Người sử dụng dịch vụ xe đạp chia sẻ ở Trung Quốc có thể dễ dàng lấy xe và để xe lại ở một nơi phù hợp khi dùng xong.
Theo New York Times, Tào Đại Thủy là một trong số người dân Bắc Kinh đang sử dụng dịch vụ xe đạp dùng chung thông qua ứng dụng trên điện thoại. Mỗi ngày, cô chỉ tốn một khoản tiền nhỏ cho 800 m từ bến tàu điện ngầm đến công ty.
Khi sử dụng xong, Tào Đại Thủy dựng chiếc xe màu cam rực rỡ ở nơi phù hợp, đạp chân chống rồi khóa bánh sau. "Cuộc sống thật sự dễ dàng hơn", Tào nói. Nhờ có xe đạp chia sẻ mà Tào tiết kiệm một nửa thời gian đi lại.
Trong khi đó, Hoàng Lâm Vĩ, 29 tuổi, một nhà thiết kế vẫn thường lái xe đi làm mỗi ngày, miêu tả: "Trong những tháng qua, xe đạp như một cơn bão. Chúng không khác gì bầy quái vật xâm chiếm thành phố".
"Nhiều lúc tôi không thể tìm được nơi đỗ xe vì xe đạp đã chiếm hết chỗ rồi", Hoàng nói.
Ngày càng nhiều người dân Trung Quốc lựa chọn xe đạp vì tình trạng tắc đường hàng giờ ở các thành phố lớn như Bắc Kinh.
Những ứng dụng cho thuê xe đạp trên điện thoại di động dù mới xuất hiện, nhưng đã mang lại cho cư dân ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc lựa chọn mới trong bối cảnh xe buýt chật cứng và tình hình giao thông xấu đi.
Trước khi mở cửa nền kinh tế, Trung Quốc còn được coi là “Vương quốc xe đạp”. Kể từ những năm 1990, xe đạp ở Trung Quốc suy giảm số lượng rõ rệt. Người dân Trung Quốc ở các thành phố lớn đều mong muốn sở hữu xe hơi, vốn là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm nặng nề.
Loại hình chia sẻ xe đạp chỉ mới nở rộ cách đây khoảng 6 tháng và còn mang dấu hiệu hứa hẹn. Hiện nay, ước tính khoảng 500.000 xe đạp chia sẻ đang lăn bánh ở Bắc Kinh, và một tỷ lệ tương tự ở các thành phố lớn khác.
Mô hình chia sẻ xe đạp bùng nổ
Mô hình chia sẻ xe đạp đang nở rộ ở Trung Quốc.
Ở Paris, New York và các thành phố lớn khác trên thế giới, mô hình chia sẻ xe đạp không phải là mới. Chi phí thuê địa điểm, cách thức hoạt động phức tạp dẫn đến chi phí lên tới 5.000 USD cho mỗi chiếc xe đạp.
Năm 2016, công ty có tên Mobike ở Trung Quốc đã đưa mô hình chia sẻ lên tầm cao mới. Công ty huy động tới 300 triệu USD cho dự án tham vọng này. Những chiếc xe đạp có màu sắc, kiểu dáng khác biệt, lăn bánh trên đường phố cũng giúp làm giảm thiểu nguy cơ khiến cho người dùng “nổi hứng” trộm cắp.
Mô hình hoạt động của Mobike khá đơn giản. Ổ khóa chỉ dùng để cố định bánh sau trong khi người sử dụng dùng điện thoại xác định vị trí, lấy xe, trả xe và thanh toán tiền qua thẻ ngân hàng.
Theo nhận định của một người nước ngoài từng đến thăm Thượng Hải, những chiếc xe của Mobike có giá 200 USD (hơn 4 triệu đồng), và do đó nếu bị mất thì sẽ tổn thất lớn đối với công ty. Nhưng Mobike chưa ghi nhận một trường hợp mất cắp nào, bởi vì không một ai muốn đánh cắp chiếc xe màu cam rực rỡ như vậy cả.
Trong khi đó, người dân Trung Quốc cũng khá hào hứng với loại hình mới mẻ này. Một chiếc xe mỗi ngày trải qua 7 chuyến hành trình xa gần khác nhau, vượt qua mọi kỳ vọng ban đầu.
Ngưới dùng chỉ cần trả tiền, nhập đúng mã code ứng dụng cung cấp và làm theo hướng dẫn là có thể lấy xe đạp sử dụng.
Thành công của Mobike đã khiến cho công ty này đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh. Hai công ty nổi bật khác ở Trung Quốc phải kể đến Ofo và Bluegogo. Ofo nhận dạng thương hiệu là màu vàng, còn đương nhiên, Bluegogo là màu xanh.
Mỗi chiếc đạp Ofo đưa vào kinh doanh có giá 30 USD (gần 700.000 đồng). Người sử dụng chỉ cần đặt tiền cọc, quét mã QR để lấy code, kết hợp với code trong ứng dụng Ofo để mở khóa xe.
Chi phí rẻ đến không ngờ
Với sự trợ giúp của chính phủ Trung Quốc, mô hình chia sẻ xe đạp gần như miễn phí. Người sử dụng chỉ mất khoảng 0.15 USD/giờ thuê xe. Đa số hành trình kéo dài dưới 1 giờ nên người dùng mất rất ít tiền hoặc thậm chí không mất đồng nào, trong thời gian khuyến mãi.
Chi phí thuê xe đạp tính ra vẫn rẻ hơn đi tàu điện ngầm ở Bắc Kinh, tùy thuộc vào nơi đến. Ofo ước tính, họ chỉ cần thu về 1 USD 1 ngày cho mỗi xe đạp là có thể hoàn vốn sản xuất xe đạp trong 1 tháng.
Sự xuất hiện của những chiếc xe đạp dùng chung có thể kéo theo sự dịch chuyển về ngành nghề và lối sống của cư dân thành phố.
Từ Kiến Dân, 56 tuổi, một người lái xe điện chở khách, cho biết thu nhập của ông giảm sút kể từ khi hàng chục nghìn chiếc xe đạp xuất hiện: "Tôi biết ngành nghề của tôi chịu ảnh hưởng nặng nề. Chúng tôi không đăng ký kinh doanh với chính phủ, nên tất nhiên sẽ không ai quan tâm".
"Nhưng nếu làm một nghề khác, có lẽ tôi sẽ thích những chiếc xe đạp", ông nói.
Nhân viên Ofo đưa xe đạp chở về nơi cất giữ phù hợp.
Trong khi đó, Tào, nhân viên một công ty quảng cáo, cho biết với việc đi xe đạp, cô có thể cân nhắc lựa chọn nơi ở xa trung tâm hơn một chút, hoặc tìm những công việc ở nơi không dễ di chuyển đến.
Tuy nhiên, sự bùng nổ của xe đạp theo mô hình chia sẻ cũng dẫn đến những rắc rối về giao thông và chỗ đỗ xe.
Ofo nói công ty này đang cố gắng ngăn chặn việc mọi người để lại xe đạp bừa bãi ở nơi công cộng. Trên những con phố của quận Triều Dương, Bắc Kinh, người ta có thể thấy các nhân viên mặc áo xanh của Ofo đi thu gom xe đạp.
Trong tháng 3, chính phủ Trung Quốc đã thông báo họ sẽ ban hành quy định về việc đậu đỗ, quản lý và vận hành các dịch vụ chia sẻ xe đạp cũng như yêu cầu các công ty hợp tác.
Việt Nam hiện chưa có mô hình chia sẻ xe đạp tiện lợi như vậy, nhưng xu hướng này được dự báo sẽ còn phát triển rộng khắp trong tương lai.
Thương hiệu Bluegogo đang muốn mở rộng kinh doanh sang Mỹ, với chiến lược không cần nơi bãi đậu tốn kém với tối đa sự tiện dụng đối với người dùng. Ở những thành phố sầm uất như New York hay Washington, mô hình chia sẻ xe đạp được kỳ vọng sẽ được đón chào rộng rãi.
Hà Lan ngày nay “trên là trời, dưới là xe đạp“, nhưng trước đây từng nhiều xe hơi đến nỗi không còn chỗ di chuyển.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.