Vị sứ thần hy sinh để giữ sự hiên ngang cho nước Việt

Đình Ba Thứ sáu, ngày 13/11/2020 20:32 PM (GMT+7)
Cái chết của Thám hoa Giang Văn Minh nơi phương Bắc, dẫu thân phải lụy đấy, nhưng ông thật xứng với câu đi sứ không nhục mệnh vua. Và cái hào khí hiên ngang của nước, vẫn giữ được.
Bình luận 0

Chỉ bằng một câu đối rất chỉnh và cũng thấm đẫm niềm tự hào dân tộc, ông đã giữ vững thể diện quốc gia dân tộc trước vua ngoại bang. Dù sau đó kết quả nhãn tiền là cái chết nhưng người đời sau mãi nhớ đến kẻ sĩ hy sinh thân mình vì danh dự dân tộc trong bang giao nước Nam với phương Bắc. Dân nước Nam mãi tự hào về ông: Giang Văn Minh.

Giang Văn Minh (?-1638) tự là Quốc Hoa, thụy Văn Chung. Bản quán của ông được Tam khôi bị lục cho hay ông là “người làng Mông Phụ, huyện Phúc Thọ (xưa là Phúc Lộc), tỉnh Sơn Tây”. Đất ấy nay chính thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Dòng dõi của ông có truyền thống về võ. Đến đời cha ông là Giang Nhuận Phủ mới chuyên về văn.

Vị sứ thần hy sinh để giữ sự hiên ngang cho nước Việt - Ảnh 1.

"Giang Thám hoa công từ" thuộc thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

Công nghiệp của ông, được chép ngắn gọn trong Đại Việt lịch triều đăng khoa lục: “thi đỗ khi 56 tuổi, Hội nguyên, ứng chế hợp cách, làm đến Tự khanh, vâng mạng đi sứ, mất giữa đường, tặng Tả thị lang, Vinh quận công”. Năm ông thi đậu, cũng sách này cho biết thuộc niên hiệu Vĩnh Tộ năm thứ 10, tra trong Hoàng Việt Giáp Tý niên biểu, chính là năm Mậu Thìn (1628) đời vua Lê Thần Tông. Năm ấy, Giang Văn Minh đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh, tức Thám hoa. “Văn bia đề tên tiến sĩ khoa Mậu Thìn niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 10 (1628)” còn khắc tên tuổi, quê quán của ông: “Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ tên thứ ba có một tên là: Giang Văn Minh người xã Mông Phụ huyện Phúc Lộc”.

Với tài năng, đức độ, Thám hoa Giang Văn Minh được triều đình tín nhiệm trao cho nhiều vị trí, chức vị khác nhau để phò vua, giúp nước trong buổi “Lê tồn, Trịnh tại”. Vốn có tài ứng đối, ông được sung chức Chánh sứ (Tam khôi bị lục ghi là Phó sứ), cùng với Thiên đô ngự sử Nguyễn Duy Hiểu và bốn phó sứ là Nguyễn Quang Minh, Trần Nghi, Nguyễn Bình và Thân Khuê sang nhà Minh, khi ấy đang dưới thời trị vì của Minh Hy Tông, hoàng đế thứ 16 của triều Minh (Theo thiển ý của người viết, Giang Văn Minh phải đi sứ vào thời trị vì của vua Sùng Trinh - Minh Tư Tông (1627 - 1644) mới đúng, vì Minh Hy Tông trị vì 1620 - 1627, lúc ấy Giang Văn Minh vẫn chưa thi đỗ).

Vị sứ thần hy sinh để giữ sự hiên ngang cho nước Việt - Ảnh 2.

Tranh Bắc sứ phất phàm.

Khi đến Yên Kinh yết kiến vua nhà Minh. Lúc này, nhà Minh đang trên đà suy yếu, mạt vận, nhưng vẫn tự coi mình là trung tâm thiên hạ cai trị Man, Di xung quanh. Để tỏ uy danh đã suy giảm của thiên triều, vua Minh ra một vế đối vừa để thử tài, vừa để mỉa mai dân ta hòng làm mất mặt sứ nước Nam. Vế đối như sau:

Đồng trụ chí kim dài dĩ lục

Câu đối trên nghĩa là: Cột đồng đến nay rêu còn xanh. Ngụ ý‎ của vua Minh nhắc lại rằng nước ta từng bị nội thuộc Trung Hoa hơn một nghìn năm khi Mã Viện đàn áp khởi nghĩa Hai Bà Trưng và chôn cột đồng để phân địa giới. Thâm ý áp chế sứ nước người thể hiện rõ trong vế đối của vua Minh. Nhưng kẻ làm vua Trung Nguyên đâu ngờ rằng, sứ thần Đại Việt là kẻ văn học uẩn súc, và chí khi lại hiên ngang. Sau khi nghe vế đối cao ngạo của thiên từ nước người, Giang Văn Minh để giữ thể diện cho quốc gia, vị Chánh sứ đã khảng khái đọc vế đối lại vua quan nhà Minh sang sảng từng chữ:

Đằng giang tự cổ huyết do hồng

Vế đối ấy, nghĩa là: Sông Bạch Đằng từ xưa máu vẫn đỏ. Câu đối chan chát làm vua quan nhà Minh nghe xong thì tím tái mặt mày vì bị chửi thẳng, vì đã nhắc tới những thất bại đau đớn, nhục nhã của các triều đại Trung Hoa trên dòng sông Bạch Đằng mà họ mãi không quên. Bạch Đằng giang, dòng sông Rừng thuở nào đã ghi những chiến thắng hiển hách của quân dân nước Nam đánh ngoại xâm phương Bắc. Đó là chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền kết thúc hơn một nghìn năm Bắc thuộc, chiến thắng Bạch Đằng của Lê Hoàn và chiến thắng thủy quân Ô Mã Nhi của nhà Trần.

Vua Minh bị nhục trước quần thần triều mình và sứ nước Nam thì tức giận đùng đùng. Sách Đại Nam nhất thống chí, phần Sơn Tây tỉnh chí, mục Nhân vật cho hay “không chịu khuất phục, vua Minh giận lắm, sai đem mổ bụng, nhưng lại khen là người tiết tháo, bèn sai lấy thuỷ ngân ướp xác và cho ngậm nhân sâm, rồi trả quan tài về nước. Việc bang giao vẫn theo như cũ”.

Vị sứ thần hy sinh để giữ sự hiên ngang cho nước Việt - Ảnh 3.

Lăng mộ Thám hoa Giang Văn Minh.

Khi thi hài vị chánh sứ chết vì bảo vệ thể diện sơn hà được đưa về nước, Đại Nam dư địa chí ước biên cho hay: “Vua Lê đích thân tới viếng, than rằng:

Sứ bất nhục quân mệnh,

Khả vi thiên cổ anh hùng.

(Đi sứ không làm nhục mệnh vua,

Ông xứng là bậc anh hùng nghìn đời)

Truy tặng tước Vinh quốc công. Văn bia ghi sự kiện này vẫn còn”. Cũng trong sách ấy, Tổng tài Cao Xuân Dục của nhà Nguyễn trân trọng vinh danh ông:

Miệng đối Bạch Đằng, Giang Văn Minh anh hùng đi sứ;

Quyên sinh Thuý Ái, Hoàng Phùng Thụ oanh liệt tướng phong.

Hoàng Phùng Thụ được nói tới ở trên là người cùng với cha là Hoàng Phùng Cơ đánh quân Tây Sơn ở sông Thuý Ái mà chết trận. Còn Giang Văn Minh, dù phải lụy thân khi đi sứ, nhưng vế đối oai hùng của ông thật xứng với sự tin tưởng của vua giao cho ông đại diện quốc gia đi giao thiệp với nước người. Và dân Nam nghìn đời mãi ghi ơn ông, người giữ được thể diện nước Nam trong ngoại giao với nước người.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem