Vì sao "trái chủ" gói trái phiếu hơn 1 nghìn tỷ đồng muốn FLC ưu tiên trả tiền trước cho 7 người?
Vì sao "trái chủ" gói trái phiếu hơn 1 nghìn tỷ đồng muốn FLC ưu tiên trả tiền trước cho 7 người?
Đình Việt
Thứ tư, ngày 15/05/2024 14:55 PM (GMT+7)
Tập đoàn FLC phát hành lô trái phiếu hơn 1 nghìn tỷ đồng để thực hiện Dự án Khu biệt thự nghỉ dưỡng FLC Hải Ninh 2 tại Quảng Bình nhưng quá ngày đáo hạn vẫn chưa thể thanh toán gốc, lãi khiến "trái chủ" bức xúc.
Quá hạn, FLC vẫn chưa thể thanh toán hơn 1 nghìn tỷ đồng gốc, lãi trái phiếu
Theo tài liệu của PV Dân Việt, từ ngày 28/12/2021 đến ngày 25/3/2022, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) hợp tác với Ngân hàng N. (đơn vị quản lý tài sản đảm bảo), Công ty chứng khoán Everest (đại lý đăng kí và lưu kí trái phiếu) phát hành thành công lô trái phiếu mã FLCH2123003 trị giá 1.150 tỷ đồng, tương ứng khối lượng 115 nghìn trái phiếu, mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu.
FLCH2123003 có kỳ hạn 24 tháng, lãi suất cố định 12%/năm, kỳ trả lãi là 6 tháng/lần, đáo hạn vào ngày 28/12/2023. Người sở hữu trái phiếu có quyền yêu cầu tổ chức phát hành mua lại trước hạn số trái phiếu vào các thời điểm 12 tháng, 15 tháng, 18 tháng kể từ ngày mua trái phiếu.
Đây là lô trái phiếu được FLC phát hành với mục đích thực hiện Dự án Khu biệt thự nghỉ dưỡng FLC Hải Ninh 2 (Dự án FLC Hải Ninh 2) tại xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh và xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu chính là quyền và lợi ích phát sinh từ khai thác, phát triển dự án trên. Dự án được định giá hơn 1,6 nghìn tỷ.
Tuy nhiên, theo tài liệu, FLC đã mua lại trước hạn gần 153 tỷ đồng, nên giá trị đang lưu hành của lô trái phiếu là 996,3 tỷ đồng. Tính đến thời điểm đáo hạn (28/12/2023), FLC mới thanh toán được 100 triệu đồng giá trị trái phiếu gốc và hiện nay đang nợ thanh toán gốc, lãi hơn 1 nghìn tỷ đồng.
Một tuần trước khi khi lô trái phiếu FLCH2123003 đáo hạn, trước việc chưa thể thanh toán gốc lãi, FLC đã đề xuất nhiều phương án xử lý, nhưng tất cả các phương án đều không được "trái chủ" đồng ý.
Liên quan đến lô trái phiếu trên, mới đây, 58 trong tổng số hàng trăm "trái chủ" của FLC đã liên hệ với PV Dân Việt và cho biết rất bức xúc khi các bên không thực hiện đúng cam kết. Họ vô vọng khi đã nhiều lần gửi yêu cầu giải quyết tới FLC, Ngân hàng N., Công ty chứng khoán Everest nhưng mọi chuyện vẫn đâu vào đây.
Giống như lô trái phiếu của Công ty Phú Son, Công ty Cam Lâm, Công ty Phúc Hậu, cả 58 trái chủ trên đa số đều là khách hàng gửi tiết kiệm tại Ngân hàng N. Không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không hiểu biết về thị trường nhưng vì tin những lời tư vấn mập mờ của nhân viên ngân hàng mà quyết định chuyển tiền tiết kiệm sang mua trái phiếu.
"Để xảy ra sự việc như ngày hôm nay, thiết nghĩ lỗi chính thuộc về Ngân hàng N. Họ tư vấn mập mờ làm cho chúng tôi hiểu rằng, đây là trái phiếu do ngân hàng phát hành. Nếu ngay từ đầu, họ nói rõ rằng ngân hàng chỉ là đơn vị quản lý tài sản đảm bảo còn trái phiếu là do FLC phát hành thì chúng tôi sẽ không mua", một người đang sở hữu 300 trái phiếu nói.
Đồng quan điểm, bà Phùng Thị Quỳnh Hoa, trú quận 5, TP.HCM (sở hữu 1.010 trái phiếu, trị giá 10,1 tỷ đồng) cũng cho rằng, bà quyết định mua trái phiếu FLC là vì tin tưởng uy tín của Ngân hàng N.
Cả quá trình làm việc, chuyển tiền, nhận giấy tờ bà Hoa cho biết, đều làm việc qua ngân hàng, chưa bao giờ tiếp xúc với FLC và Công ty chứng khoán Everest. Vì vậy, bà này cho rằng Ngân hàng N. phải chịu trách nhiệm chính, cao nhất khi để xảy ra sự việc như ngày hôm nay chứ không phải trả lời chung chung rằng mình chỉ là đơn vị tư vấn, quản lý tài sản đảm bảo.
"Chúng tôi đều không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, vì vậy ngay từ đầu Ngân hàng N. đã tư vấn sai đối tượng. Nhưng với trách nhiệm là đại lý đăng kí và lưu kí trái phiếu, Công ty chứng khoán Everest cũng không ra soát hồ sơ, không ngăn chặn việc tư vấn, chào bán và không hủy bỏ giao dịch.
