Như
Dân Việt đã thông tin, ngày 29.8, đoàn kiểm tra liên ngành gồm Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) và Cơ quan an ninh PA83 (Công an thành phố) đã tiến hành kiểm tra Phòng khám đa khoa Apollo (số 228-228A Trần Hưng Đạo, P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1, TP.HCM), do bác sĩ Vũ Thanh Tùng đứng tên. Khi đoàn kiểm tra liên ngành bất ngờ ập vào phòng khám, hàng chục “bác sĩ” Trung Quốc đã vội lột bỏ áo blouse, vứt cả ống nghe
tung cửa tháo chạy vào nơi “ẩn nấp”, thậm chí chui lên cả la phông nhà vệ sinh.
Chánh Thanh tra Sở Y tế Bùi Minh Trạng cho biết Sở Y tế TP.HCM cấp phép cho phòng khám hoạt động, nhưng việc người nước ngoài khám, chữa bệnh tại đây là hoàn toàn sai quy định vì phòng khám không đăng ký có người nước ngoài hành nghề. Trong khi đó, giấy phép hoạt động cấp cho phòng khám lại có đăng ký danh sách 8 bác sĩ Việt Nam đứng tên khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, dù thời điểm kiểm tra diễn ra trong giờ hành chính, nhưng không bác sĩ nào trong danh sách này có mặt tại phòng khám.
Quảng cáo sai phạm trên website của phòng khám Apollo
Trước đó, vào tháng 5.2013, Sở Y tế cũng đã phát hiện
nhiều sai phạm tại phòng khám Apollo. Phòng khám quảng cáo hàng loạt chuyên môn
nằm ngoài giấy phép đăng ký hoạt động như vá màng trinh, điều trị nam khoa, sản
khoa, phụ khoa, vô sinh, yếu sinh lý… và có dấu hiệu người nước ngoài hành nghề
trái phép.
Khi ấy, Sở đã xử phạt các hành vi quảng cáo không
đúng quy định, khám chữa bệnh vượt phạm vi chuyên môn, không lập đầy đủ hồ sơ bệnh
án, chưa niêm yết giá… với số tiền phạt là 44,5 triệu đồng và yêu cầu phòng
khám khắc phục sai phạm.
Chị N.T.P, 39 tuổi, quê Bình Dương cho Dân Việt biết
chị từng là bệnh nhân đến khám tại phòng khám Apollo. Do đọc nội dung quảng cáo
“chữa bách bệnh” quá hấp dẫn trên các cuốn “tạp chí” do chính phòng khám này
“phát hành” trên các ngã ba, ngã tư ở thị xã Thủ Dầu Một.
Mặt tiền phòng khám Apollo
Chị và cả chồng đã tìm đến chữa bệnh lậu theo lời quảng
cáo là được giảm giá gần 50%. Tuy nhiên, sau 2 ngày điều trị với một vị “bác
sĩ” người Trung Quốc qua phiên dịch, chị P. phát hiện chi phí điều trị và làm
các xét nghiệm không như hứa hẹn. Chẳng những không giảm mà còn cao hơn vài
trăm nghìn so với mức ban đầu. Chưa kể tiền thuốc cho hai vợ chồng khá cao lên
đến vài triệu đồng/ngày và có dấu hiệu kéo dài không biết đến bao lâu mới thôi
uống thuốc nên hai vợ chồng đã bỏ ngang.
Theo chị P., tất cả thuốc mà “bác sĩ” Trung Quốc cho
chồng chị uống đều không có toa, được đựng trong các túi ny lông không rõ thuốc
gì, uống vào người đau nhức và có khi buồn nôn.
Một bệnh nhân khác, quê Tiền Giang, cho biết anh
cũng tìm đến phòng khám Apollo điều trị nam khoa qua cuốn “tạp chí” quảng cáo
phát ngoài phố ở Biên Hòa. Khi đến phòng khám để điều trị chứng xuất tinh sớm,
tương tự chị P., anh cũng được một “bác sĩ” Trung Quốc trực tiếp khám thông qua
thông dịch viên.
Việc phát tờ rơi, quảng cáo của các phòng khám Trung Quốc trên đường phố diễn ra thường xuyên tại các thành phố phía Nam.
Chỉ mới 3 ngày điều trị, mà chi phí anh phải trả đã lên đến hơn
11 triệu đồng. Bác sĩ cũng không cho biết bệnh của anh phải điều trị bao lâu mới
hết. Anh không được giữ bất cứ một giấy tờ gì từ biên nhận đóng tiền, cho đến toa
thuốc, xét nghiệm…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mục tuyển dụng trên
trang web của phòng khám Apollo (http://khambenhapollo.com/)
luôn luôn đăng tuyển “nhân viên phát tạp chí” ở vị trí số một với lời chú thích
“tuyển thường xuyên” và không có hạn nộp hồ sơ.
Ngoài ra, trên website cũng nhan nhản các nội dung
quảng cáo vượt quá phạm vi đăng ký hành nghề của phòng khám này với hình ảnh và
màu sắc bắt mắt.
Quốc Ngọc (Quốc Ngọc)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.