Việt Nam sẽ đóng 4 tàu Molniya mang tên lửa Yakhont?

Thứ năm, ngày 29/06/2017 10:34 AM (GMT+7)
Có khả năng nhà máy Ba Son sẽ tiếp tục chế tạo thêm 4 tàu tên lửa Molniya do Nga thiết kế, đặc biệt là sẽ sử dụng tên lửa Yakhont thay vì Uran.
Bình luận 0

Theo bản báo cáo thường niên của nhà máy đóng tàu Vympel của Nga, nhà máy đang đàm phán để phía Việt Nam đóng thêm 4 tàu tên lửa Molniya tại nhà máy Ba Son. Các tàu này có khả năng sẽ sử dụng tên lửa hành trình chống hạm Yakhont thay thế cho hệ thống Uran-E.

So với Uran-E, Yakhont bay nhanh hơn (Mach 2,5-3), bay xa hơn (300km) và tất nhiên là sức công phá mạnh hơn hẳn. Với tốc độ bay cao, nó cũng khiến đối phương khó đánh chặn.

img

Tàu tên lửa Molniya 12418.

Trước đó, Nhà máy đóng tàu Ba Son đã hoàn tất việc chế tạo 6 chiếc tàu tên lửa Molniya Project 12418 trong nước với sự hỗ trợ chuyển giao công nghệ từ nhà máy Vympel, Nga. Việc chế tạo này nằm trong gói hợp đồng trị giá khoảng 1 tỷ USD cho việc đóng, cung cấp và chuyển giao công nghệ đối với 8 tàu chiến Molniya cho Hải quân Nhân dân Việt Nam, 2 chiếc được đóng tại Nga và 6 chiếc được đóng tại Việt Nam. Cặp tàu cuối cùng đóng ở Việt Nam gồm M5 và M6 của hợp đồng này đã được hạ thủy vào ngày 14.4.2016.

Nước Nga, quốc gia được thừa kế từ Liên Xô mối quan hệ thân thiết với Việt Nam, một lần nữa lại là quốc gia cung cấp cho Việt Nam một năng lực quân sự đáng gờm. Không chỉ các tàu tên lửa nhỏ, Nga đang thực hiện hợp đồng xây dựng cho Việt Nam các lữ đoàn tàu ngầm hiện đại cùng đội tàu chiến mặt nước cỡ lớn.

Ngày 15.12.2009, Việt Nam đã ký một hợp đồng chính thức với Nga về việc cung cấp 6 tàu ngầm lớp Kilo Project 636.1. Hạm đội tàu ngầm và căn cứ và nhà máy đóng, sửa chữa tàu chiến cũng được đặt tại Cam Ranh. Tổng trị giá hợp đồng lên đến 4 tỷ USD, trong đó 2 tỷ USD là giá trị 6 tàu ngầm.

Các tàu ngầm được đóng trong giai đoạn 2010-2016 tại nhà máy đóng tàu ở St Petersburg. Vào ngày 28.2.2017, tại căn cứ Cam Ranh đã chính thức tổ chức lễ thượng cờ đối với tàu ngầm thứ 5 và thứ 6, có thể nói rằng hợp đồng đã được hoàn thành. Các tàu ngầm đã được đặt tên là: “Hà Nội”, “Hồ Chí Minh”, “Hải Phòng”, “Khánh Hòa”, “Đà Nẵng”, “Bà rịa-Vũng Tàu”. Trong năm 2015, căn cứ tàu ngầm đã được hoàn thành với dự giúp đỡ của công ty SSTC của Nga.

Trong khi đó, nhà máy đóng tàu Zelenodolsk ở Tatarstan, Nga đang tiếp tục đóng 2 tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 cho Hải quân Việt Nam. Ngày 7.10.2012, hai bên đã ký kết một hợp đồng trị giá khoảng 700 triệu USD để đóng cặp tàu Gepard 3.9 thứ hai với cấu hình tăng cường vũ khí chống ngầm cho Hải quân Nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, việc đóng cặp tàu thứ hai đã bị trì hoãn do phía Ukraine không cung cấp máy tàu. Kế hoạch vào khoảng tháng 9 tháng 10 năm nay, hai tàu sẽ được chuyển giao cho phía Việt Nam. Hiện tại, tên của cặp tàu thứ hai chưa được tiết lộ.

Đã có một số thông tin về việc phía Hải quân Việt Nam có kế hoạch đặt vài tàu Gepard được trang bị tên lửa Kalibr và máy tàu khác so với các tàu trước. Cặp tàu Gepard đầu tiên đặt hàng năm 2006, được chuyển giao năm 2010, được đặt tên là “Lý Thái Tổ và Đinh Tiên Hoàng”, giá của cặp tàu này 350 triệu USD.

Vừa qua, phía Việt Nam cũng đã thể hiện sự quan tâm và yêu cầu phía Nga cung cấp các thông tin và giá cả của tàu tìm kiếm cứu hộ Igor Belousov Project 21300. Hiện con tàu đã được biên chế ở vùng biển phía nam Vladivostok.

Trung Nghĩa (Kiến Thức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem