Võ thuật cổ truyền: Môn xã hội hóa 100%

Thứ hai, ngày 09/01/2012 14:39 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau 2 ngày tranh tài, hôm qua (8.1), Giải võ thuật cổ truyền Hà Nội mở rộng 2012 đã kết thúc tại nhà thi đấu Bộ Công an.
Bình luận 0

Dân Việt đã có cuộc trao đổi với võ sư Lê Ngọc Quang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Võ thuật Hà Nội về bảo tồn, quảng bá tinh hoa võ thuật cổ truyền...

Võ sư Quang cho biết: Năm 1987, Liên đoàn võ thuật Hà Nội (sau đổi thành Hiệp hội Võ thuật Hà Nội) chính thức được thành lập. Kể từ đó, những người đam mê võ học mới được thực sự sống trong “một gia đình võ thuật”. 25 năm qua, võ thuật cổ truyền đã có bước phát triển nhanh chóng, từ chỗ chỉ có 14 võ phái, võ đường, đến nay con số đó đã là 53 võ đường với khoảng 10 nghìn võ sinh ở mọi lứa tuổi, nam, nữ thường xuyên tập luyện.

img
Các trận đấu đối kháng võ cổ truyền VN lần đầu tiên được tổ chức trên võ đài.

Võ thuật, nhất là võ thuật cổ truyền Việt đã và đang được phổ biến, phát triển ra sao?

- Trong quá khứ, võ thuật cổ truyền Việt Nam đã có mặt trên khắp thế giới. Không ít người Việt đang sinh sống ở Nga, CH Czech, Slovakia, Pháp, Đức… đã mở lớp dạy võ thuật cổ truyền với không ít môn sinh là người nước ngoài. Những năm gần đây, người nước ngoài đến Việt Nam du lịch, sinh sống càng nhiều và họ cũng có điều kiện làm quen, tập luyện võ cổ truyền. Tại Giải Hà Nội mở rộng, cũng đã có những VĐV người nước ngoài tham dự ở những bài quyền biểu diễn, nội công.

Tính tới nay, Hà Nội đã tổ chức được 3 liên hoan võ thuật quốc tế. Tại liên hoan võ thuật kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội có 25 đoàn quốc tế tham dự.

Chúng tôi đang rất muốn tổ chức một liên hoan võ thuật quốc tế với quy mô lớn trong năm nay với sự tham dự của khoảng 10 nghìn võ sĩ. Cái hay là võ thuật cổ truyền không phải lo nhiều về cơ sở vật chất, bởi nguồn gốc đã là biểu diễn, thi đấu ở ngoài trời với không gian văn hóa đồng ruộng, đình làng, đình chùa…

Phải chăng như vậy, võ thuật cổ truyền có rất nhiều điều kiện để phát triển tại Việt Nam?

- Khác với nhiều môn thể thao, võ thuật cổ truyền là môn xã hội hóa 100%. Ngay tại giải lần này, phần lớn kinh phí là do sự đóng góp của “trưởng môn” các võ phái. Với những võ sư từng phải trải qua những năm tháng khó khăn trong chiến tranh, có không ít người đã nhập ngũ, vượt qua không ít rào cản để bảo tồn, duy trì võ thuật cổ truyền như chúng tôi thì tiền không phải điều quan trọng nhất.

Vấn đề cốt tử là phải cùng nhau chung sức nhân rộng, phát triển võ thuật, văn hóa cổ truyền. Trước hết là để mỗi người, mỗi nhà có sức khỏe để làm việc, xây dựng, bảo vệ đất nước. Với ý nghĩa đó, tôi tin không khó để vận động các nhà tài trợ tham gia khi tổ chức những giải quốc tế lớn.

Nét mới của Giải võ thuật cổ truyền Hà Nội 2012 là lần đầu các võ sĩ được thi đấu đối kháng trên võ đài. Theo ông Đoàn Thao - Chủ tịch Hội Võ thuật cổ truyền VN, các võ sĩ sẽ cảm thấy hưng phấn hơn khi được đứng trên võ đài thể hiện đẳng cấp của mình, khiến các trận đấu diễn ra quyết liệt, hấp dẫn hơn.

Từ thể thao quần chúng tới thể thao đỉnh cao, võ thuật cổ truyền Việt Nam ngày càng có vai trò đặc biệt quan trọng?

- Các võ sĩ Việt Nam ở nhiều môn: Taekwondo, karatedo, wushu, boxing, pencak silat... đều có cái gốc đam mê từ võ cổ truyền Việt Nam, chứ đừng nói đến môn được coi là “quốc hồn quốc túy” như vovinam (đoạt 5 HCV SEA Games 2011-PV).

Bản thân tôi từng là HLV đầu tiên của pencak silat khi đội tuyển mới được thành lập. Chỉ khi thể thao quần chúng, võ thuật cổ truyền phát triển mạnh thì mới cung cấp được nhiều hơn những VĐV đẳng cấp cho thể thao đỉnh cao.

Xin cảm ơn võ sư!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem