Tần Thủy Hoàng nổi tiếng là vị vua bạo tàn trong lịch sử Trung Quốc
Tần Thủy Hoàng là vị hoàng đế đầu tiên thống nhất toàn cõi Trung Hoa sau khi tiêu diệt sáu nước chư hầu, chấm dứt thời kỳ Xuân thu - Chiến quốc, đặt nền móng cho chế độ phong kiến Trung Quốc kéo dài hàng ngàn năm về sau. Ông nổi bật trong lịch sử là một vị hoàng đế có tài trí, vũ dũng, nhưng cách cai trị lại vô cùng hà khắc và độc đoán. Việc ông tiêu diệt sáu nước chư hầu lớn và chấm dứt hơn 800 năm lịch sử nhà Chu đã tạo cho Tần Thủy Hoàng không ít kẻ thù.
Tần Thủy Hoàng thường là mục tiêu của những vụ ám sát
Tần Thủy Hoàng luôn đề cao cảnh giác. Ông cho xây dựng những cung điện lớn với nhiều hành cung và hệ thống đường ngầm di chuyển, mỗi đêm ông ngủ tại những hành cung khác nhau, kẻ nào tiết lộ vị trí của ông đều bị tội chết. Ngoài việc cấm mang vũ khí khi vào chầu, Tần Thủy Hoàng còn đặt ra quy định về khoảng cách giữa ông với quan lại khi triều kiến.
Tuy nhiên, cho đến gần những năm cuối đời, Tần Thủy Hoàng vẫn suýt bỏ mạng bởi một cuộc ám sát và người lên kế hoạch không ai khác là Trương Lương, một vị khai quốc công thần của nhà Hán sau này.
Sử ký của Tư Mã Thiên và tác phẩm Hán Sở tranh hùng của tác giả Mộng Bình Sơn đều ghi chép lại, Trương Lương là người nước Hàn (một nước nhỏ bị Tần tiêu diệt), dòng dõi tướng quốc nước Hàn. Khi Trương Lương còn nhỏ, chưa ra làm quan mà nước Hàn đã bị diệt, ông ôm mối hận vong quốc với Tần Thủy Hoàng đến mức người em trai chết, ông không lo chôn cất mà bán hết gia sản, bỏ ra nghìn nén vàng ròng, đi khắp các nơi trong thiên hạ liên kết với các nghĩa sĩ mưu đồ việc ám sát Tần Thủy Hoàng.
Trương Lương – vị quân sư nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc (ảnh minh họa)
Bỏ biết bao công sức tìm kiếm, Trương Lương về sau kết giao được với Thượng Hải Công quê ở Hải Biên, là một vị tráng sĩ mình cao hơn trượng, tướng mạo đoan trang, có sức mạnh sử dụng được chiếc chùy sắt nặng 120 cân. Trương Lương lưu người này ở lại nhà mình và lên kế hoạch ám sát Tần Thủy Hoàng.
Năm 218 TCN, 8 năm trước khi Tần Thủy Hoàng băng hà, biết được thông tin Tần Thủy Hoàng sẽ tuần du đến miền đông, đi qua huyện Vũ Dương, ông và Thượng Hải Công phục kích ở gò Bác Lãng, chờ cho Tần Thủy Hoàng đi qua rồi hành thích.
Nhưng người tính không bằng trời tính, Hải Công thấy xe vua đến, nhanh như chớp lao ra vung chùy đánh tan nát long xa, nhưng trong xe lại không có người, Hải Công bị quân lính ào đến giết chết tại chỗ.
Nguyên nhân là do Tần Thủy Hoàng tự biết mình có những hành động tàn bạo, sợ thiên hạ ám hại nên đã đề phòng trước, chuẩn bị sẵn hai chiếc long xa, một chiếc để ngự lúc du hành, còn một chiếc để không, sai quân sĩ đẩy đi trước. Tần Thủy Hoàng lại may mắn thoát chết một lần nữa và đây cũng là cuộc ám sát cuối cùng nhằm vào ông được sử sách ghi lại.
Đoàn xa giá của Tần Thủy Hoàng (ảnh minh họa)
Tần Thủy Hoàng sau đó nổi trận lôi đình, sai người lùng sục khắp thiên hạ để bắt Trương Lương, nhưng Trương Lương thay tên đổi họ trốn tránh, sau đó ông ra sức phò trợ cho Lưu Bang (sau này thành Hán Cao Tổ) tiêu diệt nhà Tần, lập ra nhà Hàn. Trương Lương thường được xếp vào hàng ngũ 10 đại quân sư kiệt xuất nhất lịch sử phong kiến Trung Quốc, đứng trên cả các bậc quân sư kiệt xuất khác như Gia Cát Lượng, Lưu Bá Ôn. Người đời sau thường gọi ông là Mưu Thánh.
Hoàng đế Đường Thái Tông được biết đến là người đưa Trung Hoa phát triển cực thịnh, nhưng cuối đời ông cũng không...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.