Trưa 18.9, nhiều người bất ngờ khi thấy vợ chồng nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến quán cơm từ thiện Nụ Cười trên đường Cống Quỳnh. Vợ chồng ông Tư Sang bỏ xe cách quán khá xa, đi bộ cùng đoàn 14 người vào ăn bữa cơm 2.000 đồng như những người lao động nghèo khác.
Quán khá đông, toàn những gương mặt sạm nắng, háo hức trước phần cơm có đầy đủ các món canh, mặn, xào. Trước khi ngồi vào bàn ăn, ông Sang đến từng bàn hỏi thăm.
Dừng lại trước người đàn ông có vẻ khắc khổ, tay run run xúc cơm, nguyên Chủ tịch nước hỏi: "Chú làm nghề gì? Ăn ở đây có thường xuyên, có no không?".
Ông Trương Tấn Sang thăm hỏi các thực khách. Ảnh: Tuyết Nguyễn.
"Trước tôi đạp xích lô nhưng giờ mất sức lao động phải dưỡng bệnh. Không có tiền nên tôi sống nhờ vào tình thương, ai cho gì thì lấy. Như quán cơm này chỉ có 2.000 đồng, tôi ghé ăn thường xuyên, no và ngon lắm", người đàn ông trả lời.
Đến bàn hai sinh viên, ông Tư Sang hỏi: "Các con học ở trường nào, quê ở đâu? Ăn ở đây có thường xuyên không?". Thoáng ngỡ ngàng khi nhận ra nguyên Chủ tịch nước, song giọng nam sinh khá mạnh dạn: "Tụi con học ngành cơ khí điện tử Trường Kỹ thuật Cao Thắng. Hoàn cảnh ở quê khó khăn nên tụi con ăn ở đây đã mấy năm rồi, đỡ cho tụi con nhiều lắm".
"Các con cố gắng học, ngành của các con có tương lai lắm đấy", ông Sang động viên.
Ông Sang cũng xuống bếp hỏi han các tình nguyện viên phục vụ tại quán cơm. Nguyên Chủ tịch nước khá chăm chú khi nghe họ kể ngày nào cũng đến nhặt rau, vo gạo, bưng bê, rửa chén… mà không nhận lương. Duy nhất nữ đầu bếp làm toàn thời gian với lương ba triệu đồng mỗi tháng.
Nguyên Chủ tịch nước nói chuyện với nhà báo Nam Đồng. Ảnh: PL TP HCM.
Khi vợ chồng nguyên Chủ tịch nước và các thành viên đến quầy mua cơm, nhà báo Nam Đồng (chủ nhiệm hệ thống quán cơm xã hội Nụ Cười) cười hào sảng, nói "mỗi phần 2.000 đồng, phải giống như mọi người ở đây chứ" và nhận từng tờ tiền từ khách.
Trò chuyện với ông Nam Đồng, nguyên Chủ tịch nước nói biết đến quán cơm từ thiện thông qua bà xã. "Nay tôi đến đây mới thấy anh làm được 6 quán, ý nghĩa lắm. Tôi nghĩ làm sao để lay động các mạnh thường quân, doanh nghiệp góp tiền làm tới 600, 6.000 quán thì đồng bào mình, ông xích lô, người lượm ve chai đỡ khổ", ông Tư Sang nói.
Theo nhà báo Nam Đồng, ông cũng khá bất ngờ khi vợ chồng ông Tư Sang đến quán, không hẹn trước. Sau bữa cơm, vợ chồng ông Sang và các thành viên trong đoàn ủng hộ tiền cho quán.
"Vợ chồng ông ấy cùng các thành viên đều ăn sạch phần cơm, không chừa lại gì. Tôi bán 14 phần cơm được 28.000 đồng, nhưng thu được 117 triệu đồng, riêng vợ chồng ông Sang ủng hộ 50 triệu. Số tiền này sẽ giúp được cho hàng nghìn anh công nhân, chị vé số, em sinh viên nghèo có bữa cơm no đủ", nhà báo Nam Đồng nói.
Tuyết Nguyễn (VnExpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.