại trước Lưu Bang, Hạng Vũ lại được ca ngợi?
Thứ năm, ngày 02/01/2025 21:08 PM (GMT+7)
Dù cuối cùng thất bại trong cuộc chiến Hán Sở tranh hùng, Hạng Vũ vẫn được các thi sĩ đời sau nhắc tới nhiều hơn so với Lưu Bang. Thơ ca của người đời sau viết về ông không thiếu lời ca ngợi, sự khâm phục và nuối tiếc cho thất bại của một vị anh hùng cái thế.
Lưu Bang nổi tiếng trong sử sách là xuất thân hèn kém, ít học, thời trẻ chỉ thích lông bông, quen ăn chơi đàn đúm, ham mê tửu sắc.
Ngược lại với hành trình lên ngôi hoàng đế đầy gian khổ của Lưu Bang, Hạng Vũ là người xuất thân từ gia đình danh gia vọng tộc.
Hạng Vũ là cháu nội đại tướng Hạng Yên nước Sở thời Chiến Quốc, người bị tướng nhà Tần là Vương Tiễn giết. Theo sử ký của Tư Mã Thiên, họ Hạng đời đời làm tướng nước Sở, được phong đất ở Hạng cho nên lấy họ là họ Hạng. Cha Hạng Vũ mất sớm nên ông sống với chú là Hạng Lương.
Hạng Vũ khi lớn lên mình cao hơn tám thước (hơn 2m), có sức khỏe nâng được cả cái đỉnh nặng nghìn cân, tài năng, chí khí hơn người. Đời sau có câu "Bạt sơn cử đỉnh" để khen ông và cũng để chỉ những người có sức khỏe phi thường. Các con em ở đất Ngô Trung đều sợ ông.
Khi Tần Thủy Hoàng đi chơi đất Cối Kê, vượt qua Chiết Giang, chú cháu Hạng Lương và Hạng Vũ cùng đi xem. Hạng Vũ trông thấy vua Tần, rồi nói: "Có thể cướp và thay thế ông ta!".
Hạng Lương nghe vậy vội bịt miệng cháu: "Đừng nói bậy! Bị giết cả họ bây giờ!" Đó là lúc mà người ta nhận ra Hạng Vũ là người khác thường.
So với Lưu Bang, Hạng Vũ sớm đạt thành công lừng lẫy hơn, thậm chí còn có những trận đánh ép Lưu Bang vào đường cùng. Nhưng đến cuối cùng, một mình Hạng Vũ thống lĩnh 10 vạn quân không địch nổi với 50 vạn quân do Lưu Bang, Hàn Tín và các tướng dưới quyền thống lĩnh.
Từ trước khi Hán – Sở tranh hùng, Hạng Vũ luôn được khuyên xử lý hài hòa mối quan hệ với Lưu Bang, nhưng ông không bao giờ nghe theo.
Theo các sử gia Trung Quốc, nguyên nhân dẫn tới thất bại nhanh chóng của Hạng Vũ là vì ông không biết lắng nghe lời khuyên chân thành, chuyên quyền độc đoán, nên dù trước đây sự nghiệp có hiển hách, vinh quang, lẫy lừng và oanh liệt tới mấy thì cũng đến hồi thất bại.
Mối tình thâm sâu, thủy chung hiếm có giữa Hạng Vũ và Ngu Cơ
Ngu Cơ và Hạng Vũ từ nhỏ đã quen biết nhau, mối lương duyên ấy như được định sẵn là trời sinh một cặp. Khoảnh khắc chàng trai Vương Hạng Vũ 15 tuổi lần đầu thấy tim đập loạn nhịp là khi bắt gặp nàng Ngu Cơ đang mải mê giặt đồ bên dòng sông, ánh nắng chiếu lên mái tóc óng mượt của nàng, phản chiếu hình ảnh một người thiếu nữ dịu dàng và thuần khiết trên dòng nước.
Sau khi xuất giá tòng phu, Ngu Cơ không chỉ là một người phụ nữ hiền dịu chỉ biết chăm lo chuyện nhà cửa, hưởng vinh hoa phú quý.
Nàng cùng Hạng Vũ tham gia chinh chiến khắp các phương trời, ngày đêm kề cận chăm sóc người đàn ông mà mình yêu thương.
Cũng vì muốn thấu hiểu và san sẻ bớt âu lo của Hạng Vũ mà Ngu Cơ đã theo học múa kiếm, bắn cung, chờ khi chồng chiến thắng trở về sẽ biểu diễn. Chính vì tấm lòng đáng quý của người vợ, Hạng Vũ như trút được mọi áp lực, phiền muộn mà một vị tướng quân phải gồng gánh trên vai.
Thời gian qua đi, Hạng Vũ vẫn phải đi chinh chiến khắp phương này đến phương khác, Ngu Cơ chỉ đành âm thầm ủng hộ và chờ đợi chàng chiến thắng trở về bình an.
Đến một ngày Hạng Vũ bị quân Hàn Tín bao vây, khó mà thoát ra, trong lòng chàng lúc bấy giờ chỉ ngập tràn nỗi lo lắng và trăn trở về số phận của vợ nếu mình không thể trở về.
Bởi chính là tri kỉ, Ngu Cơ hiểu rõ tâm tư của chồng, chính vì vậy nàng chọn cách dùng kiếm kết liễu cuộc đời mình để không trở thành gánh nặng ảnh hưởng đến quyết định của Hạng Vũ.
Cái chết của Ngu Cơ khiến Hạng Vũ khóc thương khôn nguôi, tả hữu xung quanh cũng khóc, trong lòng ai cũng ngập tràn sự đau buồn cùng tiếc nuối cho cặp vợ chồng Bá vương.
Trải qua ngàn đời sau, người Trung Quốc vẫn nhớ đến cuộc đời thăng trầm của Hạng Vũ. Tước hiệu Tây Sở Bá Vương của Hạng Vũ thậm chí còn trở thành tên gọi riêng cho ông. Nhân vật Tôn Sách ở Đông Ngô thời Tam Quốc là một nhân vật anh dũng dị thường giống như Hạng Vũ, nên được gọi là "Tiểu Bá Vương".
Trong Sử ký, sử gia Tư Mã Thiên không giấu sự thán phục đối với Hạng Vũ, đối thủ lớn nhất đời Lưu Bang – hoàng đế khai quốc nhà Hán.
Tư Mã Thiên còn làm riêng "Hạng Vũ bản kỷ", coi ông sánh ngang với các hoàng đế Trung Quốc đầu tiên như Tần Thuỷ Hoàng, Lưu Bang chứ không phải là các chư hầu như Câu Tiễn hay Trần Thắng.
"Hạng Vũ nổi lên từ thời loạn lạc, chỉ trong 3 năm đã bình định chư hầu, tiêu diệt nước Tần, phân chia thiên hạ, phong các vương hầu, ban ra chính lệnh và tự xưng là bá vương, địa vị tuy không trọn vẹn nhưng từ tận cổ đến nay, chưa hề có người nào được như thế", Tư Mã Thiên chép.
Sử gia Trung Quốc thời nhà Hán cũng chỉ ra sai lầm của Hạng Vũ. "Tự khoe khoang công trạng, chỉ dùng cái trí của mình mà không chịu bắt chước người xưa, nói rằng có thể lấy võ lực dẹp yên thiên hạ, dựng nghiệp bá vương. Nhưng chỉ được năm năm thì mất nước, thân chết ở Đông Thành, thế mà còn chẳng tỉnh ngộ, không tự trách mình, thật là có lỗi".
Trong văn học, thành ngữ "Hữu dũng vô mưu thường" được dùng để mô tả về Hạng Vũ.
Có thể nói, Hạng Vũ là một trong những nhân vật kiệt xuất trong lịch sử Trung Quốc. Nhắc đến Hạng Vũ, người ta nhớ đến một người đầy tham vọng, một vị tướng hùng dũng tả xung hữu đột trên chiến trường, nhưng lại chuyên quyền độc đoán và hết sức tàn ác. Về mặt này, Hạng Vũ có một chút gì đó giống với Tần Thủy Hoàng – hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa.
Dù cuối cùng thất bại trong cuộc chiến Hán Sở tranh hùng, Hạng Vũ vẫn được các thi sĩ đời sau nhắc tới nhiều hơn so với Lưu Bang. Thơ ca của người đời sau viết về ông không thiếu lời ca ngợi, sự khâm phục và nuối tiếc cho thất bại của một vị anh hùng cái thế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.