Cho đến nay, động cơ của kẻ bắt cóc con tin vẫn là một bí ẩn và hung thủ được mô tả là một kẻ tâm thần và hành động một cách ngẫu nhiên, tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng tay súng này đã tạo ra một chiến dịch tuyên truyền táo bạo cho những phần tử thánh chiến Hồi giáo. Vụ bắt cóc chấn động đã kết thúc sau 16 giờ căng thẳng, hung thủ Man Haron Monis, (49 tuổi) đã bị tiêu diệt, 2 con tin cũng bị thiệt mạng trong khi chiến đấu với kẻ bắt cóc.
Con sói đơn độc
Theo phân tích của Hãng tin AFP, hung thủ Man Haron Monis là người Hồi giáo gốc Iran, đã mang cờ đen của những kẻ thánh chiến, một mình thực hiện một vụ tấn công có vẻ như được thúc giục bởi các nhóm khủng bố như Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Mặc dù chưa tìm ra bất kỳ mối liên hệ nào giữa tay súng này với một nhóm cụ thể, song hàng loạt các tiếng nổ lớn và chớp lửa khi cảnh sát tấn công vào bên trong quán cà phê khiến hai người và kẻ bắt con tin thiệt mạng đã làm cả Australia ngày càng cảm nhận rõ mối đe dọa từ “con sói đơn độc” này.
Người dân Sydney đặt hoa tưởng niệm 2 con tin bị thiệt mạng trong vụ bắt cóc. (Ảnh: Dailymail)
Hung thủ xuất hiện trên các phương tiện truyền thông của Australia như là một “giáo sĩ” và được biết đến là người từng gửi những bức thư xúc phạm tới các gia đình binh sĩ Australia bị thiệt mạng trên chiến trường Afghanistan, và bị cáo buộc là tòng phạm trong vụ giết vợ cũ song hiện được bảo lãnh tại ngoại.
Hắn được mô tả là “kẻ Hồi giáo cực đoan”, thích tự mình hành động, và mặc dù vẫn chưa rõ tại sao hắn hành động như vậy song các nhà phân tích cho rằng IS có thể coi vụ việc là một chiến thắng của tổ chức này.
Matthew Henman- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chủ nghĩa khủng bố và nổi dậy của IHS Jane’s ở London, nói: “Điều then chốt trong các vụ tấn công này không phải là gây ra nhiều thương vong, mà là thu hút giới truyền thông, khiến mọi người chú ý tới và bàn tán về nó. Mỗi khi một vụ việc như vậy xảy ra, thậm chí nếu không có thương vong, nó vẫn là một thắng lợi về mặt tuyên truyền cho IS bởi chúng có thể nói rằng chúng có người ở khắp mọi nơi trên thế giới – những người sẵn sàng hành động nhân danh chúng”. Henman nói rằng ngay cả khi tay súng Monis hành động không lấy cảm hứng từ IS, thì IS cũng sẽ “nỗ lực và tuyên bố rằng vụ tấn công này là một chiến thắng của chúng”.
Biểu tượng chết chóc của IS
Thủ tướng Australia Tony Abbott đã đặt câu hỏi tại sao Monis đã không được liệt vào danh sách theo dõi khủng bố của nước này. Thủ tướng Abbott cho rằng, thủ phạm là người “mê muội với chủ nghĩa cực đoan” và có tâm lý không ổn định. Theo ông Abbott thì Monis đã “tìm cách đặt hành động của hắn ta dưới cái vỏ ngoài là biểu tượng chết chóc của IS”.
IS- hiện đang chiếm giữ một khu vực rộng lớn ở Iraq và Syria, đã khiến mọi người phải “lạnh sống lưng” khi kêu gọi các phần tử thánh chiến tự thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào “những kẻ không có đức tin”.
Theo Henman, hiện số các vụ tấn công mà kẻ thực hiện hành động một mình đang “gia tăng đáng kể” trong năm qua, cùng lúc IS đang gây ra sự khiếp sợ trên toàn thế giới. Ông nói với Hãng tin AFP: “Chúng nhận ra rằng tất cả những gì chúng cần là thứ gì đó thu hút sự chú ý, cho dù đó là lái ô tô đâm ai đó, tấn công ai đó bằng dao, những hành động có thể không gây ra thương vong lớn song chúng khiến mọi người chú ý”.
Những kẻ thánh chiến Hồi giáo hoạt động riêng lẻ không phải là điều mới mẻ. Trong nhiều năm qua, al-Qeada đã kêu gọi những tân binh và những kẻ tình nguyện của chúng tự hành động một mình mà không cần phải huấn luyện hay có mệnh lệnh cụ thể. Các tạp chí trên mạng của những kẻ thánh chiến cho đăng tải rất nhiều các công thức tự chế tạo bom vô cùng ác hiểm mà chúng gọi là “làm thế nào để làm bom trong chính căn bếp của mẹ”.
Steven Emerson - làm việc cho Dự án Điều tra chủ nghĩa khủng bố tại Mỹ, nói: “IS đã bắt chước cách thức này khi kêu gọi thực hiện các vụ tấn công. Các vụ tấn công này xảy ra trên khắp thế giới, đặc biệt được kích động trên Internet nhờ vào sự phát triển của của các mạng truyền thông xã hội đã giúp cho việc gửi những thông điệp của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo nhanh như tốc độ ánh sáng”.
Ngày 16.12, các phiến quân Taliban đã thừa nhận gây ra vụ tấn công nhằm vào ngôi trường do quân đội quản lý ở thành phố Peshawar thuộc tỉnh Khyber Pakhtunkhwa ở Tây Bắc Pakistan, và bắt giữ gần 700 giáo viên và học sinh của trường này. Vụ tấn công này của phiến quân Taliban đã khiến 126 người thiệt mạng (trong đó có 84 trẻ em), và hàng chục người bị thương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.