Và đặc biệt, dù chưa bao giờ gặp gỡ hay làm việc nhưng chúng tôi lại có tài khoản chứng khoán được mở ở Công ty chứng khoán Everest. Vậy ở đây có sự thông đồng với nhau hay không?", bà Hoa bức xúc.
Phương án giải quyết của FLC
Trong khi đó, bà Nguyễn Thụy Thu Sương, trú quận Tân Bình, TP.HCM (sở hữu 670 trái phiếu, trị giá 6,7 tỷ đồng) đặt câu hỏi, FLC phát hành trái phiếu với giá trị hơn 1 nghìn tỷ đồng để thực hiện Dự án FLC Hải Ninh 2, tiền trái chủ đã nộp đủ nhưng hiện tại dự án vẫn hoang tàn, chưa triển khai được nhiều hạng mục. Vậy tiền của "trái chủ" đã đi đâu và được FLC sử dụng vào việc gì?
"Trong nhóm 58 người của chúng tôi, có 7 người hoàn cảnh rất khó khăn, bị bệnh nặng, không có tiền chữa trị. Vì vậy, tốt nhất yêu cầu các bên liên quan giải quyết dứt điểm quyền lợi cho tất cả "trái chủ". Nếu không hãy ưu tiên thanh toán một phần cho 7 người trên để họ có kinh phí chữa bệnh. Chúng tôi đã quá khổ rồi", bà Sương nhấn mạnh.
Liên quan đến vụ việc này, một nguồn tin của Dân Việt cho biết, sau đợt lấy ý kiến "trái chủ" về việc kéo dài kỳ hạn của trái phiếu không thành công vào tháng 12/2023, Ban lãnh đạo Tập đoàn FLC đang tập trung tìm kiếm các phương án khác phù hợp với khả năng thực hiện và tình hình tài chính của tập đoàn để thực hiện các nghĩa vụ với các "trái chủ".
Trong đó, đang cân nhắc tới các phương án như đối trừ khoản tiền gốc trái phiếu sang bất động sản thuộc Dự án Khu biệt thự sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Hải Ninh; Đối trừ khoản tiền lãi trái phiếu sang thẻ/voucher nghỉ dưỡng tại các quần thể nghỉ dưỡng FLC...
Hiện tại, FLC đang trong quá trình lập kế hoạch chi tiết cho các phương án nêu trên nên chưa thể tổ chức hội nghị người sở hữu trái phiếu. Ngay sau khi các phương án được ban lãnh đạo phê duyệt, FLC sẽ cập nhật thông tin chi tiết từng phương án và kế hoạch tổ chức hội nghị "trái chủ".
Song song với việc triển khai các phương án nêu trên, FLC cũng có kế hoạch tái khởi động thi công xây dựng Dự án FLC Hải Ninh 2. FLC đang tìm kiếm, huy động các nguồn lực tài chính từ bên thứ ba, đồng thời đàm phán với một số nhà thầu khác có đủ năng lực để thi công và triển khai xây dựng dự án.
"FLC xin gửi lời xin lỗi vì sự chậm trễ trong công tác thanh toán tiền nợ gốc, lãi trái phiếu thời gian qua" – nguồn tin nói và cho biết, mong "trái chủ" tạo điều kiện thêm một khoảng thời gian để công ty đàm phán và huy động các nguồn lực cần thiết hoặc đối trừ tiền gốc lãi, trái phiếu.
Trước thông tin trên, trao đổi với PV Dân Việt, một số "trái chủ" cho biết, họ không đồng ý với các phương án mà FLC đang đưa ra và yêu cầu tìm phương án khác phù hợp hơn.
Tìm hiểu được biết, tháng 1/2022, FLC được UBND tỉnh Quảng Bình giao tổng cộng 124,461 m2 đất tại hai xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) và xã Hồng Thủy (huyện Lệ Thủy) để thực hiện dự án Dự án FLC Hải Ninh 2. Trong đó, xã Hải Ninh là 50,409 m2 và xã Hồng Thủy là 74,052 m2.
Dự án FLC Hải Ninh 2 nằm trong quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Quảng Bình. Đại dự án này có tổng mức đầu tư 20 nghìn tỷ đồng, thực hiện trên diện tích 1,954 ha và được khởi công từ năm 2016.
Tuy nhiên, hiện chỉ có một số biệt thự ven biển và khu vực sân golf được xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào hoạt động, còn lại hàng loạt hạng mục khác đang xây dang dở, chủ yếu là mới xong phần móng và phần thô nên nhìn rất hoang tàn.
Ngoài ra, theo số liệu từ Cục Thuế tỉnh Quảng Bình, tính đến 31/1/2024, Tập đoàn FLC vẫn nợ gần 278 tỷ đồng tiền thuế.
Đối với các lô trái phiếu liên quan đến Ngân hàng N., khi trao đổi với PV Dân Việt và trong các văn bản gửi trái chủ, nhà băng này luôn khẳng định mình chỉ là đơn vị tư vấn và quản lý tài sản đảm bảo, không phải bên bán nên không có nghĩa vụ phải trả tiền cho "trái chủ.
Trong khi đó, tài liệu còn thể hiện, khi làm việc với "trái chủ", Công ty chứng khoán Everest cũng khẳng định, họ không gặp gỡ, chào bán, tư vấn trái phiếu, việc Ngân hàng N. tư vấn, chào bán thế nào công ty không hề biết.
Báo điện tử Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc tới bạn đọc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.