Việt Nam có cần thay đổi chính sách chống dịch Covid-19 khi Trung Quốc mở cửa và bỏ cách ly?

Gia Khiêm Thứ sáu, ngày 30/12/2022 14:39 PM (GMT+7)
Trước thông tin Trung Quốc sẽ mở cửa biên giới và bỏ cách ly sau khi hạ cấp độ phòng chống Covid-19 vào ngày 8/1/2023, các chuyên gia y tế đã lên tiếng.
Bình luận 0

 Việt Nam khó bùng dịch Covid-19 khi Trung Quốc mở cửa 

Mới đây, Ủy ban Y tế và Sức khỏe quốc gia Trung Quốc tuyên bố hủy bỏ các biện pháp hạn chế đối với người nhập cảnh vào nước này, đánh dấu việc Trung Quốc chính thức mở cửa trở lại với thế giới sau gần 3 năm áp dụng chính sách nghiêm ngặt để phòng, ngừa dịch bệnh Covid-19. Quyết định này là bước đi cuối cùng của Bắc Kinh trong việc hủy bỏ chính sách phòng dịch "Zero Covid".

Việt Nam có cần thay đổi chính sách chống dịch Covid-19 khi Trung Quốc mở cửa và bỏ cách ly? - Ảnh 1.

Hành khách làm thủ tục tại sân bay quốc tế ở Bắc Kinh. Ảnh: CGTN

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc hôm 25/12 cho biết cơ quan này sẽ dừng việc công bố số ca mắc Covid-19 hàng ngày và chuyển giao vai trò này cho cơ quan kiểm soát bệnh tật Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc sẽ công bố các dữ liệu này mỗi tháng một lần sau khi căn bệnh này được hạ cấp quản lý. Động thái này thể hiện mục đích của nước này muốn quản lý dịch Covid-19 như một căn bệnh thông thường.

Trước sự việc này, các chuyên gia y tế đánh giá Trung Quốc mở cửa biên giới có thể nhiều ca nhiễm nhập cảnh vào nước ta, song Việt Nam khó bùng dịch trở lại do tỷ lệ tiêm vaccine cao, nhiều người từng nhiễm, nên đã có miễn dịch.

Việt Nam có cần thay đổi chính sách chống dịch Covid-19 khi Trung Quốc mở cửa và bỏ cách ly? - Ảnh 2.

PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, Việt Nam chưa phải thay đổi chính sách chống dịch khi Trung Quốc mở cửa biên giới và bỏ cách ly kiểm dịch. Ảnh: NVCC

Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Trần Đắc Phu (cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam) cho rằng, Việt Nam chưa phải thay đổi chính sách chống dịch khi Trung Quốc mở cửa biên giới và bỏ cách ly kiểm dịch kể từ ngày 8/1/2023. 

Tuy nhiên chuyên gia này nhận định, khi Trung Quốc mở cửa, ca mắc Covid-19 sẽ tăng và Việt Nam vẫn lưu ý phòng bệnh do tình hình dịch tại các nước còn căng thẳng và nhiều biến chủng phức tạp.

"hôm 28/12, Bộ Y tế Nhật Bản cho biết, nước này ghi nhận 415 trường hợp tử vong vì Covid-19 trong ngày, mức cao nhất tại quốc gia này từ trước đến nay. Chính vì thế, chúng ta phải tiếp tục phòng bệnh linh hoạt.

Cụ thể, thứ nhất tiêm vacine. Thứ 2, Việt Nam cần tiếp tục giám sát tình hình để đánh giá nguy cơ, đặc biệt là giám sát các biến chủng nCoV mới bằng cách phối hợp Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các nước trong khu vực, để kịp thời ứng phó. Thực hiện nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó, chuyển từ "cấm đoán sang kiểm soát rủi ro" để làm sao vừa kiểm soát được dịch bệnh mà vẫn làm ăn kinh tế được, không ảnh hưởng tới an sinh xã hội", ông Phu nêu rõ.

Theo ông Phu, việc thứ 3 cần làm đó là người dân phải chú ý các vấn đề dự phòng. Đó là đeo khẩu trang ở nơi nguy cơ cao, phải rửa tay, khử khuẩn thường xuyên...

"Chúng ta không tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ. Những người có triệu chứng nghi ngờ cũng cần chủ động phòng bệnh cho người khác", ông Phu nói và lưu ý, phải bảo vệ nhóm nguy cơ như người già, người bệnh nền… 

Việt Nam có cần thay đổi chính sách chống dịch Covid-19 khi Trung Quốc mở cửa và bỏ cách ly? - Ảnh 3.

Nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị cho bệnh nhân Covid-19 hồi tháng 2/2022. Ảnh: Gia Khiêm

"Chúng ta không được buông trôi thả lỏng, mở cửa đồng bộ nhưng cũng phải dự phòng đồng bộ", PGS.TS Phu khẳng định.

Giám sát các biến chủng nCoV mới

Đồng quan điểm trên, PGS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), dự đoán trên 90% người dân cả nước đã có miễn dịch do tiêm vaccine hoặc từng mắc Covid-19. Việt Nam cũng bãi bỏ việc xét nghiệm ở cửa khẩu từ lâu và hiện kiểm soát dịch vẫn tốt.

Dù vậy, chuyên gia này cũng nhìn nhận Việt Nam cần tiếp tục giám sát tình hình để đánh giá nguy cơ, đặc biệt là giám sát các biến chủng nCoV mới bằng cách phối hợp Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các nước trong khu vực như Trung Quốc, để kịp thời ứng phó. WHO mới đây cảnh báo hơn 500 biến chủng phụ Omicron, lây truyền cao, tránh được hệ miễn dịch. Vì vậy, tiêm vaccine vẫn là biện pháp quan trọng.

"Việt Nam sắp đón Tết Nguyên đán, nhu cầu di chuyển nhiều nên cần cảnh giác. Nên có ý thức bảo vệ sức khỏe như đeo khẩu trang khi ra ngoài, không chỉ phòng Covid-19 mà còn ngừa nhiều bệnh hô hấp khác khi mùa đông đến. Đặc biệt, người già, người miễn dịch yếu, bệnh nền cần hạn chế đi lại", ông Nga chia sẻ thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem