Theo WB, tỷ lệ dân số đô thị của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 50% vào năm 2040, ước tính Việt Nam sẽ cần thêm khoảng 374.000 nhà ở tại các thành phố mỗi năm để đáp ứng nhu cầu này.
Ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường nhận định: “Tăng trưởng về kinh tế của Việt Nam liên tục diễn ra song chất lượng nhà ở của Việt Nam vẫn còn rất thấp. Tôi nghĩ báo cáo của WB vẫn còn khiêm tốn khi cho rằng, gần 20% hoặc khoảng 4,8 triệu hộ gia đình ở Việt Nam vẫn còn đang sống trong điều kiện khó khăn về nhà ở”.
Thực tế theo ông Võ, chính sách nhà ở của Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn. Sau khi thị trường hoá ngành bất động sản, đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu cơ đã tạo ra sự tăng trưởng trong lĩnh vực bất động sản, làm giá nhà đất tăng khá cao và tạo nên nguồn cung về thị phần nhà ở hạng sang, cuối cùng đã dẫn đến bong bóng bất động sản trong giai đoạn 2009-2012. Gói kích thích 30.000 tỷ đồng bắt đầu từ năm 2012 đã giúp định hướng lại các đơn vị phát triển nhà và người cho vay sang thị trường nhà ở giá hợp lý dành cho người có thu nhập trung bình, là những người có nhu cầu sở hữu nhà ở thực sự. Luật Nhà ở sửa đổi, được thông qua vào năm 2015, đưa ra một khuôn khổ pháp lý để cải cách, tập trung vào hỗ trợ nhà ở tự xây, thúc đẩy vai trò tích cực của khu vực tư nhân trong việc tạo nguồn cung nhà ở và giải quyết tình trạng thiếu nhà giá hợp lý, đặc biệt là đối với người lao động trong các khu công nghiệp và sinh viên.
Để thực hiện mục tiêu nhà ở giá hợp lý ở Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần xây dựng Chương trình Nhà ở Giá hợp lý Quốc gia, là phương tiện để thực hiện Luật Nhà ở năm 2015 và đưa ra những can thiệp của chính phủ trong lĩnh vực nhà ở. Chương trình này sẽ bao gồm các sáng kiến để tăng cường khả năng tiếp cận tài chính nhà ở, kích thích nguồn cung nhà cho thuê giá hợp lý và thúc đẩy thực hiện xây dựng nhà ở cơ bản để hỗ trợ khu vực nhà ở tự xây dựng…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.