Hành động không thể chấp nhận
Ngày 4.1, Chính phủ Nhật Bản đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước việc Trung Quốc cho một máy bay hạ cánh xuống đường băng mà Bắc Kinh mới xây dựng ở đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông.
Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy các hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh: CSIS
Hãng tin Kyodo dẫn lời Ngoại trưởng Fumio Kishida tại cuộc họp báo cho biết: “Nhật Bản vô cùng quan ngại về hành động của Trung Quốc, đây là hành động đơn phương thay đổi hiện trạng tại khu vực”. Ngoại trưởng Fumio nhấn mạnh, động thái nói trên của Bắc Kinh là âm mưu nhằm biến hoạt động cải tạo đất nhanh chóng và quy mô lớn tại những vùng biển tranh chấp thành “sự đã rồi”.
Ông Fumio nhấn mạnh rằng Nhật Bản “không thể chấp nhận hành động sai trái của Bắc Kinh vốn đang làm leo thang căng thẳng trong khu vực và là mối quan ngại chung của cộng đồng quốc tế. Nhật Bản sẽ tiếp tục phối hợp với các quốc gia hữu quan khác nhằm bảo vệ quyền tự do đi lại trên những vùng biển này”.
Cùng ngày 4.1, Philippines tuyên bố nước này phản đối việc Trung Quốc tiến hành hoạt động bay thử nghiệm trên đường băng mà Bắc Kinh mới xây dựng ở đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose nhấn mạnh, hoạt động bay thử nghiệm ở đá Chữ Thập “càng làm leo thang căng thẳng và bất ổn ở khu vực này”. Ông Jose cho hay Chính phủ nước này đang xem xét phản đối hành động nói trên của Trung Quốc.
Vi phạm chủ quyền Việt Nam
Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 2.1 thông báo nước này đã tiến hành chuyến bay thử nghiệm cho một máy bay dân sự tới sân bay trên đá Chữ Thập. Về việc làm sai trái này, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã phát biểu phản đối, nêu rõ: Hành động nêu trên của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa... Việt Nam kiên quyết phản đối hành động nêu trên của Trung Quốc; yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không tái diễn các hành động tương tự và có hành động thiết thực, cụ thể góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông”.
Cùng ngày, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối hành động này của phía Trung Quốc.
Ngày 3.1. Hãng tin AFP dẫn lời một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ bày tỏ lo ngại rằng các chuyến bay thử nghiệm mà Trung Quốc tiến hành trái phép đã làm leo thang căng thẳng trong khu vực. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Pooja Jhunjhunwala cũng cho rằng hành động của Trung Quốc “đã làm gia tăng căng thẳng” trong khu vực, đồng thời kêu gọi tất cả các bên tích cực giảm căng thẳng bằng việc ngừng các hành động đơn phương làm tổn hại sự ổn định và an ninh trong khu vực, có các bước đi nhằm tạo điều kiện đạt được các giải pháp ngoại giao hữu ích”.
Mỹ cũng chỉ trích hoạt động xây dựng trái phép các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã tiến hành tại Biển Đông, cho rằng Bắc Kinh đang có kế hoạch sử dụng các đảo này vào mục đích quân sự.
Hồi đầu năm 2015, Tạp chí IHS Jane’s chuyên phân tích và tư vấn công nghiệp quốc phòng, công bố số liệu cho thấy Trung Quốc đã xây dựng một đường băng quân sự dài 3.000m trên đá Chữ Thập.
Phản đối hành động vô nhân đạo của Trung Quốc
Ngày 4.1, Hội Nghề cá Việt Nam đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ NNPTNT, Bộ Ngoại giao, Ban đối ngoại Trung ương… về việc phản đối tàu cá vỏ thép của Trung Quốc đâm húc chìm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi ngày 1.1, cách đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) khoảng 70 hải lý.
Hội Nghề cá Việt Nam cực lực phản đối hành động vô nhân đạo này của phía Trung Quốc. Hội đề nghị các cơ quan chức năng cần lên tiếng phản đối, ngăn chặn ngay những hành động tương tự của phía Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam.
Phi Long
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.