Đền bù đất nông nghiệp phải bằng giá thị trường
Được biết, vừa qua ông và đoàn công tác của T.Ư Hội NDVN đã có chuyến thăm, làm việc, nghiên cứu chính sách tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Kết quả chuyến đi này như thế nào, thưa ông?
- Tôi dẫn đoàn đi nghiên cứu tại Nhật Bản và Hàn Quốc, thăm các mô hình sản xuất nông nghiệp, các trung tâm nghiên cứu cũng như các cơ quan Chính phủ, các đơn vị liên quan đến chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của 2 nước. Ngoài tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp điển hình, chúng tôi tập trung nghiên cứu 5 nội dung chính, gồm: Chính sách đất đai; chính sách phát triển nông nghiệp; chính sách tín dụng; chính sách về khoa học công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp và chính sách đối với người nông dân.
Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn và đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm sau giờ làm việc với ôngTsutomu TAKEBE - Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật – Việt, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Đông Á NhậtBản (TOA) tại trụ sở của TOA. Ảnh Xuân Định.
Ở Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có một số khu vực đất sản xuất nông nghiệp manh mún, tuy nhiên họ không quan tâm đến diện tích lớn, mà quan tâm đến chất lượng sản phẩm. Tôi có đi thăm mô hình nông dân có 2.500m2 trồng cà chua, mỗi năm tính ra thu 7 tỷ đồng tiền Việt Nam. Rõ ràng, họ đâu quan trọng nhiều diện tích, họ coi trọng vấn đề công nghệ cao, chất lượng sản phẩm…”.
Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN
|
Ngoài ra, T.Ư Hội NDVN cũng đã thống nhất ký thỏa thuận đưa nông dân sang nghiên cứu, học tập về sản xuất nông nghiệp tại Nhật Bản. Chúng tôi đã thảo luận và thống nhất sơ bộ với phía Nhật Bản để đến ngày 15.5 sẽ ký hợp tác triển khai việc cung ứng phân bón hữu cơ của Nhật Bản sản xuất bằng công nghệ cao nhằm giúp nông dân Việt Nam phát triển sản xuất nông nghiệp. Theo đó, Hội NDVN và các đối tác Nhật Bản thỏa thuận để phía Nhật Bản hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp có sử dụng phân bón hữu cơ chất lượng cao tại Việt Nam.
Qua chuyến thăm, làm việc và nghiên cứu tại 2 nước Nhật Bản, Hàn Quốc, ông đánh giá như thế nào về chính sách đất đai cũng như việc đầu tư phát triển nông nghiệp của 2 quốc gia tiên tiến này?
- Tại Nhật Bản và Hàn Quốc, đất đai là sở hữu của người nông dân. Chính phủ 2 nước này rất quan tâm đến chính sách đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp. Họ hạn chế đến mức thấp nhất việc lấy đất nông nghiệp để chuyển sang sử dụng mục đích khác. Chính vì vậy, đến nay ở Nhật Bản số nông dân làm nông nghiệp khoảng 2 triệu người nhưng có tới 4 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp, bình quân 2 ha/người. Còn ở Hàn Quốc có hơn 1 triệu nông dân, và có khoảng 1,6 triệu ha đất cho sản xuất nông nghiệp, tương đương 1,6ha/người.
Về chính sách đền bù đất đai, Chính phủ Nhật Bản đền bù theo giá thị trường, nếu nhà nước lấy đất làm các công trình quân sự, sân bay, bến cảng, giao thông phải thỏa thuận với nông dân và mức giá đền bù phải bằng, thậm chí cao hơn giá thị trường. Còn ở Hàn Quốc cũng đền bù đất đai thu hồi của nông dân theo giá thị trường. Nếu nông dân không chấp nhập giá đó, cơ quan bảo vệ nông dân với cơ quan định giá của Chính phủ sẽ vào cuộc giải quyết để đi đến thống nhất. Nguyên tắc đặt ra là, dù giá nào thì mức đền bù thấp nhất vẫn phải bằng giá thị trường, nếu không phải cao hơn giá thị trường.
Nhật Bản và Hàn Quốc đều ưu tiên đầu tư cho phát triển nông nghiệp. Mặc dù GDP trong nông nghiệp chỉ chiếm 1% toàn bộ nền kinh tế, nhưng Nhật Bản vẫn đầu tư 10% ngân sách cho nông nghiệp. Ở Hàn Quốc, GDP trong nông nghiệp chỉ chiếm 2%, nhưng được đầu tư trở lại tới 6%. Họ quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp rất bài bản, hệ thống đường, điện, nước chạy thẳng ra tận đồng ruộng. Họ quy hoạch rất rõ ràng khu này trồng cây gì, nuôi con gì và phải trở thành hàng hóa, gắn với cơ sở chế biến, kho bảo quản nông sản, gắn với định hướng tiêu thụ.
Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn (phải) cùng các thành viên trong đoàn thăm trang trại thông minh tại tỉnh Chungnam (Hàn Quốc). Ảnh: Xuân Định
Cả 2 nước Nhật Bản và Hàn Quốc đều khuyến khích trồng các cây hiệu quả và giảm đất lúa, Nhật Bản chỉ có 2,51 triệu ha trồng lúa, thế mà vẫn đảm bảo lương thực cho trên 120 triệu người dân và vẫn thừa để xuất khẩu. Hàn Quốc chỉ có hơn 900.000ha trồng lúa nhưng vẫn đảm bảo an ninh lương thực cho khoảng 52 triệu người và vẫn có xuất khẩu. Và khi sản xuất đủ lương thực, họ khuyến khích nông dân giảm diện tích trồng lúa để chuyển sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Nếu nông dân không trồng lúa, nhà nước hỗ trợ nông dân tiền để chuyển đổi cây trồng. Trong chính sách phát triển nông nghiệp, nhà nước hỗ trợ nông dân đầu tư xây dựng kho bảo quản nông sản. Ở Hàn Quốc, nhà nước hỗ trợ nông dân tiền để xây dựng kho bảo quản nông sản, nhà nào cũng có kho bảo quản.
Hàn Quốc có 34 chợ đấu giá nông sản, tất cả các sản phẩm của nông dân mang đến chợ đó để đấu giá, chợ này do nhà nước đầu tư xây dựng. Khi thống nhất giá rồi, giá đó được áp dụng cho toàn quốc. Tất cả các sản phẩm đưa đến chợ đấu giá được kiểm nghiệm chất lượng trong 2 giờ đồng hồ, sau đó nếu đảm bảo chất lượng mới được đưa vào đấu giá. Nếu không đảm bảo chất lượng, Ban quản lý chợ sẽ thông báo đến nơi sản xuất và cấm bán trong vòng 2 tháng. Nếu mức độ nặng có thể cấm bán kéo dài 3-4 tháng hoặc hơn. Với chợ đầu mối, tình trạng được mùa mất giá sẽ không xảy ra; khuyến khích nông dân sản xuất vì nông dân có thu nhập ổn định, đồng thời cũng khuyến khích sức mua cho người tiêu dùng, vì giá cả rất cạnh tranh.
Khuyến khích làm nông nghiệp công nghệ cao
Chủ tịch Lại Xuân Môn cùng các thành viên trong đoàn thăm quan, chụp ảnh lưu niệm trong khuôn viên Nhà máy sản xuất màng bảo quản P-PlusSumitomo Beklite (Nhật Bản). Ảnh: Xuân Định.
Ông có thể chia sẻ về chính sách tín dụng đối với sản xuất nông nghiệp ở Nhật Bản và Hàn Quốc?
- Riêng đối với sản xuất nông nghiệp, chính sách tín dụng của 2 nước này rất cởi mở và có nhiều ưu đãi. Nhật Bản khuyến khích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đối với các hộ dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhà nước sẽ hỗ trợ 30% vốn đầu tư, 70% còn lại nhà nước sẽ cho vay với lãi suất ưu đãi (Nhật Bản là 1,3%/năm, Hàn Quốc 2%/năm). Với chính sách đó, nông dân ở 2 nước này không thiếu vốn để phát triển sản xuất.
Hai nước này cũng đầu tư rất lớn cho khoa học công nghệ, chính vì vậy họ có nhiều trung tâm nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu giống phục vụ nông nghiệp (Hàn Quốc có 240 cơ sở nghiên cứu). Mỗi năm Chính phủ Hàn Quốc trích hơn 1 tỷ USD ngân sách dành cho các trung tâm, viện nghiên cứu các giống cây chủ lực như lúa, mì, khoai tây, đậu đỗ… Yêu cầu của Chính phủ là giống phải chất lượng cao, cho năng suất, sản lượng tốt, chống chịu được sâu bệnh. Đối với các cây trồng không thuộc sản phẩm chủ lực quốc gia, các doanh nghiệp sẽ đến đặt hàng các trung tâm nghiên cứu.
Đúc rút từ những nghiên cứu đầu tư phát triển nông nghiệp của Nhật Bản và Hàn Quốc, sắp tới T.Ư Hội NDVN có đề xuất gì với Đảng, Chính phủ về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thưa ông?
- Đoàn công tác T.Ư Hội NDVN và cá nhân tôi nghiên cứu 5 chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Nhật Bản và Hàn Quốc, thấy Việt Nam cũng cần học hỏi họ nhiều điều để thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển, hiện đại hóa nông thôn, nâng cao đời sống nông dân. Ở Việt Nam đang đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, nhưng 2 nước Nhật Bản, Hàn Quốc không làm thế, họ khuyến khích làm nông nghiệp công nghệ cao, khuyến khích sản phẩm chất lượng, nếu áp dụng công nghệ cao, không nhất thiết phải có diện tích lớn. Sau chuyến đi này, chúng tôi sẽ có những đề xuất, kiến nghị cụ thể gửi tới Thường trực Ban Bí thư nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Việt Nam…
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.