Nội dung trên được báo QĐND nói đến trong bài viết "Sáng tạo ứng dụng KHCN phục vụ công tác tham mưu kỹ thuật" đăng tải hôm 22.4. Trong những năm qua Ban tham mưu Tổng cục Kỹ thuật đã chỉ đạo và tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình nghiên cứu cải tiến, hiện đại hóa vũ khí trang bị kỹ thuật.
Trong đó, các hạng mục đã hoàn thành của chương trình cải tiến như: Cải tiến xe tăng T-54B, radar P-18, tên lửa chống tăng B-72, tự động hóa dàn phóng và tăng tầm đạn hỏa tiễn BM-21... và đặc biệt là tên lửa Kh-29T/L. Những vũ khí và khí tài này đã được đưa vào ứng dụng và phát huy hiệu quả rõ rệt.
Tiêm kích Su-30 với đạn tên lửa Kh-29.
Dù không công bố cụ thể gói nâng cấp này gồm những gì nhưng gần như chắc chắn rằng, vũ khí này sẽ mạnh mẽ và tin cậy hơn so với nguyên bản nhập khẩu từ Nga.
Theo những thông tin được nhà sản xuất công bố, với đầu đạn nặng 320kg, tên lửa Kh-29T/L có thể phá hủy nhiều loại mục tiêu kiên cố hoặc chiến hạm có lượng giãn nước trên 10.000 tấn.
Kh-29 là loại tên lửa siêu âm có thể tấn công các mục tiêu kiên cố, các loại tàu chiến đấu, tàu đổ bộ, tàu hậu cần chỉ huy với chức năng tương tự loại tên lửa AGM-65 Maverick của Mỹ và AS-30 của Pháp.
Giá phóng Kh-29 là loại APU-58 và AKU-58, tên lửa sẽ được thả rơi khỏi máy bay trước khi động cơ kích hoạt. Cấu hình mang tối đa Kh-29 trên Su-27/30 là 6 đạn, MiG-27 Flogger 2 đạn, Su-17/22M4 Fitter 2 đạn và Su-24M Fencer 3 đạn.
Đầu đạn của Kh-29 là loại nổ lõm được thiết kế chuyên để xuyên phá và theo giới thiệu của nhà sản xuất nó có thể xuyên 1m bê tông nằm sau 3m đất. Sau khi phóng tên lửa leo lên độ cao 5.000m rồi bổ nhào thẳng đứng xuống mục tiêu.
Ngòi nổ của Kh-29 có thể thiết lập theo chế độ chạm nổ (khi công kích các mục tiêu dạng như cầu, cống) hoặc nổ chậm (để xuyên phá boong-ke hoặc các công sự kiên cố, tàu chiến).
Phía đuôi tên lửa là động cơ PRD-228 sử dụng nhiên liệu rắn giúp dễ dàng trong bảo quản và sử dụng, động cơ này làm việc trong thời gian 3 - 6 giây giúp tên lửa bay với tốc độ khoảng 1.250 km/h và đạt tầm xa 30 km (phiên bản Kh-29TE).
Khi khai hỏa Kh-29, tên lửa sẽ được thả rơi khoảng 3m dưới máy bay, sau đó sợi dây nối máy bay với chốt an toàn trên Kh-29 bung ra, động cơ tên lửa Kh-29 sẽ kích hoạt.
Thiết kế như vậy là để trách tác động của động cơ cực mạnh trên tên lửa lên máy bay, cũng như tránh cho khói của luồng phụt từ động cơ tên lửa xả vào cửa hút khí máy bay.
PV (Báo Đất Việt)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.