Ngoài chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân, nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng đã đầu tư rất nhiều cho một "thứ vũ khí" lợi hại không kém
Triều Tiên đã phóng thử 15 tên lửa trong 22 vụ thử nghiệm năm 2017. Ngoài ra, nước này còn vừa tiến hành một vụ thử hạt nhân bằng việc kích nổ một quả bom nhiệt hạch nặng 140 kiloton và mạnh gấp 10 lần quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshia trong thế chiến 2.
Những động thái của Bình Nhưỡng đã khiến Tổng thống Donald Trump "nổi đóa". Trong bài phát biểu đầu tiên tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc mới đây, ông chủ Nhà Trắng đã đưa ra lời cảnh báo mạnh mẽ chưa từng có rằng: Mỹ sẽ hủy diệt Triều Tiên hoàn toàn nếu bị đe dọa.
Và theo CNN, đối với Mỹ, vũ khí hạt nhân không phải là mối đe dọa duy nhất đến từ Triều Tiên. Một nguy cơ lớn khác đến từ khả năng tấn công mạng ngày càng tinh vi của nước này.
Cũng như chương trình tên lửa, vũ khí hạt nhân, Triều Tiên đã đầu tư rất nhiều vào các hoạt động mạng để đối phó với Mỹ và phương Tây.
Theo đó, chính quyền Kim Jong-un đặc đầu chú trọng giáo dục khoa học và công nghệ cho học sinh khi họ còn ngồi trên ghế nhà trường để tìm kiếm những tài năng trẻ làm việc cho cơ quan chuyên về mạng trong quân đội của nước này. Đây là loại công việc danh giá hàng đầu ở Triều Tiên.
Các chuyên gia về an ninh và nhiều người đào tẩu Triều Tiên cho rằng, đội ngũ gián điệp mạng của Triều Tiên có cả hàng nghìn người. Họ là những sinh viên ưu tú nhất được chọn lọc kỹ càng để có khả năng đảm nhiệm các công việc phức tạp được giao.
Các cơ quan tình báo phương Tây đã cáo buộc vụ tấn công vào tập đoàn Sony năm 2014 là do cơ quan tình báo của Triều Tiên gây ra.
Triều Tiên cũng bị Mỹ và phương Tây cáo buộc chịu trách nhiệm về các vụ lừa đảo trên mạng để rút tiền từ ngân hàng trung ương Bangladesh và vụ tấn công WannaCry trên toàn cầu đầu năm nay.
Các gián điệp mạng của Triều Tiên được cho là tiến hành các vụ tấn công không tốn kém nhiều tiền nhưng lại có sức tấn công cao nhằm đánh cắp tiền từ các tổ chức tài chính của phương Tây, gây hại và phá hoại các kẻ thù của họ.
Các tổ chức tài chính có nguy cơ bị gián điệp mạng Triều Tiên "rút ruột" nhiều hơn vì nước này cần tiền cho các chương trình tên lửa, hạt nhân. Ngoài ra, mục tiêu thường bị tấn công nhất là các tổ chức tài chính ở Hàn Quốc.
Đối mặt với áp lực từ Mỹ và phía Tây nhằm phá hoại chương trình tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên ngày càng tăng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển chương trình gián điệp mạng lợi hại để đối phó.
Có thể nói, các gián điệp mạng Triều Tiên càng đánh cắp được nhiều tiền và tài nguyên thông qua các cuộc tấn công mạng thì quân đội của nước này càng có thêm nguồn lực để phát triển mạnh mẽ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.