Vụ án oan khủng khiếp: Trả thù cho 1 người đẹp, 3.000 cô gái bị giết

Thứ ba, ngày 25/12/2018 20:32 PM (GMT+7)
Chỉ vì quá lụy tình mà một 'minh quân' đã mất đi sự tỉnh táo, xuống tay tàn bạo giết hại tới 3.000 người để trả thù cho giai nhân mà ông sủng ái…
Bình luận 0

Đoạt ngôi của cháu

Minh Thành Tổ Chu Lệ là hoàng đế thứ 3 của triều Minh, là con thứ 4 trong số 26 con trai của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương.

Cuối thời Minh Thành Tổ, Thái tử Chu Tiêu, Tần Vương Chu Sảng, Tấn Vương Chu Yên nối nhau qua đời. Sau khi Chu Nguyên Chương chết, cháu trai là Chu Doãn Văn lên ngôi (Minh Huệ Tông) sợ bị các chú đoạt ngôi nên mật mưu với các đại thần thân tín ra tay “tước phiên”, tức phế bỏ tước vương mà Chu Nguyên Chương phong cho các con khi trước, giết hại hoặc giáng họ xuống làm thứ dân.

Năm 1399, Chu Lệ phát động “Tĩnh nan chi biến” đem quân chiếm thành Nam Kinh, chiếm lấy ngôi báu, cải niên hiệu từ Kiến Văn thành Vĩnh Lạc. Vì vậy, người đời sau còn gọi Minh Thành Tổ Chu Lệ là “Hoàng đế Vĩnh Lạc”.

img

Minh Thành Tổ Chu Lệ

Sau khi cướp ngôi của cháu, Chu Lệ 5 lần đem quân đánh Mông Cổ, truy kích tận cùng để loại bỏ mối đe dọa đối với nhà Minh; tổ chức khơi dòng Đại Vận Hà nối thông Nam Bắc; dời đô về Bắc Kinh, đặt nền móng cho việc Bắc Kinh trở thành thủ đô của Trung Quốc trong suốt hơn 500 năm sau đó.

Ông còn tổ chức cho các học giả biên soạn nên bộ Bách khoa toàn thư dài 370 triệu chữ mang tên “Vĩnh Lạc Đại điển”; cho đô đốc Trịnh Hòa 7 lần “hạ Tây Dương” đến tận bờ biển phía Đông châu Phi, mở ra tuyến hàng hải giao thương với các nước…

Những hành động đó tạo nên thời “Vĩnh Lạc thịnh trị” nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, lấn át cả vết nhơ của hành động “Tĩnh Nan chi biến”. Nhưng rất ít người viết về chuyện tình cảm và mối tình xuyên quốc gia của ông cùng tấn bi kịch mà nó tạo nên…

Tuyển chọn người đẹp Triều Tiên làm vợ

Từ đời nhà Nguyên, Cao Ly (Triều Tiên và Hàn Quốc ngày nay) đã bị buộc phải tiến cống mỹ nữ cho triều đình Trung Quốc. Trong cung nhà Minh cũng có nhiều phi tần người Triều Tiên, mẹ Chu Lệ  chính là Thạc Phi, một phụ nữ Triều Tiên.

Chính vì vậy, sau khi lên ngôi, Chu Lệ liên tục sai người sang Triều Tiên tuyển chọn phi tần, có lẽ muốn tìm lại bóng dáng người mẹ đã qua đời khi ông còn rất nhỏ.

Năm Vĩnh Lạc thứ 6 (1408), quan Nội sử Hoàng Nghiễm đi sứ Triều Tiên mang theo 1 vạn lạng bạc, 50 xe lụa, 100 xe nhiễu…để cám ơn vua nước này đã tiến cống ngựa quý, đồng thời tuyển chọn người đẹp Triều Tiên mang về bổ sung hậu cung.

Chuyến đi này không mấy thành công, chỉ chọn được một số cô gái nhan sắc bình thường, Hoàng Nghiễm rất không hài lòng, bèn đề nghị tuyển chọn lại. Thế là triều đình Triều Tiên phải cưỡng bức để tuyển chọn từ khắp nước được mấy chục người đẹp. Đám Hoàng Nghiễm lựa chọn từ số đó ra được 5 nàng.

Người đẹp nhất là Quyền Phi, 18 tuổi; những người còn lại là Nhiệm Thị, 17 tuổi, Lý Thị - 17 tuổi, Lã Thị - 16 tuổi, Thôi Thị - 14 tuổi. Họ được đưa về Trung Quốc cùng với 12 thị nữ và 12 đầu bếp.

Vào cung, Quyền Phi được Chu Lệ phong làm Hiền Phi, Nhiệm Thị là Thuận Phi, Lý Thị là Chiêu Nghi, Lã Thị là Mỹ Nhân, Thôi Thị là Tiệp Dư. Cha của Quyền Phi được phong làm Quang Lộc Tự Khanh, do triều đình Triều Tiên trả lương. Trong dịp đó còn có 2 mỹ nhân người Hán là Trương Thị và Vương Thị cũng được phong quý phi.

Quyền Phi được Chu Lệ sủng ái nhất, ngay lần đầu tiên gặp mặt, hoàng đế đã bị hớp hồn bởi vẻ đẹp dịu dàng mà kiêu sa của nàng. Khi Chu Lệ hỏi nàng có tài năng gì nổi bật, Quyền Phi đã lấy cây Ngọc Tiêu mang theo ra thổi. Tiếng tiêu khi khoan thai, lúc réo rắt khiến Chu Lệ như mê mẩn, quyết định giao cho nàng làm người đứng đầu cai quản các phi tần chốn hậu cung thay cho Từ hoàng hậu mới qua đời.

img

 Quyền Phi và Chu Lệ trên màn ảnh

Quyền Phi xinh đẹp lại thông minh, dịu dàng, nho nhã. Mỗi khi tan triều, vua mệt mỏi đến cung của Quyền Phi là nàng lại khiến ông tan biến mọi mệt mỏi về cả thể xác lẫn tinh thần.

Từ sau khi Quyền Phi bước vào hậu cung nhà Minh, Chu Lệ càng trở nên quả cảm, quyết đoán, mạnh mẽ trong xử lý việc triều chính, hai người rất ít khi tách rời nhau.

Năm Vĩnh Lạc thứ 8 (1410) tháng 10, Quyền Phi theo Minh Thành Tổ Chu Lệ Bắc chinh Mông Cổ. Sau khi toàn thắng, Chu Lệ về triều, nhưng đến Lâm Thành, Sơn Đông thì Quyền Phi đột nhiên lâm trọng bệnh rồi chết khi mới 22 tuổi.

Chu Lệ đau đớn, xót xa vì đột ngột mất đi hồng nhan tri kỉ. Ông truyền chỉ mai táng nàng ở huyện Phong, hạ chiếu bắt quan chức địa phương hàng ngày cử người trông coi chăm sóc mộ nàng, định sau này sẽ đưa hài cốt nàng về di táng trong lăng Từ Hoàng hậu.

Thảm án khủng khiếp

Cái chết đột ngột của Quyền Phi lúc đầu không ai nghi ngờ gì, nhưng cuộc đấu đá trong cung đình Trung Hoa không khi nào ngưng nghỉ. Một lần các nô tỳ hầu hạ Lã Mỹ nhân và Quyền Phi trong lúc xô xát, khẩu chiến với nhau đã để lộ những thông tin quan trọng:

img

Tranh chân dung Quyền Phi vẽ thời Minh

Khi Quyền Phi mới vào cung, Từ hoàng hậu đã chết, Chu Lệ giao cho nàng thay thế quản mọi việc trong hậu cung. Lã Mỹ nhân rất bất mãn, thế là Lã thị thông đồng với hai hoạn quan Kim Đắc, Kim Lương lấy được từ một người thợ bạc một ít tỳ sương (thạch tín), nghiền thành bột rồi cho vào trà Hồ đào dâng Quyền Phi uống nên nàng trúng độc mà chết.

Chu Lệ nghe chuyện nổi giận lôi đình, bắt các nội quan, thợ bạc giết sạch. Lã Mỹ nhân thảm nhất, bị Chu Lệ trừng phạt bằng cách nung ấn rồi dí vào người suốt 1 tháng cho tới khi đau đớn mà chết; những người theo hầu Lã Thị cũng bị giết sạch.

Chu Lệ còn bắt triều đình Triều Tiên bắt giết cả cha mẹ Lã Thị. Trong cơn giận ngút trời, Chu Lệ chẳng thèm điều tra kỹ, cứ mặc sức bắt giết bất chấp đúng sai. 

Mãi đến năm cuối của thời kỳ niên hiệu Vĩnh Lạc, sự thật mới được phơi bày, cho thấy đó là vụ án oan lớn khủng khiếp. Thì ra, năm xưa khi Quyền Phi, Lã Mỹ nhân được vào cung, cũng có một Lã Thị khác là con gái một thương gia được tuyển vào cung.

Lã Thị này thấy Lã Mỹ nhân cùng họ nên muốn kết thân, nhưng Lã Mỹ nhân không muốn nên Lã Thị nuôi hận trong lòng. Sau khi Quyền Phi đột tử, Lã Thị thừa cơ tung tin Lã Mỹ nhân hạ độc hại chết Quyền Phi, gây nên thảm án nói trên.

Tóm lại, đó là một cuộc đấu đá đẫm máu chốn hậu cung, nhưng Chu Lệ lại cho rằng mình biết hết mọi chuyện. Lã Thị sau khi gây họa đã tự sát vì sợ tội. Những thị tì của bà ta sau khi bị bắt không chịu được đòn roi đã tự nhận tội là âm mưu sát hại hoàng đế.

Thế là một cuộc đại tàn sát lớn xảy ra, có thêm 2.800 người bị giết. Hôm hành hình, Chu Lệ đích thân đến xem, có người trước khi chết còn chỉ mặt hoàng đế mắng chửi.

Khi mới xảy ra vụ án oan, các phi tần Triều Tiên như Nhiệm Thị, Trịnh Thị đều tự thắt cổ tự tử, Hoàng Thị, Lý Thị bị xử chém..

Hoàng Thị khi chết khai thêm nhiều người để họ đi theo, Lý Thị thì nói: “Dù sao cũng chết, sao phải bắt người khác chết theo? Có chết thì mình ta chết” không khai gian thêm ai khác. Các người đẹp Triều Tiên hầu như bị giết hết, chỉ có mỗi Thôi Thị khi đó ở Nam Kinh nên thoát…

Sau khi Chu Lệ lạm sát mấy ngàn người thì 3 cung điện Phụng Thiên, Hoa Cái, Cẩn Thân bị sét đánh trúng, lửa cháy ngút trời, không thể cứu được, rất nhiều người bị thiêu thành tro trong biển lửa.

Sủng ái khiến người ta mờ mắt, quyền lực được sử dụng không đúng chỗ sẽ gây nên thảm họa. Đó là bài học rút ra từ vụ án oan “Chu Lệ giết cung nữ”.

Lan Hương (Pháp luật Việt Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem