Đây là năm thứ hai liên tiếp sông Mekong chịu cảnh khô cạn.
Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, Ủy hội sông Mekong (MRC) ngày 25.8 hoan nghênh tuyên bố của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, về việc Bắc Kinh chia sẻ dữ liệu thủy văn hàng năm với các quốc gia vùng Mekong.
MRC bày tỏ sự sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để thúc đẩy sử dụng hiệu quả dữ liệu thủy văn.
Các chuyên gia Trung Quốc nói đây là phản ứng tích cực, sau khi Trung Quốc cam kết tăng cường trao đổi, xua tan hiểu lầm, trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo của 6 quốc gia tiểu vùng sông Mekong.
Ngày nay, sông Mekong là nguồn sống của khoảng 60 triệu người. Chia sẻ dữ liệu thủy văn giúp tạo niềm tin sấu sắc và mang lại lợi ích cho người dân trong khu vực.
Theo Hoàn Cầu, việc chia sẻ dữ liệu không phải là vấn đề khó khăn về mặt kỹ thuật, mà liên quan đến chủ quyền và an ninh quốc gia Trung Quốc.
Vào mùa mưa, Trung Quốc với tư cách là quốc gia vùng thượng lưu sông Mekong, đóng góp khoảng 16% lượng nước cho vùng hạ lưu. Con số này có vẻ như khá hạn chế, theo Hoàn Cầu.
Nhưng trong mùa khô, nước chảy từ cao nguyên Tây Tạng đóng góp tới 24% lượng nước trên sông Mekong, Hoàn Cầu cho biết.
Đây là một đóng góp quan trọng của Trung Quốc với các quốc gia vùng hạ lưu sông Mekong, vốn thường chịu khí hậu nhiệt đới gió mùa, hạn hán và lũ lụt theo mùa thường xuyên.
Theo Hoàn Cầu, trong cuộc họp trực tuyến ngày 14.7, hơn 10 chuyên gia quốc tế đã đồng tình rằng các hồ chứa nước Trung Quốc ở thượng nguồn giúp khắc phục đáng kể hạn hán ở vùng hạ lưu sông Mekong.
Các quốc gia vùng thượng lưu trên thực tế có thể sử dụng tài nguyên nước một cách độc lập, không cần bận tâm đến các nước vùng hạ lưu. Nhưng Trung Quốc không làm như vậy, theo Hoàn Cầu.
Trung Quốc từ lâu đã có trách nhiệm và nghĩa vụ hợp tác chia sẻ tài nguyên nước với các quốc gia vùng Mekong, phản ánh sự tương tác với các nước ở vùng hạ lưu trong những năm qua.
Trong tương lai, Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng chia sẻ dữ liệu thủy văn với các quốc gia tiểu vùng sông Mekong, Hoàn Cầu cho biết.
Về vấn đề hạn hán trong những tháng qua ở vùng hạ lưu sông Mekong, Hoàn Cầu khẳng định Trung Quốc cũng chịu nhiều sức ép.
“Mỗi khi có hạn hán ở vùng Mekong, các quốc gia vùng thượng nguồn và hạ lưu đều chịu sức ép”, theo Hoàn Cầu. “Khoảng cách và sự hiểu lầm giữa các nước là cơ sở để các quốc gia bên ngoài can thiệp, làm suy yếu hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Trung Quốc luôn nỗ lực tránh chính trị hóa vấn đề tài nguyên nước trong khu vực, theo Hoàn Cầu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.