Vì sao vợ nhắn “em yêu anh”, chồng trả lời “đồ điên”?

Công Thọ (thực hiện) Chủ nhật, ngày 28/06/2015 09:43 AM (GMT+7)
Trào lưu tin nhắn "em yêu anh" đã cho thấy một sự thật: "Những điều rất bình thường như vậy nhưng do người ta “quên” nói với nhau nên nó trở thành bất bình thường”.
Bình luận 0

Vừa qua, trào lưu nhắn tin “em yêu anh” lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội, tin nhắn điện thoại... Cụ thể, các bà vợ nhắn cho chồng “em yêu anh”, sau đó chờ đợi phản ứng từ phía “đối tác”. Kết quả được chia sẻ sau đó cho thấy, đa phần chị em nhận được từ người chồng của mình hồi âm khá hài hước như: "Đồ điên"; "Dở hơi à"; "Chưa có lương đâu"; "Yêu thì về nấu cơm, quét nhà đi"...

img
Bà Nguyễn Hồng Mai, nguyên Giảng viên bộ môn Văn hóa gia đình của trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

 

Trò chuyện với phóng viên bên lề cuộc tọa đàm “Các giá trị cốt lõi và thách thức của các loại hình gia đình đương đại Việt Nam”, nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28.6 vừa diễn ra tại Hà Nội, bà Nguyễn Hồng Mai, nguyên Giảng viên bộ môn Văn hóa gia đình của trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng: “Hóa ra điều rất bình thường như vậy nhưng do người ta “quên” nói với nhau nên nó trở thành bất bình thường”.

Vì sao những ông chồng Việt Nam lại có phản ứng như vậy trước tin nhắn “em yêu anh” của vợ, thưa bà?

- Vì quá lâu họ không nói đến. Bởi sau ngày cưới, vợ chồng đẩy tình cảm đôi lứa ra phía sau để nhường chỗ cho nỗi lo thường trực, cấp bách hơn là cơm áo, gạo tiền, con cái....

Câu chuyện của vợ chồng thường là: "Bao giờ có lương?", "Tiền học cho con bao nhiêu, nộp chưa?", "Hôm nay ăn gì?"... Từ đó người ta quên đi lời tình cảm trước kia vẫn nói.

Một khía cạnh quan trọng khác, xuất phát từ tâm lý người Việt – dù có yêu thương nhưng rất ngại biểu hiện qua bên ngoài. Thay vào đó, nhiều người cho rằng, yêu thương biểu hiện qua hành động, chứ không phải lời nói.

Ngay cả con cái với bố mẹ cũng vậy. Lời “con yêu bố" hay "con yêu mẹ” thường được nói ra một cách ngượng ngùng.

img

img

img

 

Phản ứng có phần lạnh lùng của các ông chồng trước lời yêu thương của vợ.

Là chuyên gia về văn hóa gia đình, bà nghĩ gì về tâm lý “yêu thương biểu hiện qua hành động” của đàn ông Việt?

 

- Không được chỉ có nói mà không hành động. Nhưng nếu chỉ hành động thôi mà không nói thì “đối tác” không hiểu hết được. Thực ra, con người ra cần cả 2 thứ lời nói và hành động.

Tôi hiểu rằng, không thể đòi hỏi như người phương Tây “anh yêu em”, “em yêu anh” quá nhiều. Nhưng cũng không nên quên rằng, chồng – vợ – con – bố mẹ trong gia đình mình rất cần những câu tình cảm như vậy.

Người Việt có câu "gái yêu bằng tai, trai yêu bằng mắt". Đàn ông yêu bằng cách nhìn hành động, còn phụ nữ ngoài hành động ra còn yêu bằng lời của người đàn ông nói vào tai mình.

Bà vừa nói “gái yêu bằng tai, trai yêu bằng mắt”. Điều đó cũng lý giải vì sao mà chỉ có trào lưu vợ nói “em yêu anh” mà không thấy có trào lưu ngược lại từ người chồng?

