Vịnh Hạ Long - Ám ảnh về những đám cháy

Nguyễn Quý Thứ bảy, ngày 07/05/2016 16:03 PM (GMT+7)
Trong cuộc họp báo sau vụ cháy tàu du lịch tại Khu du lịch quốc tế Tuần Châu vào trưa ngày 6.5, ông Ngô Quang Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, chính bản thân ông còn e dè khi lựa chọn loại hình nghỉ đêm trên Vịnh.
Bình luận 0

Nguyên nhân chính vẫn ở sự thiếu an toàn của các tàu gỗ đang hoạt động đưa khách tham quan và lưu trú trên vịnh Hạ Long.

Quả thực, 11 vụ cháy tàu trong vòng 5 năm qua đang là nỗi ám ảnh đối với chính quyền, người dân Quảng Ninh, và đặc biệt là với những du khách bị nạn.

img

Xác chiếc tàu cháy tại cảng tàu Tuần Châu trưa ngày 6.5.

Những vụ cháy tàu "khiếp vía"

Trưa ngày 25.12.2015, chiếc tàu du lịch Hoa Phượng 02 (trọng tải 20 khách, công suất máy 105CV, thuộc Công ty TNHH Hoa Phượng Đỏ) đang trên đường chở khách từ bến Gia Luận (TP.Hải Phòng) về bến tàu Bãi Cháy (TP.Hạ Long), khi đến khu vực giữa đảo Rều và động Thiên Cung, Vịnh Hạ Long thì bất ngờ bị bốc cháy. Thời điểm xảy ra vụ cháy trên tàu có 5 thuyền viên, 1 phục vụ, 19 khách du lịch (có 17 người nước ngoài) và 2 hướng dẫn viên. Hậu quả vụ cháy khiến tàu Hoa Phượng QN 4239 bị cháy toàn bộ phần ca bin, không bị đắm; không có thiệt hại về người.

Vào 20 giờ ngày 3.2.2015, tàu du lịch số hiệu QN 2566 của Công ty TNHH Hạ Long Biển Ngọc đang neo đậu cho 16 du khách nước ngoài nghỉ đêm trên vịnh thì bất ngờ phát cháy. 16 du khách cùng các thuyền viên trên tàu đã được sơ tán lên đảo Titop rồi đưa vào bờ an toàn. Chiếc tàu du lịch chở khách trên được đóng hoàn toàn bằng gỗ, vừa được bảo dưỡng và đưa vào hoạt động thì xảy ra sự cố.

Vụ cháy tàu mới nhất vừa xảy ra trưa ngày 6.5 đã làm 3 khách nước ngoài và 1 thuyền viên bị thương nhẹ. Tàu du lịch vỏ gỗ Aphrodite (QN-6299) bị thiêu rụi cùng toàn bộ tài sản trên tàu chìm nghỉm xuống nước biển.

Cũng như những lần trước, UBND tỉnh Quảng Ninh lập tức ra các quyết định tạm dừng hoạt động các tàu thuộc đơn vị có tàu gặp nạn; tổng kiểm tra các điều kiện an toàn của hơn 500 tàu khách hoạt động du lịch trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long; triển khai xác minh điều tra nguyên nhân vụ cháy...

Ẩn họa tàu vỏ gỗ

Đây là những việc làm cần thiết. Tuy nhiên, theo nhận định của chính các nhà chức trách tỉnh Quảng Ninh, với 533 tàu được cấp phép hoạt động du lịch trên Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long hiện nay, đa số là tàu vỏ gỗ (chiếm 81%), số lượng tàu nhỏ nhiều (tàu có công suất dưới 100CV chiếm 46%), thiết kế tàu theo kinh nghiệm dân gian chưa đẹp, chưa tiện lợi, chưa đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ.

Theo Đại tá Vũ Văn Dương, Phó Giám đốc cảnh sát PCCC tỉnh Quảng Ninh, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến các vụ cháy tàu du lịch trong thời gian qua, đó là sự cố từ hệ thống điện, bếp gas đun nấu và ý thức kém của người trên tàu. Với các tàu vỏ gỗ, điều kiện phát triển cháy xảy ra rất nhanh và nguy hiểm. Mặc dù việc trang bị hệ thống phòng cháy chữa cháy trên tàu đã là bắt buộc, các thuyền viên trên tàu cũng được tập huấn, trang bị đủ kiến thức về phòng cháy chữa cháy, nhưng khi xuất hiện cháy, hầu hết những người có mặt trên tàu từ khách du lịch đến thuyền viên đều tìm cách thoát thân chứ không đủ bình tĩnh để vận hành các thiết bị chữa cháy.

Ông Vũ Văn Khánh, Giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh cho biết: Hầu hết những vụ tai nạn đường thủy như đắm, cháy tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long thời gian qua đều xảy ra đối với các tàu chưa vượt quá 1/2 niên hạn hoạt động do Chính phủ quy định và chủ yếu là tàu vỏ gỗ (tuổi tàu chỉ từ 7-10 năm). Nguyên nhân được các cơ quan chức năng xác định là do trong quá trình hoán cải, nâng cấp tàu có những hư hỏng ngầm rất khó phát hiện.

Được biết, tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 23 khóa XII vừa qua, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thống nhất thông qua Nghị quyết về một số quy định để nâng cao chất lượng và công tác quản lý tàu hoạt động trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long đến năm 2020.

Theo đó, về thời hạn hoạt động: Tàu vận chuyển khách du lịch tham quan, lưu trú trên vịnh có thời gian hoạt động không quá 15 năm đối với tàu vỏ gỗ, 25 năm đối với tàu vỏ kim loại (hoặc vật liệu tương đương) kể từ khi cấp đăng kiểm đóng mới. Hết thời hạn trên, tàu hoạt động với mục đích kinh doanh khác theo quy định về niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa.

Như vậy, theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Ninh, từ nay sẽ không đóng mới tàu lưu trú thay thế, chỉ cho phép đóng tàu tham quan thay thế tàu lưu trú khi hết thời hạn hoạt động. Những tàu lưu trú vỏ thép (hoặc vật liệu tương đương) đóng mới và đưa vào hoạt động gần đây nhất là vào năm 2015 sẽ chấm dứt hoạt động lưu trú vào năm 2040. Các tàu lưu trú vẫn hoạt động phục vụ khách lưu trú trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long cho đến khi hết hạn hoạt động trên Vịnh theo quy định của Nghị quyết trên.

Mặc dù đã có những giải pháp đáng kể, nhưng những vụ cháy tàu du lịch đã xảy ra gây những thiệt hại to lớn về tài sản, đặc biệt là ảnh hưởng đến tâm lý của khách du lịch, để lại những hình ảnh không tốt đẹp của du khách về Vịnh Hạ Long. Xóa đi nỗi ám ảnh về một Hạ Long bất an trong lòng du khách, liệu có là quá khó?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem