Vị vua TQ mê đắm người em gái khác mẹ và cái kết thảm khốc

Bảo Minh (tổng hợp) Chủ nhật, ngày 18/04/2021 00:35 AM (GMT+7)
Do thói hoang dâm vô đạo, loạn luân với cả em gái và bạc đãi công thần, vị vua nước Tề đã tự chuốc lấy cái kết thảm khốc khi bị quần thần giết chết.
Bình luận 0

img

Sắc đẹp của Văn Khương đã khiến Tề Tương Công điên đảo. Ảnh minh họa.

Trong lịch sử Trung Quốc, bên cạnh những hoàng đế tài năng xuất chúng như Tần Thủy Hoàng hay Hán Quang Vũ Đế Lưu Tú, Thanh Thánh Tổ Khang Hi… thì cũng có không ít vị vua kém cỏi, chỉ biết ăn chơi sa đọa. Loạt bài này sẽ giới thiệu cho quý độc giả một số vị vua đã mất mạng chỉ vì thói háo sắc.

"Lắm tài nhiều tật"

Tề Tương Công là vị vua thứ 14 của nước Tề. Trong 12 năm cai trị đất nước, ông đã chinh phạt Kỷ - quốc gia láng giềng thù địch - và can thiệp vào triều chính của các nước Lỗ, Vệ, biến các nước này dần trở thành chư hầu.

Tuy nhiên, ngay khi còn là thái tử, Tề Tương Công đã có thói hoang dâm vô đạo, loạn luân với cả em gái cùng cha khác mẹ tên là Văn Khương. Ông còn liên tục gây sự với Công Tôn Vô Tri – một người em họ được vua cha Tề Hy Công yêu mến.

Ngoài ra, Tề Tương Công cũng bạc đãi một số công thần khiến nhiều người tỏ ra bất bình. Tất cả những điều này đã dẫn đến việc ông ta bị sát hại trong một cuộc đi săn.

img

Tề Tương Công đã ham mê sắc dục từ khi còn là Thái tử. Ảnh minh họa.

Mối tình loạn luân

Theo sử sách mô tả lại, Văn Khương vốn là mỹ nữ có nhan sắc cực kỳ diễm lệ. Thậm chí, bà còn được liệt vào danh sách “Xuân Thu tứ đại mỹ nhân”, sánh ngang với Hạ Cơ, Tức Quy và Tây Thi.

Từ nhỏ, Văn Khương thường xuyên quấn quýt bên anh trai Tề Tương Công, có tướng mạo trang nhã, nhưng lại đam mê sắc dục. Theo thời gian, cả hai đều nảy sinh tình cảm rồi “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén” nên tư thông với nhau.

Tới năm 709 trước Công Nguyên, Văn Khương được vua Tề Hy Công gả cho Lỗ Hoàn Công – vua nước Lỗ. Từ đây, mối tình loạn luân mới chấm dứt, nhưng nó lại khởi đầu cho vụ án mạng mà nạn nhân cuối cùng là Tề Tương Công.

Giết vua láng giềng

Tháng 4/694 trước Công Nguyên, Lỗ Hoàn Công đưa Văn Khương về thăm nhà với mục đích giảng hòa với nước Tề. Trước đó, quan hệ 2 nước đã có xung đột do nước Lỗ trợ giúp nước Kỷ - quốc gia thù địch với nước Tề.

Sau nhiều ngày xa cách, Tề Tương Công cùng Văn Khương không thể kiềm chế cảm xúc bản thân nên nhanh chóng nối lại mối tình loạn luân. Biết chuyện, Lỗ Công Hoàn rất tức giận, trách mắng thê tử và cho rằng con trai của ông với Văn Khương - thái tử Cơ Đồng - không phải con mình, mà là huyết nhục của vua Tề.

img

Tề Tương Công sẵn sàng giết vua nước láng giềng vốn là em rể của mình để được thoải mái yêu đương với em gái. Ảnh minh họa.