- Có nhiều người đàn ông mang tiền về cho vợ, nhưng không bao giờ thăm hỏi vợ khỏe không? Có muốn gì không...? Do vậy, người phụ nữ có cảm giác như bị bỏ rơi. Đó là lý do vì sao phụ nữ “không thỏa mãn” “không bình yên” với tình cảm gia đình như người đàn ông.

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu xã hội, Kinh tế và Môi trường (ISEE) với 1.500 người trong tháng 5 và 6.2015 cho thấy, tỷ lệ nữ có cảm nhận không thỏa mãn và không bình yên với một số khía cạnh trong đời sống gia đình như chia sẻ tình cảm, quan tâm chăm sóc... cao hơn nam giới đáng kể.

Trong khi đó, đàn ông không cầu kỳ, không quan trọng lời nói bằng hành động. Đó cũng là lý do vì sao mà trò chơi chỉ chủ yếu là vợ nói với chồng "em yêu anh”.

Nhưng cũng phải lưu ý, có trường hợp bà vợ chăm chỉ, làm nhiều món ăn ngon nhưng ăn nói gắt gỏng khó nghe thì người chồng cũng không thích. Đặc biệt, những người đàn ông trí thức, họ rất quan tâm đến ngôn từ. Vợ chồng gọi nhau “mày – tao”; “ông - bà xưng tôi” khác về cảm xúc, trạng thái với cách gọi “anh -em”.

Nhiều ý kiến cho rằng, là vợ chồng thì cần gì phải nói với nhau những lời khách sáo, hiểu nhau là được?

- Cuộc sống gia đình rất dễ cũ đi mỗi ngày. Người bạn đời chung sống ngày càng cũ đi, anh ấy hoặc cô ấy chưa cần nói mình đã biết họ sắp nói gì rồi. Do vậy, cảm giác nhàm chán rất dễ diễn ra.

Tờ giấy kết hôn là khế ước không dễ dàng xé đi, nhưng tình yêu là cảm xúc, không cố định, hôm nay yêu nhưng mai bay mất. Do vậy, cần nuôi dưỡng tình yêu bằng sự chăm chút, chia sẻ, đồng cảm với nhau. Vợ chồng hãy quan tâm đến hâm nóng tình yêu, cuộc sống trong gia đình.

Nhưng thưa bà, nhiều khi xã hội không ủng hộ các cặp vợ chồng thể hiện tình cảm với nhau. Ví dụ như, vợ chồng nói với nhau “anh yêu em", "em yêu anh”; hoặc ôm hôn nơi công cộng... có thể bị “ném đá”?

- Sau cảnh cửa là chốn riêng tư, họ làm gì, thể hiện gì cũng được, chúng ta không bàn đến. Còn ở nơi công cộng, vợ chồng trao nhau cử chỉ vừa phải như nắm tay, khoác vai nhau... có thể chấp nhận được. Các cặp vợ chồng nên nhớ mình đang sống ở đâu, nền văn hóa nào.

Tuy nhiên, nếu họ có dành cho nhau những lời tình cảm, yêu thương thì họ cũng không đáng bị ném đá, soi mói hay chửi bới. Miễn là vợ chồng không làm những gì quá lố chỗ đông người như động chạm chỗ nhạy cảm của cơ thể nhau...

Nhân ngày Gia đình Việt Nam 28.6, bà có lời nhắn gì đến các ông chồng chúng ta vừa đề cập ở phần trên - trả lời tin nhắn “em yêu anh” của vợ một cách “phũ phàng”?

- Các cặp vợ chồng đều nên thay đổi dần nhận thức rằng, trong cuộc sống hàng ngày vợ hoặc chồng của mình cần cả hành động và lời nói, chứ không chỉ “yêu là hành động” không thôi.

Quan trọng hơn, khi người vợ nói “em yêu anh”, các anh đừng ném đá người ta hay trả lời các kiểu “điên à”; “muốn mua gì”... Thay vào đó có cầu trả lời đáp lại như “anh cũng yêu em”.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem