Võ công thượng thặng Quỳ Hoa Bảo Điển hay Tịch Tà Kiếm Phổ đều là... phi thực tế?
Võ công thượng thặng Quỳ Hoa Bảo Điển hay Tịch Tà Kiếm Phổ đều là... phi thực tế?
Chủ nhật, ngày 03/09/2023 12:32 PM (GMT+7)
Một hán tử cao to, khỏe mạnh, sau khi "dẫn đao tự cung" và học vài ba câu chữ lại có thể trở thành "trùm cuối", thống nhất giang hồ? Loại võ công này liệu có thực tế trong mắt các nhà nghiên cứu?
Quỳ Hoa Bảo Điển hay Tịch Tà Kiếm Phổ đều là những môn võ công thượng thặng, tới mức mà chỉ cần luyện thành, một kẻ vô danh cũng hóa cao thủ, sức mạnh đủ chấn nhiếp toàn võ lâm. Tuy nhiên, bất chấp những hy vọng tươi sáng về danh hiệu "đệ nhất cao thủ" ấy, cả 2 lại vô cùng bị... khinh bỉ chỉ vì điều kiện bắt buộc phải thực hiện để được bắt đầu rèn luyện, chính là "dẫn đao tự cung".
Giải thích cho chi tiết này, theo cố nhà văn Kim Dung từng viết, chính bởi cả 2 bộ bí kíp trên đều là những võ công mang tính dương tà, khi luyện hơi nóng sẽ bốc lên ngùn ngụt vì vậy cần phải cắt đi bộ phận sinh dục để tránh khỏi tẩu hỏa nhập ma. Đông Phương Bất Bại là người duy nhất luyện thành Quỳ Hoa Bảo Điển, cũng phải tự bỏ đi đời trai để trở thành kẻ bán nam bán nữ. Nhạc Bất Quần, Lâm Bình Chi cũng vì luyện Tịch Tà Kiếm Phổ mà thân bại danh liệt...
Hiển nhiên, uy lực từ cả Quỳ Hoa Bảo Điển hay Tịch Tà Kiếm Phổ, chúng ta đã được thấy rất nhiều lần trong các bộ phim ảnh, truyện tranh hoặc thậm chí, ở game online. Tuy nhiên, câu hỏi mà nhiều độc giả quan tâm hơn cả là liệu việc "tự cung" có biến một kẻ vô năng trở thành tuyệt cường? Quỳ Hoa Bảo Điển hay Tịch Tà Kiếm Phổ liệu có thật ở ngoài đời?
Theo nhiều ý kiến cho hay, Kim Dung đã từng đưa rất nhiều loại võ công có thật ngoài đời vào từng trang truyện. Sẽ chẳng có gì bất ngờ nếu người ta thật sự tìm ra dấu tích về Tịch Tà Kiếm Phổ ở ngoài đời.
Một vài nhận xét khác lại cho hay, "tự cung" xong vẫn có thể giỏi võ. Một số thái giám trong lịch sử Trung Hoa từng được phong làm tướng quân chứ chẳng chơi. Điều này khiến việc "tự cung" rồi học Quỳ Hoa Bảo Điển thành cao thủ là hoàn toàn có thể xảy ra. Dù vấn đề "bỏ đi đời trai trẻ" bị rất đông người khinh bỉ nhưng theo nhìn nhận cũng của không ít độc giả, nếu cả 2 bộ bí kíp này là có thật, họ sẽ thật sự thích thú trước sự tìm tòi tỉ mỉ của cố nhà văn Kim Dung.
Đồng ý là cố nhà văn Kim Dung từng đưa rất nhiều những bộ võ công có thật ở ngoài đời vào tác phẩm của mình, từ Dịch Cân Kinh, Cửu Âm Chân Kinh cho đến kho tàng bí kíp phái Thiếu Lâm. Mặc dù không thể đạt tới cảnh giới kinh thiên động địa, khinh công bay lượn hay... "đánh bay cả tảng đá lớn" nhưng nguyên lý vận hành, các cơ chế thực chiến của chúng đều được ông tái hiện rất gần với thực tế.
Và tất nhiên, sau khi "tự cung", ngay ở ngoài đời cũng có xuất hiện không ít cao thủ. Điển hình có thể kể đến như Lý Hiến, Đổng Quán thời Bắc Tống, những vị thái giám đã suất lĩnh mấy trăm vạn đại quân tấn công Tây Hạ và Liêu quốc. Thời Minh thì có Tam Bảo Thái Giám Trịnh Hòa thống suất hải quân hoàn thành việc đo đạc bản đồ đường biển của Trung Quốc thời cổ.
Đáng chú ý, vị thái giám được đánh giá cao nhất về khả năng võ công có thể kể đến Đổng Hải Xuyên. Ông từng sáng lập ra môn nội gia quyền tên là Bát Quái Chưởng, thậm chí còn được xưng danh Thập Đại Cao Thủ triều Thanh. Vì có nhiều mâu thuẫn với giới võ lâm, Đổng Hải Xuyên đã lén theo đường thái giám để tránh phiền phức, tai họa.
Tuy nhiên, khi xét về mức độ thực tế của Quỳ Hoa Bảo Điển và Tịch Tà Kiếm Phổ, nhiều nhà nghiên cứu đã gạt phăng sự tồn tại của chúng. Độ xác thực về bí kíp võ công mà ngay khi nhập môn đã bắt người ta "tự cung" mới được học tiếp, học xong lại có thể trở thành cao thủ dường như không có tính xác thực cao. Ở các trường hợp thái giám phía trên, họ là những người sau khi đã "tự cung" mới luyện võ để bù đắp khuyết điểm thân thể, tăng cường khả năng vận động chứ tuyệt nhiên, vẫn rất khó để so sánh với người bình thường.
Không có ai biết được Quỳ Hoa Bảo Điển và Tịch Tà Kiếm Phổ là bí kíp luyện khí, nội công hay là những đòn thế thực chiến. Chính quá trình mà các nhân vật luyện 2 bộ tuyệt học trên cũng bị Kim Dung bỏ qua mà không đề cập đến nhiều. Một số nhà nghiên cứu còn gay gắt nhấn mạnh, sau khi "tự cung", việc vận sức để phá tan vật cản nghe chừng hơi khó. Người đàn ông cũng thiếu mất những chất cần thiết để phát triển sức mạnh cơ bắp và độ dẻo dai, linh hoạt.
Dù sao, chúng ta cũng được biết, ít nhất là những nhân vật thái giám (đã tự cung) và giỏi võ công là có thật. Tuy nhiên, để so sánh họ với những cao thủ bình thường khác thì hiếm có tài liệu nào để tham khảo. Về thực hư của Quỳ Hoa Bảo Điển cũng như Tịch Tà Kiếm Phổ, có lẽ vào thời điểm này, hãy tạm coi như chúng chỉ là chi tiết mà Kim Dung thêm vào cho câu chuyện muôn phần đặc sắc. Còn biết đâu, trong tương lai không xa, những vết tích về bộ võ công tương tự lại xuất hiện thì sao?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.