Theo Defence-blog, Nga được cho là đã bắt đầu huy động quân đội can thiệp vào tình hình Belarus.
Hôm 16.8, hãng thông tấn Nga TASS dẫn nguồn tin từ Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã sẵn sàng hỗ trợ quân sự Belarus, sau cuộc điện đàm với người đồng cấp Alexander Lukashenko.
“Nga sẵn sàng thực hiện hiệp ước quốc phòng tập thể nếu cần thiết để trợ giúp Belarus giải quyết các vấn đề nảy sinh từ cuộc bầu cử tổng thống ở nước này cách đây một tuần”, ông Putin nói, theo nguồn tin từ Điện Kremlin.
Đoàn xe quân sự từ Nga hướng về lãnh thổ Belarus giống với xe của Vệ binh Quốc gia Nga.
"Tôi và Tổng thống Putin đã thống nhất rằng chúng ta sẽ nhận được hỗ trợ toàn diện trong việc đảm bảo an ninh của Belarus bất cứ khi nào chúng ta yêu cầu", ông Lukashenko xác nhận nội dung cuộc điện đàm.
Trong diễn biến mới nhất, các nhân chứng đã nhìn thấy đoàn xe quân sự khởi hành từ Moscow và St. Petersburg, thẳng hướng đến Belarus.
Đoàn xe quân sự này bao gồm các phương tiện di chuyển giống với phương tiện của Vệ binh Quốc gia Nga. Các nhân chứng đếm được 30 chiếc xe quân sự khởi hành từ St. Petersburg, với khoảng 600 quân nhân. Đoàn xe khởi hành từ Moscow dường như cũng có số lượng đương tương, theo Defence-blog.
“Ngày thứ 9 trong cuộc biểu tình ở Belarus, ông Putin đã quyết định can thiệp vào quốc gia láng giềng”, phóng viên Julian Röpcke của nhật báo Bild, Đức, viết trên mạng xã hội Twitter.
Trong khi đó, tờ The Hill của Mỹ đăng bài xã luận với dòng tiêu đề: “Belarus là con dao Nga có thể kề vào cổ NATO’.
Tổng thống Belarus Lukashenko (trái) gần đây đã có cuộc điện đàm quan trọng với ông Putin.
Bài xã luận nhắc đến khả năng Bộ Quốc phòng Nga công khai đưa quân đội chính quy tới Belarus để ổn định trật tự. Các đơn vị bí mật cũng có thể được Nga bố trí ở Belarus, giống như những gì đã xảy ra ở bán đảo Crimea năm 2014.
Belarus là một trong những quốc gia thân cận nhất với Nga kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Nhà lãnh đạo lâu năm của Belarus, Lukashenko một mặt kết thân với ông Putin, mặt khác duy trì quan điểm cho rằng Nga không nên đặt căn cứ quân sự ở Belarus.
Đã từng có thời điểm ông Lukashenko cho rằng chính ông Putin đứng sau tình trạng bất ổn tại Belarus. Nhưng tình hình ở Belarus đang tồi tệ đến mức ông Lukashenko phải nhờ cậy đến Nga, theo tờ The Hill.
Hành lang Suwalki mang ý nghĩa chiến lược với cả NATO và Nga.
Đối với Nga, Belarus là quốc gia láng giềng có vị trí chiến lược quan trọng. Belarus là quốc gia nằm gần nhất với Kaliningrad - vùng lãnh thổ hải ngoại của Nga. Belarus và Kaliningrad nằm ở hai đầu của Hành lang Suwalki, nơi được coi là yết hầu quan trọng của NATO.
Để đưa binh sĩ và khí tài quân sự tới các nước thành viên vùng Baltic, bao gồm Litva, Latvia và Estonia, NATO phải đi qua Hành lang Suwalki.
Nhưng nếu Nga đưa quân đội tới Belarus, Moscow có thể dễ dàng bóp nghẹt yết hầu này từ cả hai hướng, từ đó chia cắt ba nước vùng Baltic với các thành viên còn lại của NATO.
Theo báo Mỹ, ông Putin có thể không cần đưa lực lượng quân sự đến Belarus. Nhưng nếu điều đó xảy ra, NATO sẽ không có cách nào ngăn chặn được.
Đó là kịch bản đáng lo ngại mà các nhà lãnh đạo NATO nên có sự chuẩn bị trước, The Hill kết luận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.