Vì sao Trung Quốc bất ngờ thân thiện tại Đối thoại Shangri-La?

Chủ nhật, ngày 05/06/2016 11:57 AM (GMT+7)
Rút kinh nghiệm năm ngoái, đoàn đại biểu Trung Quốc dự Đối thoại Shangri-La năm nay bỗng nhiên nhũn nhặn và thân thiện bất thường.
Bình luận 0

img

Chuẩn Đô đốc Trung Quốc Quan Hữu Phi trả lời câu hỏi của báo chí nước ngoài. Ảnh: SCMP

Đoàn đại biểu Trung Quốc tham gia Đối thoại Shangri-La năm nay có vẻ được chuẩn bị tốt hơn, nhiều kinh nghiệm hơn năm ngoái, khi trưởng đoàn Đô đốc Tôn Kiến Quốc và các đồng nghiệp đều tỏ ra "nhũn nhặn" một cách bất thường với giới truyền thông, theo SCMP.

Chỉ hai giờ sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đăng đàn cáo buộc Trung Quốc "khiêu khích, gây bất ổn và tự cô lập", đoàn Trung Quốc đã tổ chức hai cuộc họp báo riêng rẽ với báo chí trong nước và quốc tế.

Các phóng viên rất ngạc nhiên khi cả hai cuộc họp báo đều do Chuẩn Đô đốc Quan Hữu Phi, vụ trưởng Vụ Đối ngoại Quân ủy Trung ương Trung Quốc chủ trì và đứng ra trả lời các câu hỏi thay cho người phát ngôn Bộ Quốc phòng Dương Vũ Quân.

Không giống như Dương Vũ Quân, người thường đọc nguyên văn một tuyên bố đã được chuẩn bị sẵn cho các buổi họp báo, ông Quan Hữu Phi trả lời các câu hỏi của phóng viên mà không cần văn bản chuẩn bị trước, với những lời lẽ trôi chảy và được đánh giá là sắc bén nhằm "phản pháo" những lời chỉ trích của Mỹ.

Năm ngoái, đoàn Trung Quốc tổ chức họp báo vào ngày cuối cùng của Đối thoại Shangri-La, sau khi Đô đốc Tôn phát biểu. Còn năm nay, tùy viên báo chí của đoàn Trung Quốc đã chủ động liên hệ với các phóng viên quốc tế và mời họ tham dự hai cuộc họp báo bất ngờ.

Trong hơn 10 cuộc tiếp xúc song phương với bộ trưởng quốc phòng các nước trong khu vực suốt hai ngày vừa qua, Đô đốc Tôn Kiến Quốc luôn mỉm cười và tỏ ra nhũn nhặn hơn với những người đồng cấp so với năm ngoái.

img

Đô đốc Tôn Kiến Quốc bắt tay với một đại biểu dự Đối thoại Shangri-La. Ảnh: Reuters

Khi gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Gerry Brownlee hôm thứ sáu, ông Tôn bất ngờ nói: "Tôi có thể ôm ông một cái không, ông bạn cũ?". "Xin mời nói trước, vì cấp bậc của ông cao hơn của tôi", Tôn tỏ ra nhún nhường với ông Brownlee.

Đô đốc Tôn năm nay cũng thường xuyên mời các đối tác nói trước trong các cuộc tiếp xúc song phương, như một cử chỉ bày tỏ sự tôn trọng. Ông này thậm chí còn tự trào về tuổi tác của mình trước người đối diện: "Ông vẫn trẻ như hồi chúng ta gặp năm ngoái, còn tôi thì đang già đi", Tôn nói với Tư lệnh quân đội Australia Mark Binskin.

Khi gặp Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov, ông Tôn bình luận rằng "đôi mắt sáng" của vị tướng 61 tuổi này đã gây ấn tượng mạnh với ông ngay từ lần gặp đầu tiên hồi năm ngoái.

Trong Đối thoại Shangri-La năm 2015, sau khi hứng chịu chỉ trích từ Mỹ và Nhật Bản vì những hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông, Đô đốc Tôn đã tỏ ra căng thẳng và cứng nhắc trong bài phát biểu của mình. Ông cũng bị báo chí nước ngoài chỉ trích vì không trả lời đúng trọng tâm các câu hỏi của họ trong dịp này.

Trung Quốc ngày 5.6 đã chỉ trích cách hành động của Mỹ, tuyên bố Bắc Kinh không sợ "rắc rối" liên quan đến những tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng ở Biển Đông. Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Phó tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) Đô đốc Tôn Kiến Quốc nói: "Các nước bên ngoài cần đóng vai trò xây dựng liên quan đến vấn đề này. Vấn đề Biển Đông đã trở nên quá nóng do những hành động gây hấn của một số quốc gia nhằm vụ lợi cho riêng mình". 
Trước đó một ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cảnh báo rằng hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên một hòn đảo ở Biển Đông mà Philippines tuyên bố chủ quyền sẽ dẫn đến "những hành động" của Mỹ và các nước khác.

Bộ trưởng Carter cho rằng Trung Quốc thực hiện những hành động khiêu khích này nhiều hơn bất kỳ nước nào khác cho nên Trung Quốc đã trở thành trọng tâm chú ý. (Duy Anh)

Việt Dũng (Vnexpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem