Việt kiều Mỹ: Chính sách của nhà nước khiến tôi có thể về sống an nhiên trên quê hương mình
Việt kiều Mỹ: Chính sách của nhà nước khiến tôi có thể về sống an nhiên trên quê hương mình
Etcetera Trường Nguyễn
Thứ năm, ngày 02/05/2024 16:39 PM (GMT+7)
Lời Tòa soạn: Etcetera Trường Nguyễn, một nhà báo Việt kiều, đã trở về Việt Nam sinh sống phần lớn thời gian trong 10 năm trở lại đây, và có nhiều chuyến đi đến mọi miền đất nước. Trong bài viết dưới đây, anh chia sẻ với Dân Việt cảm nghĩ về những thay đổi của đất nước và về ngày 30/4.
Với tôi dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước lần thứ 49 năm nay có rất nhiều thay đổi, nhiều ấn tượng mới. Sau một thời gian về Việt Nam sống và làm việc, tôi ghi nhận được nhiều điều, thì ngày 30/4 không giống như trước đây nữa. Tôi quan sát những thay đổi ở Việt Nam, từ văn hóa, kinh tế, xã hội, đời sống chính trị… đó là những thay đổi tích cực, cho thấy một Việt Nam hoàn toàn không giống như điều tôi đã nghe, đã nhìn từ mấy chục năm tôi sống ở Mỹ trước đó.
Tháng 9/2023 tôi về Mỹ thăm gia đình, thăm cộng đồng và trò chuyện với nhiều người dân, đồng nghiệp. Có những người tôi thấy suy nghĩ của họ không khác gì xưa, họ dè dặt, thiếu thiện chí, nhìn tiêu cực về Việt Nam. Có lẽ họ thiếu thông tin, có những người mấy chục năm chưa về Việt Nam, có người về ngắn ngủi kiểu "cưỡi ngựa xem hoa", trải nghiệm sống không đầy đủ, nên cái nhìn của họ vẫn không thay đổi.
Nhưng với tôi hay nhiều người khác, khi thoát khỏi sự tù túng đó, đi về Việt Nam nhiều, thời gian sống ở đây dày dặn hơn, thì Việt Nam là bức tranh đa dạng, nhiều màu sắc. Tôi được có nhiều trải nghiệm và chứng thực được nhiều điều mà khi còn bên kia không thể nghĩ ra được. Thời khắc buồn thảm đã qua, người ta hướng đến hiện tại và tương lai nhiều hơn.
Về phía kiều bào, có rất nhiều người về thăm thân, tìm kiếm cơ hội, về nghỉ hưu, làm ăn. Với nhiều người, ngày 30/4 không còn buồn bã, là "30/4 đen" như cộng đồng nước ngoài từng nói.
Khi tôi hỏi về ngày 30/4 có ý nghĩa thế nào, người trẻ bên Mỹ họ bận tâm về du lịch, học hành, mua nhà, tình yêu, họ không đề cập đến chiến tranh nữa. Còn ở Việt Nam, người trẻ cũng đơn giản nói đó là ngày thống nhất đất nước, ngày quê hương đất nước không còn chiến tranh. Họ chú trọng nhiều hơn đến những thay đổi, họ nói về tương lai, về việc làm chủ đất nước, về cơ hội làm ăn sinh sống.
Giáo dục lịch sử là rất cần thiết. Tất nhiên với một số gia đình ở hải ngoại, ngày 30/4 vẫn là vết thương, là di sản chiến tranh. Họ không thoát được khỏi di sản nặng nề đó. Đã có hàng triệu người rời khỏi Việt Nam từ những năm 1975 đến 1980, thậm chí đến những năm 1990 vẫn còn, rồi gia đình ly tán, mất mát trên biển. Điều đáng tiếc là với cộng đồng người Việt ở nước ngoài việc giáo dục lịch sử vẫn còn theo hướng hận thù chia cắt, phân biệt. Theo tôi điều đó là rất không nên, song phần lớn những người tham gia chính trị ở bên Mỹ không thay đổi quan điểm, đó là một rào cản lớn. Thế hệ thứ hai, thứ ba cảm xúc của họ nhẹ nhàng hơn, họ không muốn bị áp đặt điều đó trên đôi vai, trong tâm hồn họ.
Khi bang giao Việt - Mỹ thắt chặt câu chuyện di sản đó được xóa nhòa, vết thương khép lại. Động cơ chính trị của một số người hải ngoại khiến nhiều người vẫn nhìn một ách u ám, nhưng không còn tác động như trước nữa.
Vị thế Việt Nam trên bàn cờ quốc tế đã khác. Vị thế đó là nỗ lực của Việt Nam, nhờ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, khiến các cường quốc nhìn Việt Nam với con mắt khác. Việt Nam có ưu thế về dân số, thị trường, cách hành xử bang giao rất khéo léo tạo thế cân bằng trong quan hệ quốc tế… Tất cả những điều đó khiến chúng ta đang thời điểm vàng để đưa đất nước tiến lên. Nội tại đất nước đang có nhiều thay đổi, luật lệ được cải tiến để thích ứng với các sân chơi quốc tế, công cuộc chống tham nhũng diễn ra ráo riết cũng được quốc tế quan tâm và là điều cần thiết để phát triển.
Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh triền miên, nhưng từ sau khi thống nhất đất nước 30/4/1975, chúng ta đã học được những bài học căn bản nhất để phát triển và hội nhập. Những những luồng gió mới về kinh tế cộng với tài nguyên của chúng ta đã tạo nên tăng trưởng mạnh mẽ, khiến những những vùng đất hoang trở thành tài sản. Tất nhiên trong quá trình đó vẫn có hệ lụy, nhưng sự phát triển đó giống như ta bật cái đèn sáng trưng, vùng tối trở thành vùng sáng và có nhiều chuyển biến tích cực, và người dân nhận thức được vùng sáng ở đâu. Giờ đây người dân cũng được bàn thảo bài toán kinh tế, chính trị, đảm bảo quyền con người, có cuộc sống tương xứng với phương châm độc lập, tự do, hạnh phúc mà đất nước luôn hướng tới.
Năm 2024 này là 20 năm ra đời nghị quyết 36 của Bộ chính trị về công tác người Việt ở nước ngoài. Đó là chìa khóa mở cánh cửa cho kiều bào có quyền tham gia xây dựng đất nước với tinh thần cởi mở, để kiều bào có thể trở về và đất nước sẵn sàng chào đón.
Để tiến trình đó ngày càng tốt hơn, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã làm được nhiều việc, như các sự kiện về văn hóa, những thảo luận về chính sách, những chuyến đi Trường Sa… để bà con từ hải ngoại về có thể trực tiếp tiếp cận những vấn đề như biển đảo, đóng góp xây dựng chính sách. Có thể lấy ví dụ những chủ trương mới về nhà đất cho kiều bào, việc đơn giản hóa giấy tờ nhà đất 5 năm qua đã tiến triển nhanh, khiến kiều bào ngày càng có sự tin tưởng.
Vẫn còn những bất cập vì luật lệ liên quan đến người Việt ở nước ngoài khá phức tạp, nhưng người Việt ở nước ngoài ngày càng tin tưởng về chính sách, nhận thấy sự rõ ràng minh bạch về thủ tục giấy tờ để tạo điều kiện cho họ trở về thuận tiện hơn, tốt hơn. Chính vì thế những người như tôi có thể về đây không còn phải lo lắng bất an, được sống an nhiên ngay trên chính quê hương đất nước mình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.