Ông Hoàng Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm xử lý tiền mặt Vietcombank (VCBC) cho biết về công tác chuẩn bị và sẵn sàng của Vietcombank phục vụ khách hàng giao dịch ATM dịp Tết.
Thưa ông, năm nay, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán có thời gian gần nhau, dự báo nhu cầu giao dịch của người dân tăng cao, Ngân hàng Vietcombank đã chủ động có kế hoạch như thế nào để phục vụ người dân, đặc biệt đối với việc rút tiền tự động tại máy ATM?
- Hàng năm, vào dịp nghỉ Tết nhu cầu rút tiền mặt của người dân thường tăng cao. Để phục vụ khách hàng tốt nhất, Vietcombank đã chủ động chuẩn bị các biện pháp cho nhu cầu cường độ cao này:
Thứ nhất là: Phối hợp với NHNN trên địa bàn chuẩn bị lượng tiền mặt hợp lý đảm bảo đáp ứng tốt nhất nhu cầu về tiền mặt cho khách hàng trước và trong dịp nghỉ Tết qua hệ thống ATM và các quầy trực giao dịch của các đơn vị, các chi nhánh và các bộ phận liên quan. Trường hợp cần thiết có thể liên hệ các chi nhánh cùng hệ thống trên địa bàn và lân cận để chuẩn bị đủ lượng tiền dự phòng. Lượng tiền dự phòng này bao gồm cả cơ cấu mệnh giá và số lượng.
Thứ hai là: Xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể về hệ thống ATM dịp cuối năm và Tết Nguyên đán (bao gồm kế hoạch tiền mặt cho ATM; tiếp quỹ ATM; nhân sự cho ATM; bảo trì, bảo dưỡng ATM…).Giám sát chặt chẽ mức tồn quỹ của từng máy ATM, bố trí cán bộ trực theo dõi hoạt động của hệ thống ATM(Tiền; giấy của Journal tape, trạng thái báo máy có sự cố không hoạt động, an toàn điện, phòng chống cháy, nổ...)đảm bảo tiếp quỹ, khắc phục các sự cố xảy ra, xử lý nhanh các thắc mắc, yêu cầu tra soát của khách hàng, nâng cao tinh thần và thái độ phục vụ khách hàng.
Ông bà có thể cho biết tầm quan trọng của việc giám sát hệ thống ATM qua các thiết bị công nghệ thông tin nhằm phát hiện kịp thời tình trạng quá tải, cũng như tăng tần suất tiếp quỹ tại Vietcombank?
- Hiện tại VCB có hệ thống Monitor để giám sát việc tiếp, nạp quỹ vào các máy ATM, theo đó theo dõi thường xuyên tình trạng tồn quỹ tiền mặt tại các máy, xác định tần suất tiếp quỹ, số tiền mỗi lần tiếp quỹ để có kế hoạch chuẩn bị tiền mặt phù hợp; tăng cường tần suất tiếp quỹ trong những ngày cao điểm, bố trí bộ phận thường xuyên cập nhật thông tin ATM qua email, tin nhắn SMS để theo dõi trạng thái hoạt động của từng máy, kịp thời nắm bắt các sự cố phát sinh và xử lý sự cố.
Thiết lập hệ thống cảnh báo giám sát từ xa kết hợp với tuần tra, kiểm soát đối với hệ thống ATM nhằm phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời các hành vi bất hợp pháp (trộm, cướp, đập phá, cài đặt thiết bị sao chép dữ liệu thẻ…)để bảo đảm an ninh, an toàn các máy cũng như khách hàng giao dịch. Tại mỗi máy ATM của chi nhánh đều thiết lập đường dây nóng để khách hàng có thể liên hệ, phản ánh những vấn đề, vướng mắc phát sinh trong quá trình giao dịch.
Tại VCB, Trung tâm Thẻ, Trung tâm Dịch vụ khách hàng, Trung tâm Công nghệ Thông tin tại TSC và đối tác cung cấp dịch vụ bảo trì để xử lý kịp thời, hạn chế tối đa việc ATM ngừng hoạt động quá 24h. Trường hợp bất khả kháng, phải có văn bản báo cáo NHNN trên địa bàn nêu rõ lý do và cam kết thời gian hoạt động trở lại.
Một trong những giải pháp để giảm tải ATM dịp Tết là ưu tiên sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, đây là một chủ trương của Chính Phủ và NHNN. Ông (bà) có thể tư vấn cho khách hàng về nội dung này như thế nào?
- Bên cạnh các biện pháp giảm tải ATM dịp Tết như chủ động làm việc với các doanh nghiệp để điều chỉnh thời gian trả lương, thưởng hợp lý; xây dựng phương án dự phòng chi trả lương, thưởng bằng tiền mặt thì Vietcombank tăng cường truyền thông hướng dẫn khách hàng sử dụng các dịch vụ thanh toán hiện đại, không dùng tiền mặt như thanh toán thẻ, thanh toán bằng mã QR, thanh toán online trên các kênh số như của Vietcombank như Internet Banking, Mobile Banking, VCBPAY nhằm giảm tải việc rút tiền mặt tại các ATM.
Với các giải pháp thanh toán hiện đại, khách hàng có thể giao dịch không tiền mặt từ các giao dịch đơn giản như nạp thẻ điện thoại, thanh toán hóa đơn điện, nước… đến các giao dịch phức tạp như mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn, đặt vé xe, mua sắm trực tuyến…
Vietcombank cũng phối hợp với các đối tác triển khai hàng loạt các chương trình khuyến mại dành cho khách hàng sử dụng thẻ và các dịch vụ ngân hàng điện tử của Vietcombank để mua sắm, chi tiêu, thanh toán. Các ưu đãi vô cùng hấp dẫn đang triển khai bao gồm: giảm giá trực tiếp, hoàn tiền khi chi tiêu, cấp mã dự thưởng …
Bộ Công An có cảnh báo thủ đoạn của kẻ gian lừa đảo người dân để đánh cắp dữ liệu cá nhân về số tài khoản tại ngân hàng cùng các thông tin liên quan và mới đây là thủ đoạn giả mạo tin nhắn thương hiệu (SMS Brand Name) để chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn. Dịp cuối năm khi khối lượng giao dịch trong tài khoản ngân hàng là rất lớn, ông (bà) có khuyến cáo gì cho khách hàng của Vietcombank để nhận biết dấu hiệu này?
- Thời điểm cận Tết hằng năm luôn là thời điểm khách hàng có nhu cầu giao dịch tăng cao đột biến, đặc biệt là các giao dịch mua sắm trực tuyến. Đây cũng là thời điểm mà các hoạt động gian lận, lừa đảo tài chính diễn ra phức tạp với các thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Để bảo vệ thông tin và tài sản cá nhân, Vietcombank xin thông báo đến Quý khách hàng một số thủ đoạn lừa đảo và lấy cắp thông tin cùng các khuyến cáo đi kèm như sau:
+ Các thủ đoạn lừa đảo lấy cắp thông tin dịch vụ ngân hàng
Đối tượng lừa đảo tìm cách lấy cắp các thông tin dịch vụ ngân hàng của khách hàng, từ đó truy cập và chiếm đoạt tiền từ tài khoản. Một số hình thức lấy cắp thông tin phổ biến bao gồm:
+ Đối tượng lừa đảo mạo danh là người thân và thông báo sẽ chuyển tiền cho khách hàng. Đối tượng gửi cho khách hàng đường link giả mạo và yêu cầu xác nhận thông tin. Khách hàng truy cập vào link giả mạo và cung cấp cho đối tượng các thông tin về dịch vụ ngân hàng điện tử (tên truy cập, mật khẩu, mã OTP) hoặc các thông tin về thẻ (số thẻ, ngày hiệu lựa, mã số bảo mật của thẻ, mã OTP).
+ Đối tượng lừa đạo mạo danh nhân viên ngân hàng yêu cầu khách hàng xác thực thông tin để nâng cấp dịch vụ.
+ Đối tượng lừa đảo lập website/fanpage trên mạng xã hội để mạo danh ngân hàng. Các website/fanpage này thường sử dụng logo, hình ảnh và các bài viết được sao chép từ website/fanpage chính thức của ngân hàng. Đối tượng lừa đảo tiếp cận khách hàng để tư vấn các sản phẩm vay với điều kiện và lãi suất ưu đãi hơn so với sản phẩm ngân hàng đang cung cấp. Sau đó, đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, công việc, thu nhập… để phục vụ mục đích gian lận hoặc hướng khách hàng sang các dịch vụ tín dung đen
Quý khách lưu ý, Vietcombank không bao giờ gửi đường link hoặc liên hệ khách hàng để yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật dưới mọi hình thức. Vì vậy, các yêu cầu cung cấp thông tin (nếu có) đều là giả mạo, khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin khi nhận được các yêu cầu này.
- Các thủ đoạn lừa đảo tự chuyển tiền:
+ Đối tượng lừa đảo mạo danh là nhân viên bưu điện thông báo khách hàng bị nợ cước viễn thông, hoặc khách hàng có bưu kiện, yêu cầu khách hàng phải chuyển tiền để thanh toán cước viễn thông hoặc chuyển tiền cước phí vận chuyển bưu kiện hoặc cước lưu kho.
+ Đối tượng lừa đảo mạo danh là cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát thông báo khách hàng có liên quan đến vụ án buôn lậu/rửa tiền/mua bán ma túy và yêu cầu khách hàng chuyển tiền tới tài khoản của cơ quan công an (giả mạo) để tạm giữ, phục vụ công tác điều tra.
+ Đối tượng lừa đảo mạo danh nhân viên ngân hàng thông báo khách hàng trúng thưởng, và yêu cầu khách hàng chuyển tiền phí để nhận thưởng.
- Để đảm bảo an toàn, Vietcombank khuyến cáo khách hàng thực hiện các nguyên tắc bảo mật sau:
+ Luôn giữ bí mật thông tin các dịch vụ ngân hàng điện tử (tên truy cập/mật khẩu truy cập/mã xác thực giao dịch một lần – OTP) và thông tin thẻ (số thẻ/mã PIN/ngày hết hạn/mã CVV/mã CVC). Tuyệt đối không cung cấp các thông tin trên cho bất kỳ ai thông qua bất kỳ phương thức giao tiếp nào (email, tin nhắn, trao đổi miệng...).
+ Không nên lưu thông tin bảo mật ngân hàng điện tử và thẻ trên các thiết bị điện tử và các website cũng như dưới bất kỳ hình thức nào. Hạn chế truy cập tài khoản ngân hàng và thực hiện giao dịch tài chính trên các thiết bị lạ.
+ Hãy xác thực thông tin đối với người đề nghị khách hàng thực hiện giao dịch tài chính. Đối tượng lừa đảo thường mạo danh người quen của khách hàng (do đối tượng đã tìm hiểu thông tin qua mạng xã hội hoặc nguồn thông tin khác), gợi ý khách hàng cho vay hoặc chuyển tiền tới tài khoản của của đối tượng lừa đảo.
+ Kiểm tra thông tin được sử dụng để thực hiện giao dịch: Quý khách chỉ nên thực hiện giao dịch tại website uy tín, có độ bảo mật cao và kiểm tra kỹ tên miền website trước khi gõ các thông tin bảo mật.
+ Cập nhật các phần mềm bảo mật và ứng dụng Vietcombank mới nhất.
+ Đăng xuất khỏi tài khoản ngay sau khi hoàn thành phiên giao dịch.
Khi có bất kỳ nghi vấn liên quan đến hành vi lừa đảo giao dịch, Quý khách hàng hãy liên hệ ngay với Trung tâm Hỗ trợ Khách hàng theo số hotline 24/7: 1900545413 hoặc điểm giao dịch gần nhất của Vietcombank để được hỗ trợ kịp thời.
Công tác chuẩn bị và sẵn sàng tiếp quỹ cho các máy ATM tại Vietcombank dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020
Vui lòng nhập nội dung bình luận.