Chưa rõ mất tích hay bỏ trốn
Chiều 20.1, trả lời phóng viên về việc 59 người Việt Nam đi du lịch rồi tìm cách ở lại Hàn Quốc, ông Tống Hải Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết: Cục chưa nghe có thông tin bỏ trốn. Hiện tại, phía Hàn Quốc mới chỉ đưa thông tin là mất tích mà chưa sử dụng thuật ngữ bỏ trốn. “Dù chưa rõ thông tin nhưng sự việc cũng ảnh hưởng tới hình ảnh lao động và người Việt tại Hàn Quốc. Tất cả các công ty lữ hành đưa khách sang đảo rồi bỏ trốn sẽ bị khiển trách, kiểm điểm, xử lý” – ông Nam khẳng định.
Du lịch trên đảo Jeju là một trong nhiều chiêu trò trốn để lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Ảnh: I.T
Theo ông Nam, về chương trình phái cử lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, Việt Nam chưa thấy bất cứ phản ánh nào của đối tác. Bộ LĐTBXH Việt Nam là đơn vị được Chính phủ ủy quyền hợp tác với Bộ Lao động việc làm Hàn Quốc thực hiện chương trình này. Tuy nhiên, sự việc lần này cũng không biết đổ lỗi cho ai. Cần phải tìm được lao động để điều tra xem họ đi theo đường dây, cố tình bỏ trốn hay do bị mất tích thực sự rồi mới có kết luận cụ thể được.
Trước đó, ngày 18.1, một số nguồn tin không chính thống của Hàn Quốc cho biết, một số lao động Việt Nam nói họ được môi giới đưa tới đảo Jeju để tìm việc. Những người bị bắt ở cơ sở chế biến thực phẩm nói họ chi khoảng 15.000 USD/người cho môi giới ở Việt Nam.
“Sau đó, giới chức Hàn Quốc bắt thêm 3 người ở một cơ sở thực phẩm, nhưng cũng không có thông tin nào cho biết lao động này đang làm việc ở đây. Vì vậy chưa thể có bất kỳ khẳng định nào về việc khách du lịch bỏ trốn ở lại Hàn Quốc tìm việc” – ông Nam nói.
Nhiều chiêu xuất ngoại trá hình
Việc nghi ngờ 59 du khách Việt Nam sang đảo Jeju rồi bỏ trốn để trở thành lao động bất hợp pháp không phải là không có căn cứ, bởi lẽ Hàn Quốc có nhu cầu lớn về lao động. Mặt khác thu nhập ở quốc gia này cao ngất ngưởng (xếp nhất, nhì trong khu vực châu Á), từ 40-60 triệu đồng/tháng.
Trên thực tế, việc khách du lịch Việt Nam trốn ra nước ngoài qua con đường du lịch là không hiếm. Trước đó, đầu tháng 1.2013 đã có 15 du khách Việt Nam đi du lịch tại Israel và bỏ trốn lại đây tìm việc làm. Israel chưa phải là “điểm đến” được nhiều người lựa chọn, mà đứng đầu là Hàn Quốc, rồi đến Hongkong, Nhật Bản, Đài Loan, Australia...
Ông Phạm Viết Hương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết: “Hiện nay, lao động Việt Nam lựa chọn 3 hình thức chủ yếu để bỏ trốn tìm việc làm ở các thị trường lao động giàu tiềm năng là: Đi theo đường kết hôn giả, đi du học, đi du lịch. Trong đó, hình thức đi du lịch rồi bỏ trốn ra ngoài tìm việc được nhiều lao động Việt Nam lựa chọn hơn cả”.
"Tất cả các kênh xuất ngoại trá hình tìm việc làm bất hợp pháp, lao động thường phải chi trả mức phí môi giới rất cao. Lao động đi du lịch Hàn Quốc phải chi từ 800- 900 USD. Riêng lao động đi theo đường du học trá hình thì số tiền có thể còn cao hơn, khoảng từ 1.200 - 1.500 USD (gần 300 triệu đồng)”.
Ông Phạm Viết Hương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước
|
Cũng theo ông Hương, ban đầu ở Nhật Bản, lượng khách bỏ trốn tìm việc ít nhất, nhưng càng ngày càng nhiều người tìm đến con đường đi du học để sang làm lao động tự do. Trong những năm gần đây, phía cảnh sát Nhật đã bắt và trục xuất rất nhiều trường hợp. Một số lao động nữ thì lựa chọn con đường kết hôn trá hình, sau đó bỏ ra ngoài tìm việc làm. Tuy nhiên, họ cũng không được cấp thị thực, làm việc không có hợp đồng nên gặp rất nhiều rủi ro.
Theo báo cáo của cơ quan quản lý Đài Loan, số lao động Việt Nam bỏ trốn ở Đài Loan đang tăng từng ngày. Hàng tháng có 800-900 lao động có hợp đồng, đi theo kênh chính thức bỏ trốn.
Còn Hàn Quốc là nơi nhiều khách du lịch Việt Nam bỏ trốn nhất. Tại nước này, lượng lao động Việt Nam ở lại đông, lên tới cả trăm ngàn người, chưa kể những cô dâu Việt lấy chồng Hàn hoặc bản thân lao động đi xuất khẩu trước đó đã trốn ra ngoài làm, nay lại muốn sang. Cộng đồng lao động bất hợp pháp Việt Nam ở bên đó khá đông cũng là mắt xích kéo du lịch bất hợp pháp. Khi các kênh xuất khẩu lao động chính thức bị khóa thì chỉ còn kênh du lịch.
“Những người vi phạm Luật Nhập cư của Hàn Quốc sẽ bị trục xuất về nước và bị cơ quan quản lý xuất nhập cảnh lưu vào sổ đen. Người lao động cư trú bất hợp pháp sẽ bị từ chối cấp visa và nhập cảnh” – ông Hương cảnh báo.
Lao động bất hợp pháp có thể bị phạt tới 730 triệu đồng
Cục Quản lý lao động ngoài nước đã phát đi khuyến cáo về những rủi ro người lao động có thể gặp phải khi làm việc trái phép tại Hàn Quốc, như: Không được pháp luật Hàn Quốc bảo vệ, kể cả khi bị chủ sử dụng ngược đãi, không trả lương hoặc trả lương thấp hơn quy định, hay khi điều kiện ăn ở và làm việc không đảm bảo…; thường xuyên bị cảnh sát tư pháp của Hàn Quốc truy quét, trục xuất. Ngoài ra, lao động bất hợp pháp nếu bị bắt có thể bị xử phạt tối đa 40 triệu won (hơn 730 triệu đồng) hoặc bị phạt tù tối đa 12 tháng. Nếu không nộp phạt được, người lao động sẽ bị buộc phải cải tạo để đủ tiền nộp phạt.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.