Vì sao vua Minh Mạng thẳng thừng chê vua Càn Long làm thơ... thô kệch?
Vì sao vua Minh Mạng thẳng thừng chê vua Càn Long làm thơ... thô kệch?
Thứ tư, ngày 05/06/2024 14:33 PM (GMT+7)
Khi nhận xét thơ của vua Càn Long, vị vua Việt Nam thẳng thắn cho rằng đối phương viết khá thô kệch, thiếu tinh tế. Thay vào đó, ông lại rất thích thơ của một vị vua nhà Đường.
Vì sao vua Minh Mạng thẳng thừng chê vua Càn Long làm thơ... thô kệch?
Trong cuốn “Đại Nam thực lục” có ghi chép lại về một vị vua đặc biệt của Việt Nam, từng nhận xét về thơ văn của các vị vua ở Trung Quốc. Ông là Minh Mạng, vị minh quân nổi tiếng của nước ta.
Chuyện kể rằng vua Minh Mạng rất thích làm thơ. Trong một lần luận thơ với quần thần, vua thẳng thừng chê thơ của Càn Long: “Vua Càn Long, nhà Thanh làm thơ rất nhiều, đều là những bài đi thẳng vào tình cảnh, không dùng những lời phù phiếm, nhưng cũng vì vậy mà có câu còn thô kệch. Bản thân ta làm thơ chỉ tả tình, tả cảnh mà dùng chữ chẳng đến nỗi quê mùa như thế”.
Từ nhận định đó mà vua Minh Mạng căn dặn các đại thần, nếu thấy mình làm thơ có ngôn từ chưa nhã nhặn, hãy nhắc nhở để đời sau không dị nghị.
Chê vua Càn Long nhưng vua Minh Mạng lại rất thích thơ của vua Đường Thái Tông Lý Thế Dân. Ông cho biết, khi mình đọc thơ của các đế vương nước bạn, chỉ có thơ của Đường Thái Tông là gây được ấn tượng tốt đẹp.
“Lời lẽ ý tứ khéo léo, đẹp đẽ, cách điệu mới mẻ, lạ lùng, không phải người ta có thể theo kịp. Còn thơ của Càn Long đời nhà Thanh phần nhiều gượng ép, quê mùa thô kệch, không đáng nói đến”, vua Minh Mạng nói.
Còn ở Việt Nam, vua Minh Mạng ấn tượng nhất với vua Lê Thánh Tông. Khi còn trị vì, ông từng ra lệnh cho Bộ Lễ đi khắp nơi sưu tầm thơ vua Lê Thánh Tông để lưu truyền sau này.
Lại nói về vua Minh Mạng (25/5/1791 – 20/1/1841), ông còn được gọi là Minh Mệnh, hoàng đế thứ hai của triều Nguyễn. Vua Minh Mạng trị vì trong 21 năm, là người đổi tên nước thành Đại Nam, đặc biệt quan tâm đến duy trì nền khoa cử Nho giáo. Dưới thời của ông, đất nước có nhiều chính sách đổi mới, cũng là thời kỳ hùng mạnh cuối cùng của chế độ phong kiến trong lịch sử Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.