Trong khi đó, về phần Tề Tương Công, do bị phát hiện mối tình loạn luân nên ông ta vô cùng tức giận, lo lắng. Tề Tương Công liền lên kế hoạch giết Lỗ Hoàn Công để bịt miệng. Ông mời vua Lỗ tới dự tiệc rồi ép rượu cho đối phương say mèm.

Khi đưa Lỗ Hoàn Công trở về, Tề Tương Công liền sai cận thần Bành Sinh bế vua Lỗ lên xe rồi lợi dụng cơ hội đó bẻ gãy xương sườn, giết chết Lỗ Hoàn Công.

Khi xe vua Lỗ về nước, mọi người thấy Lỗ Hoàn Công đã chết nên oán trách vua Tề. Sau đó, Tề Tương Công đã đổ mọi tội lỗi cho Bành Sinh rồi ra lệnh giết chết người này nhằm tạ lỗi với nước Lỗ và xóa sạch mọi dấu vết tội lỗi.

Văn Khương sau khi chồng chết cũng không trở về nước Lỗ mà ở lại nước Tề tiếp tục tư thông với Tề Tương Công. Thậm chí, Văn Khương còn bắt thái tử Cơ Đồng lấy 2 con gái của Tương Công là Ai Khương và Thúc Khương với lý do “giúp 2 nước thêm thân”.

Háo sắc, quên nghĩa mà vong mạng

Khi có Văn Khương bên cạnh, Tề Tương Công ngày ngày chìm đắm trong sắc dục. Hầu như ngày nào ông cũng quấn quýt bên người em gái cùng cha khác mẹ này mà bỏ bê các ái thiếp khác.

img

Ham sắc dục quên nghĩa đã khiến Tề Tương Công phải nhận kết cục thê thảm. Ảnh minh họa.

Điều này đã khiến Liên Thị - một người vợ lẽ của Tề Tương Công - bị thất sủng mà nổi cơn ghen. Vì vậy, bà đã chấp nhận làm nội gián cho anh trai là Liên Xưng, đóng một vai trò quan trọng trong vụ sát hại vua Tề sau này.

Trước đó, Liên Xưng vốn là tướng lĩnh có nhiều công trạng với nước Tề. Tuy nhiên, Tề Tương Công lại sai ông cùng Quản Chí Phủ đi trấn thủ đất Quỳ Khâu, hẹn tới mùa dưa sang năm thì cử người khác ra thay thế. Tới năm 686 trước Công Nguyên, Tề Tương Công vẫn không cho người ra thay hai tướng Liên, Quản. Ngay cả khi có người tình nguyện ra trấn phủ, vua Tề cũng không nghe.

Hai tướng Liên, Quản sau khi hay tin thì vô cùng tức giận và đã bàn với nhau cách giết Tề Tương Công để lập Công Tôn Vô Tri - một người em họ vốn bị Tề Tương Công trù dập - làm vua nước Tề.

Tề Tương Công ghét Công Tôn Vô Tri vì người em họ này trước đây được vua cha thương yêu, ban cho nhiều đặc quyền giống thái tử. Sau khi đăng cơ, Tương Công liền xóa sạch mọi quyền lợi mà vua cha đã ban cho Vô Tri.

Tới tháng 12/282 trước Công Nguyên, Tề Tương Công đi săn ở Bái Khâu. Liên Thị liền sai người ngầm báo cho Liên Xưng biết. Ngay sau đó, 2 tướng Liên, Quản cùng Công Tôn Vô Tri đã mang quân tới phục kích giết chết Tương Công.

Sau đó, hai tướng Liên, Quản lợi dụng mối quan hệ của mình để lập Công Tôn Vô Tri làm vua. Liên thị được gả cho Vô Tri làm hoàng hậu.

__________________________

Thời Xuân Thu ở Trung Quốc, có một vị vua say mê một "góa phụ" đẹp "nghiêng nước nghiêng thành" nhưng dâm loạn, lẳng lơ. Điều kỳ lạ là, có hai đại thần cũng quan hệ với người đàn bà này, và họ thậm chí còn cùng vua "chia sẻ" với nhau. Bài kỳ sau đăng sáng sớm 19.4.2021 trên mục Thế giới sẽ kể lại câu chuyện này.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem