Vụ 63 giáo viên Hà Nội được cử đi học nhưng không trả tiền trợ cấp: "Hứa xong bỏ đó"
Vụ 63 giáo viên Hà Nội được cử đi học nhưng không trả tiền trợ cấp: "Hứa xong bỏ đó"
Tào Nga
Thứ tư, ngày 12/06/2024 07:00 AM (GMT+7)
"Trong quá trình học tập, chúng tôi phải chi một khoản tiền khá lớn, vượt quá khả năng chi trả của nhiều người nhưng đến nay vẫn chưa được nhận trợ cấp", cô Từ Thị Thoa, một giáo viên trong số 63 giáo viên Hà Nội được cử đi học nhưng không trả tiền trợ cấp, tâm sự.
Vụ 63 giáo viên Hà Nội được cử đi học nhưng không trả tiền trợ cấp: "Mong sớm được giải quyết"
Trao đổi với PV báo Dân Việt, cô Từ Thị Thoa, giáo viên bộ môn Công nghệ, Trường THPT Vân Tảo, huyện Thường Tín, Hà Nội chia sẻ: "Năm 2019, tôi nằm trong danh sách 63 giáo viên được cử đi học Cao học do Sở GDĐT Hà Nội quyết định. Khi đó cảm xúc của tôi vô cùng lẫn lộn. Vui mừng lắm vì không phải ai cũng được Sở quyết định cử đi học nhưng cũng lo lắng khi bản thân tôi là một giáo viên với đồng lương ít ỏi, phải thu xếp công việc ở trường, gia đình, bản thân mới có thể toàn tâm dành thời gian đi học được.
Dù vậy, nghĩ đến việc được nâng cao trình độ, đặc biệt UBND thành phố và Sở có chế độ hỗ trợ cho giáo viên dưới tuổi 40 đi học nên tôi đã rất vui. Thời gian đó, tôi đã làm đầy đủ các giấy tờ theo đúng quy trình từ đơn vị trường, để trường gửi lên Sở, sau đó được Sở gửi Quyết định số 1703 ngày 18/10/2019 cho tôi được đi học.
Ngày 14/2/2020, được lệnh triệu tập của Sở, chúng tôi lên Sở nhận các loại giấy tờ về hoàn thiện vào hồ sơ trợ cấp kinh phí, tất cả các giấy tờ trong quy trình, thành tích cá nhân, sơ yếu lý lịch, bằng cấp chứng chỉ... Tổng tất cả tôi cần chuẩn bị 26 bản trong hồ sơ đó".
Lời hứa dang dở với con
Cô Thoa tiếp tục chia sẻ: "Thời gian đi học, tôi phải thu xếp công việc của nhà trường, của gia đình, 3 đứa con cũng khá vất vả và tốn kém, lại vào thời gian dịch Covid-19 nên việc học tập có nhiều khó khăn. Đặc biệt là thời gian làm luận văn tốt nghiệp, không được đến trường, chỉ gặp giáo viên hướng dẫn qua các kênh online...
Trong quá trình học tập, chúng tôi phải chi một khoản tiền khá lớn, vượt quá khả năng chi trả của nhiều người. Chúng tôi vẫn kiên trì động viên nhau thôi cố vay mượn để trang trải, sau này lấy khoản hỗ trợ của thành phố bù đắp sau.
Mọi khó khăn cũng qua đi với rất nhiều sự cố gắng của bản thân và trợ giúp của gia đình, tôi và các đồng nghiệp đã hoàn thành xong chương trình học. Chỉ duy nhất 1 điều tôi chưa hoàn thành, đó là lời hứa của tôi với con trai: "Khi nào nhận được tiền hỗ trợ của Thành phố, mẹ sẽ mua cho con cái đàn". Thế rồi tôi hứa với con xong đành phải để đó.
Tôi học xong đến nay đã 3 năm, hứa hẹn của Lãnh đạo Sở đến nay đã 4 năm nhưng trợ cấp chưa thấy đâu. Lời hứa của 1 cán bộ với giáo viên, lời hứa của 1 người mẹ với đứa con, tất cả vẫn còn dang dở.
Đến nay Sở GDĐT Hà Nội thông báo không có khoản hỗ trợ đó, chúng tôi vô cùng hoang mang, hụt hẫng. Có thể thành phố đang có chút khó khăn, vướng mắc ở khâu nào đó nhưng xét thấy mọi chủ trương chính sách đề ra cần phải được thực hiện. Mong Sở và UBND thành phố sớm giải quyết vấn đề này nhanh chóng và đúng đắn, giúp giáo viên chúng tôi yên tâm tiếp tục công tác và công hiến cho giáo dục Thủ đô".
Mới đây, 63 cán bộ, giáo viên ở Hà Nội đã gửi đơn "kêu cứu" tới báo Dân Việt về việc Sở GDĐT Hà Nội phê duyệt và có chỉ tiêu kế hoạch đào tạo sau đại học, tuy nhiên, đến nay sau hơn 4 năm vẫn chưa được trợ cấp kinh phí.
Văn phòng UBND TP.Hà Nội sau đó đã ban hành văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu kiểm tra, xử lý thông tin báo chí phản ánh về việc 63 giáo viên không nhận được tiền hỗ trợ đào tạo học thạc sĩ dù có quyết định cử đi học vào năm 2019.
Trong văn bản, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở GDĐT và các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, làm rõ thông tin 63 giáo viên không được cấp kinh phí hỗ trợ đào tạo. Thông tin trả lời báo chí theo quy định, đồng thời báo cáo UBND TP.Hà Nội kết quả thực hiện trước ngày 12/6.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.