Không nạn nhân nào trình báo
Trưa ngày 10/4, trao đổi với PV Dân Trí ông Nguyễn Tấn Đạt - Trưởng Công an quận 1 (TPHCM) cho biết mới đã nắm bắt thông tin về sự việc nhưng chưa có ai đến cơ quan chức năng trình báo.
"Ngày 8/4, ngay sau khi người dân tập trung tại địa chỉ công ty M.T trên đường Nguyễn Huệ để phản ứng thì lực lượng chức năng đã có mặt tại địa bàn để đảm bảo an ninh trật tự. Ngay sau đó, công an quận cũng đã hướng dẫn người dân về công an phường, quận, hoặc địa bàn cư trú để trình báo nhưng không có ai trình báo", ông Đạt chia sẻ.
Ông Đạt thông tin thêm: "Nếu có người đến tố cáo sự việc cơ quan chức năng sẽ vào cuộc để xác minh. Nếu xét thấy đủ yếu tố để khởi tố cơ quan chức năng sẽ khởi tố vụ án. Nếu đúng như số tiền mà người dân phản ánh là 15 nghìn tỉ đồng thì Công an quận cũng sẽ gửi lên cơ quan cấp cao hơn để xử lý. Tuy vậy, đến hôm nay vẫn chưa có ai đến để gửi đơn phản ánh hay tố cáo. Chúng tôi thông qua các cơ quan báo chí gửi đến những nạn nhân trong sự việc trên hãy nhanh chóng đến cơ quan chức năng để phản ánh. Không có người phản ánh thì chúng tôi không thể mời những người đang bị tố cáo lên làm việc được. Như vậy không đủ cơ sở!".
"Trước đây, trên địa bàn cũng xuất hiện nhiều hình thức tiền ảo, đa cấp. Vì nhà nước chưa chấp nhận thanh toán bằng tiền ảo hay tổ chức các hoạt động đa cấp nên công an quận cũng đã có nhiều cảnh báo cho người dân. Chúng tôi khuyên người dân khi đầu tư vào các hình thức chưa được cho phép cần hết sức thận trọng", ông Đạt nhấn mạnh.
Dù căng băng rôn phản ánh nhưng chưa nạn nhân nào đến cơ quan chức năng trình báo.
Nhiều hội thảo được iFan tổ chức rầm rộ để kêu gọi khách hàng nhưng không cơ quan nào quản lý.
Cơ quan chức năng nên khởi tố
Về nguyên nhân chưa có người đến cơ quan chức năng trình báo, ông Lê Thanh Tùng - chuyên gia kinh tế, chia sẻ: "Thứ nhất, người dân tham gia vào các hình thức đầu tư tiền ảo đã là vi phạm pháp luật. Thứ 2, khi tham gia vào các hình thức tiền ảo đều không có hợp đồng hay thoả thuận gì cả. Thứ 3, các hình thức chuyển tiền của tiền ảo hầu hết cũng chuyển bằng tiền mặt. Đặc biệt, khi người dân đồng ý bỏ tiền thật ra mua các loại tiền ảo thị họ đã chấp nhận việc đầu tư mạo hiểm. Như vậy, rất khó để người dân dám đến cơ quan chức năng phản ánh và cơ quan chức năng cũng rất khó trong quá trình xử lý sự việc".
Nhận định về sự việc trên, luật sư Hồ Nguyên Lễ cho rằng cần đề nghị khởi tố vụ án để làm rõ nhiều vấn đề liên quan.
Ông Lễ nói: "Theo Ngân hàng Nhà nước thì các quy định hiện hành không thừa nhận các loại tiền ảo là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam, không được pháp luật thừa nhận. Các tổ chức, cá nhân phát hành, cung ứng, sử dụng các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam. Không những vậy mà theo quy định hiện nay còn xử phạt 150 đến 250 triệu đồng đối với những hành vi này. Còn xác định dự án iFan có lừa đảo hay không thì cơ quan điều tra cần xác minh thêm các dấu hiệu khác mà pháp luật qui định như dự án iFan có thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác hay không?"
Theo ông Lễ, vụ việc này có dấu hiệu lẫn lộn nhiều hình thức kinh doanh như đa cấp, tiền ảo… Do đó, cơ quan có thẩm quyền cần bóc tách từng phần, từng giai đoạn của dự án xem giai đoạn nào hợp pháp, giai đoạn nào phạm pháp để xử lý đúng pháp luật. Nếu phát hiện có dấu hiệu gian dối, chiếm đoạt tài sản của người khác thì cần đề nghị khởi tố vụ án để đảm bảo an ninh trật tự xã hội và bảo vệ người bị hại.
“Với số tiền khủng lên đến 15.000 tỷ đồng liên quan đến 32.000 người thì là rất nghiêm trọng rồi. Bởi đằng sau 32.000 người kia là gia đình họ nên sẽ còn nhiều người hơn nữa. Mặc khác, đã có nhóm người cầu cứu đến cơ quan pháp luật can thiệp thì cơ quan công an cần thiết vào cuộc điều tra", luật sư Lễ nhấn mạnh thêm.
Xuân Hinh (Dân trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.