Video: Cầu treo ở Philippines bị siêu bão mạnh nhất năm quật phần phật như dải lụa

Nguyễn Thái - Tổng hợp Thứ hai, ngày 02/11/2020 10:30 AM (GMT+7)
Khi siêu bão mạnh nhất thế giới càn quét Philippines hôm 1/11, cây cầu treo đã trở thành "nạn nhân" của các cơn gió giật có vận tốc gần 300 km/h. 
Bình luận 0

Video: Cầu treo bị sức gió khủng khiếp của siêu bão Goni khiến nó trông mong manh như dải lụa. Nguồn: Inquirer

Trang Inquirer của Philippines đăng tải video quay cảnh một cây cầu treo ở thị trấn Camaligan, tỉnh Camarines Sur - khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi siêu bão Goni (tên địa phương là Rolly), cơn bão mạnh nhất thế giới tính tới thời điểm này của năm 2020 - bị gió giật quăng quật lên xuống như một dải lụa vào sáng ngày 1/11. 

May mắn, trước khi siêu bão Goni đổ bộ, người dân đã được sơ tán tới nơi trú ẩn an toàn và không có ai di chuyển trên cầu treo thời điểm video được quay. 

img

Hệ thống cột điện, đường dây điện ở tỉnh Albay bị phá hủy sau khi siêu bão Goni đổ bộ vào Philippines hôm 1/11. Ảnh: MANILA BULLETIN

Theo AP, siêu bão Goni đổ bộ vào tỉnh Catanduanes, miền đông Philippines vào rạng sáng 1/11 với sức gió duy trì khoảng 225 km/h và gió giật lên tới 280 km/h, đe dọa nhiều tỉnh thành của Philippines đang khắc phục hậu quả do cơn bão Molave (bão số 9) gây ra một tuần trước đó. 

Cơ quan thời tiết Philippines cho biết, siêu bão Goni đã quét qua các khu vực đông dân cư và có nguy cơ tấn công thủ đô Manila, nhưng sau đó cơn bão mạnh nhất năm 2020 chuyển hướng về phía nam và Manila "thoát nạn". 

Ít nhất 10 người đã thiệt mạng khi siêu bão Goni đổ bộ vào Philippines. Hầu hết họ ở tỉnh Albay, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề do siêu bão. Trong số các nạn nhân thiệt mạng có 2 cha con, những người ở lại thị trấn Guinobatan mà không đi sơ tán. Dòng bùn núi lửa đã tràn ra thị trấn và chôn vùi khoảng 150 ngôi nhà.

img

Nhiều ngôi nhà bị dòng bùn núi lửa chôn vùi. Ảnh: Reuters

"Đứa trẻ được tìm thấy ở cách thị trấn khoảng 15 km", Al Francis Bichara, thống đốc tỉnh Albay, chia sẻ trên DZMM và nói thêm rằng cậu bé bị cuốn trôi. 

Người dân Philippines được cảnh báo về khả năng xảy ra sạt lở đất, lũ lụt nghiêm trọng, nước dâng cao tới 5 mét và gió mạnh có thể thổi bay nhiều nhà tạm. 

img

Ảnh: Getty Images

img

Người dân Philippines được đưa đi sơ tán khẩn cấp trước khi siêu bão Goni đổ bộ. Ảnh: Getty Images

Sau khi đổ bộ vào địa hình vùng núi và các tỉnh ven biển, siêu bão Goni dần suy yếu nhưng vẫn đủ khả năng gây thiệt hại lớn về người và của khi đổ bộ vào Biển Đông, theo các chuyên gia dự báo thời tiết.

Siêu bão Goni được nhận định là có sức tàn phá mạnh hơn bão số 9 Molave và dự kiến đổ bộ vào khu vực miền Trung của Việt Nam trong tuần này, theo Straits Times. 

Sáng 2/11, Báo Người Lao Động dẫn tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, bão Goni sau khi quét qua đảo Luzon, Philippines, đã vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 10.

img

Dự báo vị trí và hướng di chuyển của bão số 10 - Goni. Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia/ NLĐ

Hồi 4 giờ ngày 2/11, vị trí tâm bão số 10 ở khoảng 14,3 độ Vĩ Bắc; 119,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 820 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75 - 90 km/h), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 180 km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 10 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15 - 20 km.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem