Vụ cướp ngân hàng ở Đà Nẵng: Cần giám định tâm thần

Thứ sáu, ngày 03/03/2017 09:31 AM (GMT+7)
Rất lạ, đối tượng chọn thời điểm đi cướp là ban ngày, hơn nữa, chỉ đi một mình, không che mặt, không có người trợ giúp là rất bất thường. Do vậy, việc giám định tâm thần với Hoàng là điều cần thiết.
Bình luận 0

Như tin đã đưa, trên địa bàn TP.Đà Nẵng vừa xảy ra một vụ cướp ngân hàng nghiêm trọng với nhiều dấu hiệu bất thường. Theo đó, vào chiều 2.3, Phan Văn Hoàng (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) đã dùng một con dao inox cán gỗ xông vào một chi nhánh một ngân hàng trên đường Ngô Quyền yêu cầu nhân viên ngân hàng đưa 50 triệu đồng.

Để bảo đảm tính mạng, nhân viên ngân hàng đã đưa tiền cho Hoàng. Ngay sau khi đối tượng cầm tiền bỏ đi, nhân viên ngân hàng đã gọi thông báo sự việc cho công an quận Sơn Trà vào cuộc. Hiện tại, đối tượng này đang bị tạm giữ để điều tra. Đồng thời, cơ quan công an sẽ đề nghị tiến hành giám định tâm thần để có hướng xử lý kịp thời đúng đắn.

img

Đối tượng Hoàng tại cơ quan công an (nguồn: VGP).

Được biết, Hoàng trước đây có sử dụng cỏ Mỹ, sống với cha mẹ, là đối tượng ăn chơi lêu lổng. Đặc biệt, Hoàng từng điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng và xuất viện ngày 9.1.2017 với chẩn đoán: Rối loạn tâm thần do sử dụng nhiều loại ma túy và chất tác động tâm thần.

Liên quan đến sự việc đặc biệt nghiêm trọng này, luật sư Cao Văn Tỉnh, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội đã đưa ra quan điểm của mình: "Trong trường hợp của Hoàng, cần lưu ý: thời điểm xảy ra hành vi là ban ngày, hơn nữa, Hoàng chỉ đi một mình và không che mặt, không có người trợ giúp mà dám xông vào ngân hàng cướp tiền. Nếu với suy luận của một tên tội phạm, chắc chắn, việc thực hiện hành vi phải có sự tính toán cả về thời điểm lẫn phương thức gây án để công an và những người xung quanh không thể nhận diện được mình nhưng ở đây lại không có điều này. Do vậy, việc công an đề nghị trưng cầu giám định tâm thần đối với đối tượng này là hoàn toàn cần thiết.

img

Hoàng có tiền sử bệnh tâm thần.

“Trong trường hợp này, cơ quan điều tra nên lưu ý đến tiền sử bệnh tâm thần của Hoàng để xác định rõ hành vi phạm tội có trong thời điểm tâm trí đối tượng tỉnh táo và nhận thức được hành vi của mình hay không? Bởi trong quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành thì: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh (khoản 1 Điều 13)”, luật sư phân tích.

Cũng theo luật sư Tỉnh: “Nếu khi thực hiện hành vi cướp tiền mà tâm trí Hoàng hoàn toàn tỉnh táo, sau đó mới phát bệnh tâm thần thì đối tượng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi cướp tài sản sau khi đã áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Do đó, tội Cướp tài sản quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự, Hoàng có thể phải chịu mức phạt cao nhất là 15 năm tù giam do số tiền chiếm đoạt là 50 triệu đồng, rơi vào trường hợp thuộc điểm e khoản 2 điều này”.

Mặc dù đã từng phản ánh rất nhiều các trường hợp phạm tội do sử dụng chất ma túy nhưng hiện nay, tình trạng này không giảm đi mà ngày càng có chiều hướng gia tăng. Vì thế, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của người dân trong việc bài trừ các tệ nạn xã hội, đặc biệt là ma túy cần phải được chú trọng.

Đồng thời, các cơ quan chức năng nên có những biện pháp quản lý cụ thể, chặt chẽ, tuy nhiên điều này còn gặp nhiều vướng mắc khi việc sử dụng chất ma túy không còn được coi là tội phạm nên khó có thể quản lý và kiểm soát hết.

Dương Nhung (Người Đưa Tin)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem